Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bảo hiểm Y tế “Phao cứu sinh” cho người nhiễm HIV

Cập nhật: 13/11/2018 | 4:42:10 PM

Thời gian qua có tới 95% nguồn thuốc ARV là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Hiện nay, khi nguồn viện trợ cắt giảm và tiến tới sẽ bị cắt hoàn toàn. Đây là mối lo ngại rất lớn, bởi người nhiễm H sẽ không có tiền điều trị dẫn đến bỏ thuốc và dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Vì vậy, Bảo hiểm y tế (BHYT) chính là “chiếc phao cứu sinh” giúp các bệnh nhân nhiễm H giảm gánh nặng chi phí điều trị.

Theo thống kê của Cục phòng chống AIDS, chi phí thấp nhất cho việc điều trị HIV là hơn 4 triệu đồng/năm. Riêng các trường hợp kháng thuốc thì chi phí có thể tăng gấp nhiều lần so với điều trị thông thường. Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho việc tiếp cận thuốc kháng HIV và hướng đến mục tiêu 100% bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, tính đến quý II năm 2018, toàn tỉnh có 4.866 người đang điều trị thuốc ARV, trong đó 92% bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay còn nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa hiểu hết được lợi ích của thẻ BHYT. Họ cho rằng thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí nên không cần tham gia BHYT mà không biết rằng trong thời gian tới họ sẽ phải tự chi trả tiền thuốc điều trị nếu không có thẻ BHYT, còn lại một số người bệnh chưa tham gia BHYT do điều kiện kinh tế khó khăn, số khác do lo ngại lộ danh tính, chưa hiểu hết lợi ích của BHYT đối với việc chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc điều trị HIV/AIDS nói riêng.
Chị Nguyễn Thị H là bệnh nhân HIV đang điều trị ngoại trú ở phòng khám ngoại trú, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn chưa tham gia BHYT chia sẻ: “Chị sống một mình, công việc làm không ổn định, chủ yếu dựa vào người thân là chính. Vì vậy, việc mua thẻ BHYT và cùng chi trả chi phí điều trị gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo Thông tư số 15/TT- BYT ngày 26/6/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện khám bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng y tế liên quan đến HIV/AIDS có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2015 quy định rất rõ quyền lợi của người nhiễm HIV/AIDS hoặc người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS theo hướng thuận lợi nhất cho người bệnh. 
Bệnh nhân HIV đến lĩnh thuốc ARV tại Phòng khám ngoại trú, Trung tâm Y tế Vân Đồn
Ngoài ra theo một số điều sửa đổi của luật BHYT ban hành ngày 13/6/2014 thì từ ngày 01/01/2016 người nhiễm HIV không bị giới hạn nơi khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế tại tuyến huyện, xã. Điều này, đồng nghĩa với việc mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến xã và huyện trên cùng một địa bàn tỉnh. Như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT nói chung và người nhiễm HIV nói riêng khi tiếp cận các dịch vụ y tế và điều trị HIV/AIDS.
Đối với người nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người bình thường, phải điều trị bằng thuốc kháng virus ARV liên tục và suốt đời. Khi không còn thuốc miễn phí, quỹ BHYT sẽ thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí khám, điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con (bao gồm cả tiền thuốc và chi phí xét nghiệm) và các dịch vụ kỹ thuật khác thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT. Do đó, nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ gặp khó khăn về tài chính, bỏ dở điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Vì vậy, BHYT sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người nhiễm HIV khi  bị bệnh cần khám, điều trị.
Bác sĩ CKI Lương Xuân Kiên, Trưởng Khoa Các bệnh nhiệt đới- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV
Anh Đoàn Văn C, bệnh nhân HIV đang điều trị tại khoa các Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh có tham gia BHYT chia sẻ: “Khi nghe sắp tới, kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm tôi rất lo sợ, bởi chi phí điều trị cho HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất tốn kém. Vậy nên, khi được các bác sĩ tư vấn về tầm quan trọng của BHYT, tôi đã mua BHYT đến nay đã 6 năm. Nhờ có thẻ BHYT, mà mỗi lần tôi đến khám và điều trị tại bệnh viện đã giúp tôi đỡ tốn kém rất nhiều”. 
Quảng Ninh là một trong những tỉnh thành đứng tốp đầu cả nước về tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV điều trị ARV tham gia BHYT. Đây được coi là một trong những giải pháp tài chính quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV bằng ARV đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm, khống chế sự lây truyền của HIV ra cộng đồng; góp phần kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay việc khống chế dịch HIV trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn: Số lượng người nhiễm HIV mới mặc dù đã giảm nhưng chưa ổn định, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đối tượng nguy cơ còn ở mức cao, sự tự kỳ thị và kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản đối với người nhiễm HIV khi tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.  
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hoa, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Sau khi có Quyết định 2188/QÐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương đã tích cực vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT, hỗ trợ thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng theo quy định. Bệnh nhân điều trị được hỗ trợ hoàn toàn thuốc ARV bằng nguồn kinh phí từ BHYT và nguồn ngân sách đồng chi trả của nhà nước. Như vậy, người nhiễm HIV/AIDS khi điều trị ARV chỉ đồng chi trả chi phí xét nghiệm và các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội khác. Để tiến tới 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT thì cần phải tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về giá thị thẻ BHYT cho người nhiễm H, giúp cho người nhiễm HIV/AIDS tự tham gia BHYT và được sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến BHYT một cách công bằng hơn. Những đối tượng hưởng theo đúng chế độ, chính sách khi mua BHYT bằng ngân sách địa phương, Trung tâm sẽ tư vấn để địa phương hỗ trợ cho bệnh nhân, còn những trường hợp thực sự khó khăn không mua được thẻ BHYT, Trung tâm tìm nguồn ngân sách hỗ trợ cho họ để làm sao đảm 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT”.
Có thể nói, những người không nhiễm HIV bảo hiểm y tế đã quan trọng trong bảo vệ sức khỏe thì với người nhiễm HIV bảo hiểm y tế còn quan trọng hơn rất nhiều. Bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế nhất là khi điều trị thuốc ARV là liên tục và suốt đời. Vì vậy, việc người nhiễm HIV hãy tham gia bảo hiểm y tế ngay từ hôm nay là cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình. 

(Nguồn: Minh Khương)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014