Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Trao cơ hội và tạo điều kiện cho cha mẹ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ

Cập nhật: 1/8/2019 | 2:59:54 PM

Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức từ ngày 1/8 đến 7/8 năm 2019 với chủ đề: “Trao cơ hội và tạo mọi điều kiện cho cha mẹ để thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ”. Thông điệp ý nghĩa này được phát đi trên toàn thế giới nhằm nhấn mạnh đến vai trò của cha mẹ, gia đình và xã hội đối với việc hỗ trợ bà mẹ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Bởi trong xã hội hiện đại ngày nay, vẫn còn nhiều gia đình chưa hiểu rõ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ: Mâu thuẫn xưa và nay
Nuôi con bằng sữa mẹ tưởng là chuyện hiển nhiên của các bà mẹ sau sinh nhưng nghe chị Quỳnh Trang ở phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ mới thấy để trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là việc không hề đơn giản. Chị tâm sự: “ Bé nhà tôi bú mẹ hoàn toàn được 3 tháng thì bà nội thấy cháu không bụ bẫm như đứa trẻ hàng xóm cùng tháng nên đi xay gạo về bảo tôi nấu bột cho bé ăn thêm. Bà bảo chỉ cho bú mẹ thôi thì bé không đủ no, thiếu chất dinh dưỡng không lớn được. Tôi có giải thích rằng nếu cho bé ăn bột sớm thì sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé và tôi nói: “Con sẽ cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn đến 6 tháng rồi mới cho bé tập ăn dặm”. Nghe tôi nói vậy bà phật ý bảo: “Khổ thân cháu tôi còi quá, trước bà nuôi bố mày cho ăn bột suốt mà vẫn bụ bẫm có làm sao đâu”. Tôi thì vẫn giữ quan điểm không cho bé ăn dặm sớm nhưng cũng lo không biết có đủ sữa cho bé bú đến 6 tháng không”. Tình huống như chị Quỳnh Trang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ cũng được nhiều bà mẹ bỉm sữa chia sẻ trên cộng đồng mạng. Thậm chí nhiều gia đình không giải quyết được vấn đề này dẫn đến mâu thuẫn gay gắt, cuộc sống trở nên nặng nề, một số mẹ do căng thẳng quá độ bị trầm cảm sau sinh.

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu  có lợi cho cả trẻ và mẹ

Vì sao nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau khi sinh và nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung từ tròn 6 tháng tuổi kết hợp với bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi.
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
 Bác sĩ CKI Đào Thị Thêm - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ & trẻ em thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong sữa mẹ có chứa các chất đề kháng và dưỡng chất, các chất này đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của bé và bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm và bệnh tật. Trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ, sức đề kháng tốt, ít mắc các bệnh nhiễm trùng, khi lớn lên ít mắc các bệnh mạn tính không lây”.
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn có lợi cho bà mẹ trên nhiều phương diện: Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau và tránh mất máu cho mẹ, kích thích co hồi tử cung tốt; Trẻ bú ngay và thường xuyên kích thích tăng cường sản xuất sữa, giúp phòng cương tức sữa cho mẹ, tăng cường tình cảm mẹ con; Tốt cho sức khỏe của mẹ (giảm thiếu máu, phòng ung thư vú, ung thư cổ tử cung),…
Việc cho trẻ ăn dặm sớm hoặc quá muộn đều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, sau 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì từ 6 tháng tuổi trở đi, trẻ tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao thì nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên. Sữa mẹ khi ấy không đủ đáp ứng dinh dưỡng cho trẻ, nhất là sau 6 tháng, sữa mẹ bắt đầu loãng và ít dần đi. Chính vì thế, trẻ cần được bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách ăn dặm để có thể phát triển tốt và khỏe mạnh.
Nhiều gia đình cho trẻ ăn dặm quá sớm, thậm chí từ khi trẻ mới được 3 - 4 tháng, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: Nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa thích nghi được với một số loại thức ăn; Thức ăn không đảm bảo, khó tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, táo bón; Ăn dặm sớm khiến trẻ bú mẹ ít đi, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ bị thiếu hụt ở trẻ, đặc biệt là các chất giúp tăng đề kháng.
Nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 9 tháng) sẽ khiến trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trưởng, dẫn đến nguy cơ bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu...
Người mẹ cần chú ý những gì trong giai đoạn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ?
Bác sĩ CKI Đào Thị Thêm - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ & trẻ em thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trong giai đoạn nuôi con bú, chế độ dinh dưỡng tốt của bà mẹ chính là để bảo đảm bà mẹ có đủ sữa nuôi con. Như vậy, bà mẹ đang nuôi con bú cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và không quên rằng chế độ lao động, nghỉ ngơi kết hợp với một trạng thái tinh thần tâm lý thoải mái cũng là một yếu tố quan trọng để bảo đảm có đủ sữa nuôi con”.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý của bà mẹ đang nuôi con bú:
Ăn tăng bữa: Bởi nhu cầu năng lượng cao cùng với yêu cầu được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, bao gồm cả các vi chất dinh dưỡng nên khẩu phần cả ngày của bà mẹ đang cho con bú nên được chia làm nhiều bữa trong ngày (trung bình chia ra 3 đến 6 bữa/ngày).
Ăn đa dạng: Bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm với đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (chất bột đường, chất đạm, chất béo và nhóm vitamin/khoáng chất). Khẩu phần cũng cần cung cấp đủ nhu cầu canxi (1300mg/ngày), lượng canxi này vừa để cung cấp cho trẻ thông qua sữa mẹ vừa để phòng tránh mất canxi trong xương của chính người mẹ. 

Bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết: Ngay sau khi sinh hoặc chậm nhất trong vòng 1 tháng đầu sau đẻ, bà mẹ được khuyên dùng 1 viên vitamin A liều cao (200.000UI), ngoài ra các bà mẹ vẫn nên tiếp tục sử dụng viên sắt hoặc viên đa vi chất (ít nhất là duy trì 1 tháng đầu sau đẻ).
Lao động nghỉ ngơi hợp lý, vui vẻ lạc quan: Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, bà mẹ cần luôn giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, lạc quan. Có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý. Ngủ đủ giấc, bảo đảm ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. 
Không kiêng khem quá mức, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Do nhiều nơi còn có những phong tục, tập quán khác nhau mà bắt bà mẹ phải kiêng khem nhiều thứ trong thời kỳ đang cho con bú. Ví dụ: Sau đẻ chỉ cho bà mẹ ăn cơm với muối trắng, kiêng thịt, cá vì sợ “tanh” làm con bị tiêu chảy, điều này là không có cơ sở khoa học. Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú. Do đó các bà mẹ không chủ động ăn kiêng trong giai đoạn này vì người mẹ cần có bữa ăn đa dạng, nhiều năng lượng hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình và tạo đủ sữa cho con. Vào giai đoạn này, muốn giảm cân, bà mẹ chỉ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời giảm bớt lượng đường trong khẩu phần ăn. Bà mẹ đang nuôi con bú không nên sử dụng các loại thức uống, đồ ăn có tính chất kích thích, như: rượu, bia, cà phê; Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị (hành, tỏi, ớt…); Không ăn các thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ ôi thiu vì dễ gây ngộ độc.
Việc sử dụng thuốc: Trong thời kỳ đang nuôi con bú, các bà mẹ cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh, thuốc nội tiết tố, thuốc tác động lên hệ thần kinh,…trong giai đoạn này khi sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ và nhất thiết phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hỗ trợ bà mẹ để đảm bảo việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ:
Trong giai đoạn đang nuôi con bú, bà mẹ rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của các thành viên trong gia đình, cũng như sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan, cộng đồng tạo điều kiện để bà mẹ được thực hiện đầy đủ quyền được nuôi con bằng sữa mẹ.
Các thành viên trong gia đình có nhiệm vụ giúp đỡ bà mẹ chăm sóc trẻ, tạo điều kiện cho bà mẹ nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái, ăn uống đầy đủ để trẻ được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi. Đó cũng là cơ sở thuận lợi để duy trì nguồn sữa cho trẻ bú đến 2 năm.
 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014