Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Đẩy lùi nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Cập nhật: 8/8/2017 | 11:08:17 AM

Theo thống kê của Bộ Y tế, 7 tháng năm nay, cả nước ghi nhận hơn 60.000 người bị sốt xuất huyết (SXH), tập trung nhiều vào tháng 6, tháng 7; trong đó, 17 trường hợp đã tử vong. Với Quảng Ninh, mặc dù số bệnh nhân SXH ít hơn so với nhiều tỉnh, thành trong nước, nhưng trước tình hình thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi truyền bệnh SXH đang phát triển mạnh cùng sự xâm nhập của các ca bệnh đi từ vùng dịch (chủ yếu từ Hà Nội) dẫn đến nguy cơ có thể bùng phát dịch nếu tỉnh không kiểm soát chặt chẽ tình hình và khoanh vùng xử lý kịp thời.

Chúng tôi có mặt tại Khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngày 4-7-2017, Bệnh viện đang tiến hành điều trị cho 4 bệnh nhân SXH. Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng Khoa, cho biết: “Từ đầu tháng 7 đến nay, Bệnh viện có 6 bệnh nhân SXH điều trị, đều là sinh viên học tại Hà Nội về. Ngay khi có bệnh nhân, Bệnh viện đã chủ động báo cáo dịch về Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để có biện pháp xử lý dịch tại nơi bệnh nhân cư trú; đồng thời tổ chức điều trị tích cực cho bệnh nhân”. Bệnh nhân Nguyễn Quang Trung (tổ 2, khu 1, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) kể: “Tôi có triệu chứng ốm sốt từ Hà Nội, nhưng nghĩ cảm thông thường nên về nhà. Mọi người ở nhà nghi bị SXH nên đưa vào viện và báo cho y tế phường. Các anh, chị ấy đã đến nhà phun diệt muỗi, hướng dẫn gia đình và các hộ xung quanh làm vệ sinh môi trường, nhận biết các triệu chứng bệnh...”.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Ninh Văn Chủ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 50 ca SXH, trong đó hơn 40 ca dương tính, tập trung nhiều trong tháng 7. Ngoài các ổ dịch nhỏ trên địa bàn, tỉnh còn có 9 ca bệnh xâm nhập từ nơi khác đến, chủ yếu là Hà Nội, bởi đây là địa phương có mật độ người qua lại với Quảng Ninh khá lớn (Hà Nội có số người mắc SXH cao thứ 4 trong nước). Trước tình hình dịch SXH có nguy cơ gia tăng trên địa bàn, bên cạnh yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch phòng chống dịch bệnh, trong đó công tác phòng chống SXH đã được Sở Y tế triển khai từ đầu năm, Sở còn ban hành Công văn số 1539/SYT-NVY về tăng cường công tác phòng, chống SXH để chỉ đạo các đơn vị.
Việc tập huấn chuyên môn phòng, chống dịch cho các đơn vị được tăng cường. Từ đầu năm đến nay, riêng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ y tế huyện, xã, phường về phòng chống SXH. Cũng theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, quan trọng nhất trong việc phòng, chống SXH là nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên để khoanh vùng, xử lý kịp thời, bởi mỗi ca bệnh chỉ cần chậm phát hiện 1 ngày thì đã có khả năng 10 người bị lây truyền do muỗi đốt từ người bệnh sang người lành. Thực tế hiện nay, công tác giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát huy khá tốt hiệu quả với sự vào cuộc tích cực của người dân. Ngoài những ca bệnh phát hiện trong quá trình nhập viện điều trị, nhiều ca dù không đến viện, song cũng được người dân trong khu thông báo đến các trạm y tế hoặc chính quyền địa phương. Khi tiếp nhận thông tin, các đơn vị y tế cũng đã chủ động xử lý môi trường nơi bệnh nhân sinh sống, như: Phun thuốc diệt muỗi, đề nghị địa phương vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế chủ động hơn trong việc giám sát véc - tơ muỗi truyền SXH để phát hiện mật độ muỗi, bọ gậy trong môi trường, từ đó có biện pháp phun, diệt xử lý. 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã giám sát véc - tơ SXH 20 lượt tại 10 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, những điểm phát hiện chỉ số muỗi vượt ngưỡng và có các loại muỗi có khả năng truyền SXH đều được tổ chức phun, diệt; đồng thời Trung tâm cùng với các trung tâm y tế địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường, quản lý các dụng cụ chứa nước, lật úp và thu gom các dụng cụ phế thải tại các điểm này. Thuận lợi là Trung tâm đã phân lập được cả 4 chủng của vi rút SXH trên người và muỗi, nên việc phát hiện ca bệnh SXH cũng như muỗi mang vi rút SXH được thực hiện nhanh chóng, kịp thời hơn, giúp công tác phòng, chống dịch phát huy hiệu quả hơn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH trên cả nước với nhiều trường hợp tử vong khi mắc bệnh, hiện các đơn vị y tế trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ và chủ động các điều kiện về vật tư, hoá chất để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh phát sinh. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí cấp cho chương trình phòng, chống SXH còn hạn hẹp, thì việc giám sát véc - tơ cũng chưa được tiến hành trên diện rộng; trong khi hằng năm, Quảng Ninh là địa phương luôn có các ổ dịch SXH khư trú. Cùng với đó, nhiều khu dân cư cũng chưa chủ động trong vấn đề vận động người dân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, phun diệt muỗi.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014