Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng chống bệnh dại khi thời tiết nắng nóng

Cập nhật: 13/3/2018 | 8:46:08 AM

Thời tiết nóng dần là thời điểm nguy cơ bệnh dại bùng phát. Ở Quảng Ninh, dịp hè 2017 có 2 trường hợp tử vong do nghi dại tại TP Móng Cái và huyện Tiên Yên. Cả 2 trường hợp này đều có tiền sử bị chó cắn hoặc tiếp xúc với dịch tiết của chó ốm nhưng không đi tiêm phòng.

Phòng tiêm Safpo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là 1 trong 13 điểm tiêm phòng bệnh dại cho người trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt
Phòng tiêm Safpo tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là một trong 13 điểm tiêm phòng bệnh dại cho người trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2017 cả nước ghi nhận 63 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ở Quảng Ninh, ngoài 2 trường hợp kể trên, còn có 3.112 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm, tăng 56% so với năm 2016. Qua hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận 9 trường hợp chó ốm, chạy rông cắn nhiều người tại cùng một thời điểm, tập trung ở các địa phương: Hoành Bồ, Hạ Long, Đông Triều, Tiên Yên, Móng Cái, Hải Hà...

Trước tình hình đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống bệnh dại thông qua giám sát, tư vấn, vận động người bị động vật nghi dại cắn đi tiêm phòng; tăng cường truyền thông về bệnh dại tại tất cả các xã, phường, thị trấn; tổ chức hưởng ứng Ngày phòng chống bệnh dại 28/9. Với 2 địa phương có ca tử vong do nghi dại, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế ở 2 địa phương này phối hợp với cơ quan thú y điều tra dịch tễ, tình hình bệnh dại trên động vật và xử lý các ổ dịch nghi dại trên chó, tiêm bổ sung vắc xin dại cho động vật... Với những địa phương xảy ra tình trạng chó nghi dại cắn nhiều người, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thông báo cho Chi cục Chăn nuôi thú y để phối hợp điều tra dịch bệnh trên đàn chó. Năm 2017, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tập huấn phòng chống bệnh dại cho 48 người là cán bộ dự phòng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo các đơn vị giám sát tình hình dịch bệnh chặt chẽ. Hằng quý, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh còn tổ chức giám sát, rà soát lại công tác tổ chức tiêm phòng, xây dựng biểu đồ theo dõi dịch... ở các điểm tiêm phòng bệnh dại tại tuyến huyện. Những công việc này sẽ được Trung tâm tiếp tục chú trọng trong năm 2018, nhất là dịp hè.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn rất nhiều người dân thiếu ý thức trong phòng chống bệnh dại, như: Thả rông chó ngoài đường, nơi công cộng, nhất là ở các xã; không tiêm phòng dại cho chó, mèo theo quy định; khi chăm sóc chó ốm không sử dụng các biện pháp bảo vệ. Vẫn còn tình trạng giết thịt chó ốm để ăn. Thậm chí có trường hợp bị chó, mèo cắn nhưng không tiến hành tiêm phòng, cũng không theo dõi tình hình chó, mèo sau đó... Theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây nên. Vi rút lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Khi bị bệnh dại, người bệnh có biểu hiện lâm sàng như: Sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Đây là bệnh mà đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hầu hết người bị bệnh dại đã tử vong. Vì vậy, để phòng chống bệnh dại hiệu quả, trước hết phải từ ý thức của mỗi người dân. Với những người nuôi chó, mèo cần xích lại; khi thả chó ra đường phải cho đeo rọ mõm; cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Cần tiêm đầy đủ cho chó, mèo để phòng bệnh dại (trong ảnh: Cán bộ thú y TP Hạ Long tiêm phòng dại cho chó trên địa bàn phường Hà Lầm). Ảnh:Hoàng Nga.
Cán bộ thú y TP Hạ Long tiêm phòng dại cho chó trên địa bàn phường Hà Lầm. Ảnh: Hoàng Nga.

Cũng theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần phải rửa kỹ vết thương dưới vòi nước chảy và rửa bằng xà phòng liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc các chất sát khuẩn y tế khác để giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Đặc biệt, phải hạn chế làm dập vết thương, nhất là trong quá trình rửa; không được băng kín vết thương; cần thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn mình; đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Hiện trên địa bàn tỉnh có 13 điểm tiêm phòng dại trên người, gồm 10 điểm tại trung tâm y tế tuyến huyện và 3 phòng tiêm vắc xin dịch vụ (Hoành Bồ, Uông Bí và Phòng tiêm Safpo tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh). Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, cần tuân thủ tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch; đồng thời theo dõi sát con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn, cào. Trong thời gian đó, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán, bị giết... cần thông báo lại bác sĩ để có hướng xử lý tiếp. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014