Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cảnh giác với bệnh zona

Cập nhật: 18/6/2018 | 9:41:25 PM

Bác sĩ chuyên khoa da liễu Đoàn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, giải đáp về cách phòng, chống bệnh zona.

- Xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân gây bệnh zona?

+ Bệnh zona (dân gian còn gọi là bệnh giời leo) không phải do con giời leo nào bò ngang qua cơ thể chúng ta như lâu nay người dân vẫn nghĩ. Đây là bệnh gây ra bởi cùng một loại vi rút gây bệnh thủy đậu, có tên là Herpes Zoster virus. Khi bị bệnh thuỷ đậu, dù đã phục hồi, nhưng vi rút vẫn còn tồn tại trong các hạch dây thần kinh ngoại biên của người bệnh trong nhiều năm. Vi rút này được tái hoạt tấn công dây thần kinh khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu (cơ thể mệt mỏi, stress kéo dài, sức đề kháng yếu...) gây nên bệnh zona. Bệnh này dễ nhầm với bệnh viêm da kích ứng (thường bị vào mùa mưa, nóng ẩm, do côn trùng hay gặp là kiến khoang). Bệnh zona hiếm gặp ở trẻ em, thường gặp ở người cao tuổi (đặc biệt trên 60 tuổi).

Tiêm phòng thuỷ đậu cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh giời leo (Zona) sau này (trong ảnh: Tiêm phòng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh).
Tiêm phòng thủy đậu cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh zona. Trong ảnh: Tiêm phòng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh.

- Biểu hiện của bệnh zona như thế nào, thưa bác sĩ?

+ Khi vi rút Herpes Zoster tấn công ở các dây thần kinh ngoại biên khác nhau, người bệnh sẽ có dấu hiệu bệnh tại những vùng do dây thần kinh đó chi phối. Chẳng hạn: Người bệnh thấy ớn lạnh, đau nhức vùng sắp xuất hiện tổn thương, sau đó xuất hiện mảng da đỏ, có những mụn nhỏ li ti, to dần và có nước sẽ nổi lên. Có thể có một hoặc nhiều mảng da liên kết với nhau theo diện chi phối của dây thần kinh bị tổn thương. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau rát như bị phỏng lửa, tinh thần căng thẳng, lo lắng. Zona thường xuất hiện ở các vị trí: Ngực, vai, lưng, cổ, mặt, hố mắt, bụng… và thường bị ở một vùng da do một dây thần kinh chi phối ở một bên cơ thể. Ở trường hợp hiếm gặp, bệnh lan rộng sang hai bên cơ thể (thường gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng, như bị nhiễm HIV/AIDS…). Khi vết thương lan rộng, sâu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu vi rút tấn công vào các dây thần kinh sọ não như thần kinh tai, lưỡi và mặt, người bệnh xuất hiện các bóng nước nhỏ trong và xung quanh tai, trên màng nhĩ, lưỡi và vòm họng... Lúc này, người bệnh cảm thấy đau rát. Có bệnh nhân còn bị giảm thính lực một bên tai, mất vị giác phần trước lưỡi, chóng mặt, hoa mắt, ù tai và có thể yếu một bên mặt. Đôi khi, bệnh gây giảm thính lực và liệt mặt không hồi phục được; bởi vậy, cần điều trị kịp thời để giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng như yếu cơ mặt vĩnh viễn và điếc. Một số trường hợp tổn thương ở vùng bụng, sinh dục, bệnh nhân còn có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, táo bón, bí tiểu…

Bệnh nặng hay nhẹ tùy vào mức đề kháng bị suy giảm, hệ miễn dịch của mỗi người. Thường bệnh sẽ tự khỏi trong vòng một tuần, vết thương tạo da non và biến mất dần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn bị đau nhức dữ dội do thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Đặc biệt ở những người cao tuổi, tổn thương rộng thường để lại di chứng đau sau zona rất nặng nề, mặc dù tổn thương bề mặt da đã khỏi.

Hình ảnh tổn thương nhẹ ở vùng cổ khi bị bệnh (giời leo). Ảnh: Internet.
Hình ảnh tổn thương nhẹ ở vùng cổ khi bị bệnh zona. Ảnh: Internet.

- Bệnh có lây không, có điều trị dứt điểm được không, thưa bác sĩ?

+ Bệnh Zona thường không tái phát, chỉ bị mắc một lần trong đời. Tuy nhiên, người chưa bị thủy đậu hoặc chưa chủng ngừa thủy đậu sẽ có khả năng nhiễm bệnh thủy đậu khi tiếp xúc với người bị bệnh zona. Do bệnh có thể gây những biến chứng nặng nề, nên việc đến các cơ sở y tế là cần thiết. Người bệnh cần đi khám sớm để được bác sĩ kê đơn dùng thuốc đúng chỉ định, tốt nhất là trong vòng 48 giờ kể từ khi phát bệnh.

Bệnh zona xuất hiện khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, vì vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tăng cường đề kháng bằng cách ăn uống đấy đủ dưỡng chất, vitamin và rèn luyện thể dục thể thao, giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ. Đặc biệt, cần cho trẻ em tiêm phòng thuỷ đậu để phòng bệnh sau này.

Khi bị bệnh thủy đậu, cần cách ly để tránh lây lan. Không dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống với bệnh nhân mắc thủy đậu. Không tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch cơ thể của người bệnh thủy đậu. Khử trùng các vật dụng trong gia đình đã từng dùng chung khi phát hiện có nguồn bệnh để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

- Xin cám ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014