Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng bệnh cúm mùa

Cập nhật: 26/2/2018 | 3:35:25 PM

Qua theo dõi tại một số bệnh viện và các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ tháng 10/2017 đến nay, số ca mắc cúm mùa tăng nhanh và chưa có xu hướng giảm. Tại nhiều gia đình trong tỉnh, tuy không đến các cơ sở y tế khám, điều trị, song số người có các triệu chứng sốt cao, ho... cũng khá phổ biến. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về bệnh này.

Thời gian này, mỗi ngày tại Khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có gần chục bệnh nhân mắc bệnh cúm mùa nằm điều trị.
Thời gian này, mỗi ngày tại Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có gần mười bệnh nhân mắc bệnh cúm mùa nằm điều trị.

- Xin bác sĩ cho biết tình hình mắc cúm trên địa bàn tỉnh hiện nay và nguyên nhân nào gây bệnh cúm mùa?

+ Qua giám sát tại các cơ sở y tế và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ tháng 10/2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều bệnh nhân bị bệnh cúm mùa. Đây là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh xảy ra hằng năm, thường vào mùa đông-xuân. Bệnh cúm mùa lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Tại Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Tuy nhiên, thời điểm này, qua xét nghiệm cho thấy, phần lớn bệnh nhân bị cúm mùa là do vi rút cúm A, chỉ một số trường hợp do cúm B. Xuất hiện nhiều vào mùa đông-xuân, bệnh cúm mùa thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

- Bệnh có nguy hiểm không, thưa bác sĩ?

+ Khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi rút cúm, các triệu chứng ban đầu có thể xuất hiện những cơn sốt cao 39-400C. Người bệnh có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn; cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực, đau tai, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Thời gian này, mỗi ngày tại Khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có gần chục bệnh nhân mắc bệnh cúm mùa nằm điều trị.

Tiêm phòng cúm hằng năm là biện pháp tốt nhất phòng bệnh cúm mùa. Trong ảnh: Người dân đến tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Cách phòng bệnh ra sao, thưa bác sĩ?

+ Với người nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly. Với trường hợp nhiễm cúm nhưng biểu hiện nhẹ, chưa biến chứng có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế... Khi bệnh nhân sốt trên 38oC, để hạ sốt chỉ dùng paracetamol. Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamin) và cân bằng nước điện giải. Nếu triệu chứng nặng lên, nên đến cơ sở y tế khám để xác định mức độ bệnh và được tư vấn, hướng dẫn, điều trị thích hợp. Điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng vi rút được dùng trong các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ (chỉ được điều trị tại các cơ sở y tế). Cụ thể như: Bị cúm nặng, cúm ác tính hoặc cúm trên những bệnh nhân có nguy cơ dễ diễn biến nặng và có biến chứng như người cao tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, suy thận, béo phì... Những trường hợp này cần được điều trị tại các cơ sở y tế; thậm chí, phải chuyển tuyến nếu vượt quá trình độ chuyên môn của tuyến dưới.

Bên cạnh việc điều trị, công tác phòng bệnh cũng rất quan trọng. Trước hết cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm; tăng cường rửa tay; vệ sinh hô hấp khi ho khạc; tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra. Cần cách ly người bệnh ở buồng riêng; người bệnh phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị; thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh, quần áo, dụng cụ của người bệnh. Người mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính nên tránh tiếp xúc với người bệnh. Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai hay gây biến chứng phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc trong 3 tháng đầu có thể gặp bệnh lý ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương (không gây quái thai). Nên tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm. Vắc xin cúm mới thường có từ tháng 9 hằng năm. Việc tiêm ngừa cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm mùa đang lưu hành mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm A khác do tính miễn dịch chéo trong vắc xin. Tiêm vắc xin ngừa cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do vi rút cúm thường hay biến đổi thành các chủng khác nhau, vì vậy vắc xin chỉ có tác dụng trong năm đó.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014