Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Kiểm soát chặt dịch sốt xuất huyết

Cập nhật: 30/8/2017 | 8:10:59 PM

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 99.647 trường hợp mắc, 26 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (SXH); số mắc tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2016, số tử vong tăng 9 trường hợp. Đến ngày 27-8, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 180 ca mắc SXH (145 ca dương tính). Trước tình hình dịch SXH tăng liên tục như vậy, việc triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống dịch là hết sức cần thiết.

Phòng, chống trung gian truyền bệnh
Hiện nay ở Quảng Ninh 8/14 địa phương có ổ dịch SXH. Cụ thể: Hạ Long (Giếng Đáy, Bãi Cháy, Hà Tu); Cẩm Phả (Cẩm Sơn, Cẩm Đông, Cửa Ông, Cẩm Thành); Uông Bí (Thanh Sơn, Trưng Vương, Phương Đông, Bắc Sơn); Vân Đồn (Hạ Long); Quảng Yên (Minh Thành, Hà An); Cô Tô (Đồng Tiến); Móng Cái (Ninh Dương); Đông Triều (Đức Chính); Hoành Bồ (thị trấn Trới). Qua kiểm tra, các trường hợp bị mắc SXH đều từ nơi khác trở về Quảng Ninh, do đó nếu không giám sát, kiểm soát tốt, đặc biệt là không loại trừ được yếu tố truyền bệnh (là muỗi vằn) thì khả năng lây lan ra cộng đồng rất cao.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế hướng dẫn, tuyên truyền về phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho cán bộ y tế huyện Ba Chẽ. Ảnh: THÁI HOÀN (Trung tâm TT-GD sức khoẻ)
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế hướng dẫn, tuyên truyền về phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho cán bộ y tế huyện Ba Chẽ. Ảnh: Thái Hoàn (Trung tâm TT-GD sức khoẻ)

Ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh SXH là do muỗi vằn (Aedes) truyền. Muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người, trú đậu ở các góc hoặc xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn cái thường đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Đặc biệt, muỗi vằn thường phát triển mạnh nhất vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm. Trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, việc giảm nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh rất quan trọng, vì bọ gậy có thể phát triển ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà nên việc xử lý dụng cụ chứa nước để làm giảm nguồn sinh sản của muỗi là biện pháp đơn giản và hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát động 2 lần chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng và vệ sinh môi trường. Đồng thời các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ để hướng dẫn cho cộng đồng người dân ở cơ sở xảy ra dịch bệnh biết rõ tình hình nhằm tham gia, hưởng ứng tích cực những biện pháp can thiệp đối phó với dịch. Đối với cá nhân vận động thực hiện loại bỏ ổ loăng quăng, diệt muỗi, không để bị muỗi đốt, phòng, chống muỗi và xua diệt muỗi bằng nhiều biện pháp thông thường như dùng lưới chắn muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày; dùng hương xua muỗi, bình xịt muỗi, vợt điện... Đối với cộng đồng thì mỗi hộ gia đình phải tự giác tham gia tích cực hoạt động diệt bọ gậy; tổ chức truyền thông, vận động cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là tổ chức phun hoá chất diệt muỗi trên diện rộng được kết hợp với chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy để chặn đứng dịch phát tán lan rộng thêm.
Chủ động phòng bệnh
Được biết, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch SXH, song trước diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, trong đó có công tác phòng, chống dịch SXH. Các đơn vị y tế tại địa phương được giao nhiệm vụ cụ thể, đồng thời kêu gọi sự phối hợp tham gia của các sở, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch SXH được thực hiện theo vòng tròn khép kín: Giám sát phát hiện bệnh - điều trị - phòng, chống. Theo đó, công tác giám sát được thực hiện nhờ 2 kênh: Giám sát dựa vào sự kiện ở cộng đồng và giám sát ở cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị điều trị chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đúng phác đồ đối với các ca bệnh được phát hiện; đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, khu điều trị... để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và thu dung điều trị bệnh nhân; thực hiện việc phân loại chính xác, điều trị phù hợp, chuyển tuyến kịp thời (nếu cần), tránh tử vong cho bệnh nhân.
Ở Quảng Ninh, việc chẩn đoán SXH được thực hiện ở cả 2 cách: Dựa vào kháng thể và tìm kháng nguyên. Đặc biệt xét nghiệm tìm kháng nguyên là cách sớm tìm ra bệnh khi bệnh nhân mới ủ bệnh 2-3 ngày đã có thể cho ra kết quả. Như vậy, bệnh nhân được phát hiện bệnh trước 1 ngày đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ truyền nhiễm SXH và bảo vệ sức khoẻ cho người bệnh. Ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, khẳng định: Được đầu tư trang thiết bị hiện đại, chúng tôi có thể nhanh chóng xét nghiệm được các bệnh truyền nhiễm như: SXH, Zika, H5N1... Nhờ đó, công tác chẩn đoán bệnh nhanh chóng, giúp xử lý ổ dịch kịp thời. Cùng với đó, Trung tâm chuẩn bị sẵn sàng gần 220 lít hoá chất; chuẩn bị 8 máy phun công suất lớn để diệt muỗi ở các ổ dịch.
Bên cạnh đó, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ (Sở Y tế) phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh truyền thông, đồng thời chuẩn bị 40.000 tờ rơi, 300 đĩa truyền thông phát đến các địa phương. Sở Y tế cấp bổ sung trên 470 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch. Công tác phòng, chống SXH được ngành Y tế tỉnh quan tâm chỉ đạo và thực hiện chủ động, hiệu quả. Các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc Công điện 1106 của Thủ tướng Chính phủ cũng như những chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế về phòng chống dịch bệnh SXH. Đến thời điểm hiện tại không có diễn biến bất thường về SXH trên địa bàn tỉnh.


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014