Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để phòng lây bệnh truyền nhiễm trong mùa tựu trường

Cập nhật: 24/7/2019 | 7:57:21 PM

Vào mùa tựu trường, trẻ bắt đầu đi học thường hay bị ốm, sốt… thậm chí nhiều trẻ hết mắc bệnh này lại bị bệnh khác khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu và làm thế nào để hạn chế được vấn đề này? Bác sĩ CKI Hoàng Thị Lê, phụ trách khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh sẽ giải đáp ngay sau đây:

Nguyên nhân trẻ bắt đầu đi học thường hay bị ốm
Trẻ mới bắt đầu đi học thường hay bị ốm, sốt, chảy nước mũi và thậm chí mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, sởi,…Tình trạng này là rất hay gặp và hết sức bình thường. Tại vì 2 lí do chính:
Thứ nhất, Mùa tựu trường vẫn là mùa hè, nóng nực và là mùa của nhiều dịch bệnh. Vì vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, sởi…
Thứ hai, Trẻ đi học là ra khỏi nhà, thay đổi môi trường của cơ thể, tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ví dụ như: Trẻ sẽ tiếp xúc với nhiều người; môi trường sinh hoạt, thói quen ăn uống, nghỉ ngơi thay đổi…
Phụ huynh cần làm gì để phòng ngừa nhiễm bệnh cho trẻ

Tiêm phòng cho trẻ tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ Safpo Quảng Ninh

Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm bệnh cho trẻ. Biện pháp chủ yếu là phải dựa vào 2 lý do cơ bản dẫn đến tình trạng trẻ hay bị nhiễm bệnh nêu trên để xử lý:
Cơ bản nhất: Tạo thói quen lành mạnh và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để có sức đề kháng tốt với môi trường và mầm bệnh.
Xử lý tốt việc gây lây nhiễm: Đảm bảo môi trường học tập và sinh hoạt của trẻ an toàn, vệ sinh, giảm thiểu tối đa các mầm bệnh và nguy cơ lây bệnh.
Cụ thể :
Có 3 vấn đề cần làm cho trẻ để có sức đề kháng bệnh tốt: Dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thực phẩm và cá nhân; Hoạt động thể chất (thể dục, thể thao, bơi lội…); Tiêm chủng vắc xin theo hướng dẫn đầy đủ.
Với những bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, ho gà, viêm não Nhật Bản, cúm… thì biện pháp hiệu quả nhất là phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Chú ý tiêm nhắc lại cho trẻ để tăng hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.
Còn với những bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh như: Tay chân miệng là bệnh gây ra do vi rút, lây truyền qua đường tiêu hóa và qua các giọt nước bọt bắn hoặc tiếp xúc với giọt phỏng nước.Trẻ có thể bị lây lan rất nhanh thông qua đồ chơi nhiễm bẩn, nhiễm vi rút, qua thức ăn nhiễm bẩn, trẻ chơi cùng nhau hoặc qua việc chăm sóc không đúng cách. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh này cần cho trẻ ăn sạch, chơi sạch và ngủ sạch. Ăn sạch là thức ăn phải được nấu chín và người chế biến phải đảm bảo vệ sinh từ các khâu chế biến cho đến lúc ra thành phần để cho trẻ ăn. Đồ chơi sau khi các cháu chơi phải được vệ sinh sạch sẽ để tránh vi rút đang còn bám trên đồ chơi. Từ chăn màn, giường chiếu phải sạch sẽ để trẻ có được giấc ngủ tốt nhất mà không bị nhiễm các loại vi rút, đặc biệt là vi rút tay chân miệng.
Ngoài ra, nếu phụ huynh phát hiện con mình bị mắc bệnh tay chân miệng hoặc các bệnh truyền nhiễm khác thì phải thông báo ngay với trường học và đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị, cho trẻ ở nhà trong khoảng từ 10-14 ngày để đảm bảo không mang mầm bệnh ra cộng đồng, đặc biệt là nhà trẻ và trường học vì đây là môi trường rất dễ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh.

Tăng cường công tác y tế trường học kiểm soát dịch bệnh
Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong trường học tại tỉnh  Quảng Ninh được chú trọng. Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có công văn chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố về: Công tác phòng chống dịch bệnh tại các trường học, chú trọng công tác truyền thông; Triển khai các hoạt động ngoại khoá về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; Thực hiện chế độ dinh dưỡng, học tập, rèn luyện và nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao thể trạng cho học sinh. 

Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát hoạt động y tế trường học tại huyện Tiên Yên

Các chiến dịch tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm cũng được tổ chức tại các trường học và mang lại hiệu quả cao. Năm học 2018 – 2019, các chiến dịch tiêm chủng được tổ chức tại trường học như: Tiêm phòng Sởi – Rubella đạt 89,2 %; Bại liệt đạt 96,9%.
Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, công tác tiêm chủng tại các trường học nên số học sinh mắc các bệnh truyền nhiễm (như tiêu chảy, tay chân miệng, sởi, thuỷ đậu) trong năm học 2018 – 2019 là rất ít 1.828/296.323 học sinh, chiếm 0,6%.
Mùa tựu trường là thời điểm mà ngành Y tế quan tâm, là trọng điểm để tập trung giám sát xử lý, hạn chế bệnh dịch xuất hiện và gia tăng. Tuy nhiên, đồng thời với việc chú trọng xử lý kiểm soát dịch bệnh của ngành Y tế và các đơn vị liên quan thì ý thức chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho trẻ của các bậc phụ huynh sẽ mang lại hiệu quả cao nhất và quan trọng hơn cả, bởi vì các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm bệnh cho trẻ.

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014