Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để hạn chế việc kháng thuốc

Cập nhật: 14/12/2017 | 9:23:35 AM

Vấn đề nhiễm khuẩn tại các bệnh viện hiện đang diễn biến khá phức tạp. Đáng báo động hơn đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn, kéo dài hơn, tăng nguy cơ tử vong. Do đó, vấn đề chống nhiễm khuẩn được các bệnh viện ở Quảng Ninh quan tâm hàng đầu.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang phát triển những kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh như phẫu thuật nội soi; phẫu thuật tim mạch; thay khớp gối, khớp háng, đốt sống cổ... Vì vậy, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện càng đòi hỏi phải được tăng cường để bảo đảm hạn chế nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm chéo, an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, nơi đón nhận nhiều bệnh nhân đã qua nhiều đơn vị điều trị thì khả năng nhiễm khuẩn càng cao. Do đó, bệnh viện đã xây dựng quy trình chặt chẽ, từ rửa tay, rửa dụng cụ, kiểm soát người ra, người vào thăm khám với tiêu chuẩn khắt khe... Đội ngũ thầy thuốc được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức trong tuân thủ bảo vệ, phòng ngừa nhiễm khuẩn trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Từ tháng 2/2016, Trung tâm Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đi vào hoạt động, với 1 phòng can thiệp tim mạch (cathled) và 1 phòng mổ tim hở hoàn chỉnh, cùng nhiều thiết bị hiện đại để cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao. Đến nay, Trung tâm đã phẫu thuật tim hở cho 25 bệnh nhân; thực hiện các thủ thuật can thiệp tim mạch kỹ thuật cao như chụp mạch vành, đốt các rối loạn nhịp tim qua đường ống thông bằng sóng có năng lượng tần số radio (RF), đặt stent động mạch vành, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn… cho trên 800 bệnh nhân. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Tại Trung tâm Can thiệp tim mạch, chúng tôi đã xây dựng quy chế chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Những bác sỹ, kỹ thuật viên thực hiện nhiệm vụ được phân công mới được ra, vào phòng phẫu thuật, đồng thời thực hiện nghiêm các bước tiệt trùng, vô khuẩn. Đặc biệt, khu vực hậu phẫu hoàn toàn vô khuẩn. Trước và sau mổ tim, bệnh nhân được bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc toàn diện. Sau mổ 7 ngày, vết mổ ổn định thì người bệnh được ra phòng bệnh điều trị bình thường.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân lao tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh.
Nhân viên y tế khám cho người bệnh tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh.

Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh cũng thường xuyên phải đối phó với các bệnh về lao phổi và vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Do đó, Bệnh viện luôn chú trọng đầu tư cho kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Vũ Đức Phan, Giám đốc Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh, cho biết: Hằng năm, Bệnh viện tiếp nhận trên 40 bệnh nhân lao kháng thuốc. Đối với những bệnh nhân này phải phối hợp điều trị từ 5-7 loại thuốc kháng sinh, trong khoảng 20 tháng. Do đó, bệnh nhân gặp nhiều tác dụng phụ từ thuốc nên việc phòng tránh nhiễm khuẩn cần được chú trọng.

Tại Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện, mỗi ngày các y, bác sỹ tiếp xúc, làm xét nghiệm cho khoảng 100 mẫu bệnh phẩm, trong đó đa số là mẫu đờm của bệnh nhân. Vì vậy, ngoài nâng cao kiến thức chuyên môn của y, bác sỹ thì Bệnh viện cũng tăng cường đầu tư các trang thiết bị để hạn chế lây nhiễm. Đội ngũ y, bác sỹ ở Khoa Xét nghiệm và khu vực lao kháng thuốc thuộc Khoa Lao phổi được trang bị khẩu trang N95 để thực hiện các xét nghiệm và chăm sóc người bệnh. Cùng với đó, ở các phòng xét nghiệm được trang bị đèn cực tím khử khuẩn không khí. Các y, bác sỹ của Bệnh viện cũng luôn chủ động phòng tránh bằng cách sử dụng đầy đủ bảo hộ khi khám, chữa bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Những người đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đều được các nhân viên y tế hướng dẫn phòng hộ bằng khẩu trang y tế. Đồng thời hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thực hiện vệ sinh tay, khạc nhổ đúng nơi quy định, xử trí đờm của người bệnh đúng cách. Đặc biệt là ở các phòng bệnh, nhất là ở khu phòng bệnh cho bệnh nhân kháng thuốc, Bệnh viện bố trí các quạt treo tường để lưu thông không khí sạch, an toàn. Các phòng bệnh không sử dụng điều hòa để tránh không khí bẩn xâm nhập ngược trở lại. Ông Đỗ Văn Thao, thôn 4, xã Quảng Điền, huyện Hải Hà, cho biết: “Khi vào điều trị, chúng tôi được khuyến cáo đeo khẩu trang y tế, nếu ho hoặc khạc nhổ phải khạc vào ca đã có hóa chất diệt vi khuẩn… Nhờ đó, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo lao sang những người xung quanh và lây nhiễm ngược trở lại”.

Nhân viên y tế, Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh hướng dẫn người bệnh xử trí đờm đúng quy định.
Nhân viên y tế Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh hướng dẫn người bệnh xử trí đờm đúng quy định.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng, chống kháng kháng sinh, Bộ Y tế đã ban hành, chỉ đạo toàn ngành thực hiện Thông tư 18/2009/TT-BYT về “Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế” và Văn bản số 7517/BYT ngày 12/10/2007 về “Hướng dẫn vệ sinh bàn tay”. Nhờ đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại các bệnh viện giảm đáng kể, việc tuân thủ vệ sinh bàn tay của các y, bác sĩ, nhân viên y tế được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định 5 thời điểm rửa tay mà các bệnh viện đều phải tuân thủ gồm: Trước khi tiếp xúc bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với máu và dịch tiết, sau khi tiếp xúc với bề mặt môi trường xung quanh bệnh nhân.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014