Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chủ động chặn dịch sốt xuất huyết

Cập nhật: 11/8/2017 | 8:45:40 AM

Dịch sốt xuất huyết (SXH) gia tăng ở nhiều tỉnh, thành trong những tuần qua với hơn 71.000 trường hợp mắc, 19 người chết. Đến hết ngày 9/8, Quảng Ninh ghi nhận 98 ca mắc SXH, 77 ca dương tính. Theo đánh giá, hiện Quảng Ninh chưa phải là đỉnh của dịch nhưng nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Nguy cơ bùng phát dịch cao

Tính đến hết ngày 9/8/2017, Quảng Ninh ghi nhận 98 ca mắc SXH, dương tính: 77 ca; trong đó 42 trường hợp có tiền sử đi từ vùng dịch về. Trên địa bàn tỉnh có tổng số 24 ổ dịch, phân bố ở: Hạ Long 7 ổ; Vân Đồn 1 ổ; Quảng Yên 1 ổ; Cẩm Phả 5 ổ; Uông Bí 4 ổ; Hoành Bồ 1 ổ; Đông Triều 4 ổ; Ba Chẽ 1 ổ.

Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân bản Phai Làu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu về cách phòng, chống SXH. (Ảnh: Nguyễn Dung - CTV)
Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân bản Phai Làu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu về cách phòng, chống SXH. (Ảnh: Nguyễn Dung - CTV)

Theo nhận định, Quảng Ninh hiện tại chưa phải đỉnh của dịch, tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch là có. Bởi, 80% ca bệnh SXH ở Quảng Ninh là di chuyển từ vùng dịch về. Thời gian này, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành, phát triển. Thêm nữa, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trường xây dựng lớn nhỏ, vệ sinh môi trường còn hạn chế, còn nhiều nơi để lưu cữu nước đọng… Đây là những nguyên nhân rất dễ dẫn đến nguy cơ có thể bùng phát dịch nếu không kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và khoanh vùng xử lý kịp thời. Dự báo, khả năng đỉnh của dịch sẽ xảy ra vào tháng 9 với nhiều ổ dịch lan rộng ở các địa phương.

Chủ động chặn dịch

Theo lãnh đạo Sở Y tế cho biết: Công tác phòng, chống dịch SXH tại Quảng Ninh đang được thực hiện theo vòng tròn khép kín: Giám sát phát hiện bệnh – Điều trị - Phòng chống. Cụ thể, công tác giám sát được thực hiện nhờ 2 kênh: dựa vào sự kiện ở cộng đồng và ở cơ sở điều trị. “Bất cứ ca bệnh nào nghi ngờ ở cộng đồng đều được báo cáo lên cơ sở y tế tuyến trên. Đồng thời, ở mỗi đơn vị điều trị, khi có ca bệnh SXH đều được báo ngay về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đó, tổng hợp và đưa ra các cảnh báo kịp thời cho các địa phương về nguy cơ bùng phát ổ dịch” – ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định.

Đối với công tác điều trị, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị điều trị chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đúng phác đồ đối với các ca bệnh được phát hiện; đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, khu điều trị… để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và thu dung điều trị bệnh nhân; thực hiện việc phân loại chính xác, điều trị phù hợp và chuyển tuyến kịp thời (nếu cần), tránh tử vong cho bệnh nhân. Ở Quảng Ninh, việc chẩn đoán SXH được thực hiện ở cả 2 cách: Dựa vào kháng thể và tìm kháng nguyên. Nhờ đó, công tác chẩn đoán bệnh nhanh chóng, giúp xử lý ổ dịch kịp thời.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị sẵn sàng gần 220 lít hóa chất; chuẩn bị 8 máy phun công suất lớn. Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe (Sở Y tế) phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh truyền thông, đồng thời chuẩn bị 40.000 tờ rơi, 300 đĩa truyền thông phát đến các địa phương. Sở Y tế cấp bổ sung trên 470 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch. Công tác phòng chống SHX được ngành Y tế quan tâm chỉ đạo và thực hiện chủ động, hiệu quả; đến thời điểm hiện tại không có diễn biến bất thường về SXH trên địa bàn.

Tuy dịch SXH đang được kiểm soát tốt nhưng nỗi lo bùng phát dịch luôn cận kề. Theo ông Ninh Văn Chủ, ngành Y tế chỉ có thể đảm bảo về kỹ thuật, điều trị; còn dịch SXH chỉ được kiềm chế khi có sự vào cuộc của chính quyền, các cấp, ngành và sự tham gia của toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Những vật dụng chứa nước như lốp xe, chai, lọ... phế thải là nơi sinh sôi của loăng quăng, bọ gậy, cần được vệ sinh, dọn sạch.
Những vật dụng chứa nước như lốp xe, chai, lọ... phế thải là nơi sinh sôi của loăng quăng, bọ gậy, cần được vệ sinh, dọn sạch.

Cũng theo ông Ninh Văn Chủ, bản chất của phòng chống SXH là diệt muỗi trưởng thành và diệt loăng quăng, bọ gậy. Với thời tiết nắng nóng, muỗi sinh trưởng và phát triển nhanh. Sau đợt nắng, lại xuất hiện mưa, từ đó nước đọng lại ở các vật dụng chứa nước, là môi trường lý tưởng để muỗi đẻ trứng, trứng nở thành loăng quăng, bọ gậy. Loăng quăng, bọ gậy là loài sống bền vững, đặc biệt trong nắng nóng, do vậy, không chỉ chỉ lật úp các vật dụng chứa nước mà còn phải đánh rửa mới có thể hết được trứng muỗi, nếu không đánh rửa kỹ trứng muỗi khi có mưa, nước ngập thì trứng muỗi lại nở thành loăng quăng.

Do đó, việc diệt muỗi, loăng quăng phải được làm thường xuyên, liên tục và triệt để. “Nhiều người dân chưa quan tâm đến việc loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Khái niệm vệ sinh môi trường chỉ là lau chùi nhà cửa, quét sân, đường. Trên thực tế rất nhiều hộ gia đình còn để phế thải, dụng cụ chứa nước, chậu cảnh trong sân vườn có chứa ổ bọ gậy” – ông Ninh Văn Chủ cho biết.

Dịch SXH là dịch nhóm B, có thể dễ dàng phòng, chống và loại trừ. Tuy nhiên, để ngăn chặn dịch phải nhận được sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hội, ngành và sự tham gia của nhân dân. Phòng, chống SXH không chỉ dừng ở truyền thông, khẩu hiệu, đã đến lúc, tất cả cộng đồng cùng vào cuộc thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi truyền bệnh nhằm đẩy lùi SXH.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014