Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tiêm phòng viêm gan B ở trẻ sơ sinh là cần thiết

Cập nhật: 16/11/2017 | 5:03:22 PM

Bộ Y tế khuyến cáo, cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm vi rút viêm gan B (VGB) và phòng ung thư gan là tiêm phòng vắc-xin VGB cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Để hiểu rõ hơn về lợi ích và sự cần thiết trong việc tiêm phòng vắc-xin VGB, phóng viên Báo Quảng Ninh đã phỏng vấn bác sĩ CKI Nguyễn Thị Diệp, Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

 tỉnh.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Diệp, Phó Khoa truyền nhiễm
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Diệp, Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết, lợi ích khi tiêm vắc-xin VGB cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh?

+ Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh VGB cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ em. Tiêm chủng vắc-xin VGB cho trẻ trong 24 giờ sau sinh nhằm mục đích phòng, chống lây truyền virut VGB từ mẹ sang con. Đây là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia trong phòng, chống bệnh VGB. Thống kê của WHO năm 2006, có 163/193 quốc gia (chiếm 84%) triển khai tiêm vắc-xin VGB trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó 81 quốc gia (chiếm 42%) thực hiện tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh, kể cả các nước đã phát triển như Mỹ, Canada... Việc tiêm vắc-xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85 - 90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50 - 57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Khác với vắc-xin phòng lao, bại liệt và vắc-xin VGB mũi 2, 3, 4 là để phòng phơi nhiễm trong tương lai; tiêm vắc-xin VGB mũi 1 càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với virut ngay khi sinh. Chúng ta có thể thấy rõ tác dụng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại ngay khi nghi bị chó, mèo dại cắn, còn VGB ở trẻ sơ sinh có đến 90% không có biểu hiện lâm sàng, sau hàng chục năm mới có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin VGB cho trẻ ngay trong vòng 12 giờ sau sinh. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vắc-xin VGB 24 giờ đầu sau sinh, trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh luôn chỉ đạo sát việc triển khai tại các bệnh viện, nhờ đó tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin VGB trên địa bàn đã tăng rất nhiều. Việc tiêm vắc-xin VGB sơ sinh góp phần giúp trẻ sớm được bảo vệ phòng bệnh do tiếp xúc trong những năm đầu đời, đồng thời phòng được xơ gan và ung thư gan.

 Tiêm phòng cho trẻ tại Phòng tiêm Safpo, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
Tiêm phòng cho trẻ em tại Phòng tiêm Safpo, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Bác sĩ có thể cho biết, trẻ có thể gặp những phản ứng gì sau tiêm phòng?

+ Tất cả các loại vắc-xin khi tiêm ngoài tác dụng phòng bệnh đều có những phản ứng thông thường nhất định. Đối với vắc-xin VGB rất an toàn, đã được tiêm ở nhiều nước trên thế giới. Cũng giống như những loại dược phẩm khác, khi sử dụng vắc-xin VGB cũng có thể gây ra những phản ứng, dù là rất nhỏ. Sau khi tiêm vắc-xin VGB, trẻ có thể gặp một số phản ứng nhất định nhưng hoàn toàn có thể xử trí được. Cụ thể như: Đau tại chỗ tiêm với tỷ lệ từ 3-9%, sốt trên 37,7 độ C có tỷ lệ từ 0,4-8%, trẻ có thể quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm. Sốc phản vệ là phản ứng hiếm gặp được ghi nhận với tỷ lệ ước tính là 1 trường hợp trên 600.000 đến 1 triệu liều vắc-xin.

- Vậy bác sĩ có lời khuyên gì cho các gia đình trong việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe trẻ sau khi tiêm phòng vắc-xin VGB?

+ Trước tiên, các bà mẹ cần được biết con mình đã được tiêm vắc-xin VGB. Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và các bà mẹ theo dõi ít nhất một ngày (24 giờ) sau khi trẻ được tiêm. Sau khi tiêm, trẻ có thể quấy khóc hơn, các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và cho trẻ bú khi trẻ thức, không nên nằm cho bú.

Như đã nói ở trên, sau khi tiêm phòng vắc-xin VGB, trẻ có thể có các phản ứng thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc… Do đó, các bà mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước, theo dõi trẻ. Nếu các phản ứng trên kéo dài hơn một ngày hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn, như trẻ sốt cao hay có những biểu hiện khác thường (quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú…) thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

- Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này! 

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014