Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Y tế và những nỗ lực vì cộng đồng

Cập nhật: 2/9/2013 | 10:26:10 PM

Nối tiếp, kế thừa truyền thống và phát huy những thành tựu đạt được của ngành y tế cách mạng, liên tiếp trong những năm qua, nhiều lĩnh vực của ngành y tế Việt Nam đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ đề ra, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời khẳng định uy tín với bạn bè quốc tế. Thành công này đã đưa nước ta trở thành một trong các quốc gia được thế giới đánh giá thực hiện tốt 5 Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến lĩnh vực y tế...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm các chiến sĩ trên đảo Bạch Long Vĩ.

Nhiều kỹ thuật cao mang thương hiệu “made in Việt Nam”

Những năm qua, ngành y tế đã luôn quan tâm đầu tư, phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng thành tựu về khoa học, công nghệ hiện đại, từng bước đưa nền y học nước ta đạt trình độ cao trong khu vực và thế giới. Trong nhiều lĩnh vực, y học Việt Nam khẳng định được vị thế của mình như: ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa...

Ca ghép gan thành công của các thầy thuốc BV Việt Đức những ngày cuối tháng 8/2013 cho bệnh nhân Nguyễn Văn Ba chuyển từ BV Chợ Rẫy - TP. Hồ Chí Minh đã làm dày thêm “thành tích” về số ca ghép gan thành công của BV Việt Đức lên con số 12 ca từ người chết não. Có thể nói, thành công trong việc ứng dụng những kỹ thuật cao, chuyên sâu trong KCB đặc biệt là trong lĩnh vực ghép tạng của ngành y tế Việt Nam thời gian qua đã làm cho bè bạn năm châu phải thán phục. Chính những đột phá đó làm cho y tế Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến của bệnh nhân ngoại mà ngay cả thầy thuốc ngoại cũng sang Việt Nam học hỏi  kỹ thuật cao trong KCB ngày một nhiều hơn... PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức đã rất tự hào dẫn chứng từ thực tế của BV khi ông cho biết: “Mới đây, một giáo sư người Bỉ là Phó Chủ tịch Hội ghép tạng châu Âu đã sang Việt Nam làm chuyên đề về gan, mật. Khi vào BV Việt Đức, biết về con số phẫu thuật viên cắt khối tá tụy và gan tại BV, họ không tin. Sau khi ở lại BV Việt Đức chứng thực, họ đã phải thốt lên rằng, hơn 60 phẫu thuật viên cắt khối tá tụy và gan ở BV Việt Đức quá trẻ mà thực hiện kỹ thuật quá tốt”.

Hiện nay, Việt Nam là nơi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất khu vực Ðông - Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị trên thế giới. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này ở một số trung tâm lớn của Việt Nam đạt tới gần 50%, là con số mơ ước của không ít trung tâm làm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới. Chính vì vậy, rất nhiều người sống ở nước ngoài đã đến Việt Nam thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm  để được làm thiên chức người cha - người mẹ.

Trong lĩnh vực nhi khoa, các thầy thuốc Việt Nam cũng gây được tiếng vang lớn, nhất là trong nội soi nhi khoa. Kỹ thuật phẫu thuật teo trực tràng nội soi qua đường hậu môn được cho là một trong các kỹ thuật khó, rất ít trung tâm phẫu thuật lớn trên thế giới thực hiện được, nhưng tại BV Nhi T.Ư đã đưa phẫu thuật này vào danh mục mổ thường quy. Ở phía Nam, tại BV Ung bướu TP.HCM, việc bệnh nhân ở các nước lân cận đến chữa bệnh ung thư là chuyện... cơm bữa. BS. Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc BV cho biết, nhiều nhất là các bệnh nhân đến từ các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar...

Ở khu vực miền Trung, với việc ghép tim lần đầu tiên thành công do các thầy thuốc của BV T.Ư Huế thực hiện đã làm rạng danh thêm thành tựu ghép tạng mang thương hiệu “made in Việt Nam”. Giám đốc BV T.Ư Huế, GS.TS. Bùi Ðức Phú cho biết, BV đã triển khai nhiều kỹ thuật mới với hiệu quả cao, phục vụ người bệnh như: nội soi can thiệp và phẫu thuật nội soi, ngoại, sản, hồi sức sơ sinh, nội khoa và thận nhân tạo, xét nghiệm...

Cùng với những thành tựu về y học hiện đại, y học cổ truyền (YHCT) cũng phát triển mạnh mẽ. Hệ thống KCB bằng YHCT đã được hình thành trên cả 4 cấp từ T.Ư đến tỉnh, huyện, xã. Tỷ lệ KCB bằng YHCT so với tổng KCB đã có nhiều cải thiện đáng kể, ở cả tuyến tỉnh và huyện là 9%, tuyến xã là 25%. Việc kết hợp YHCT với y học hiện đại trong KCB ngày càng được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả mà điển hình là triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong KCB bằng phương pháp châm cứu. Thành tựu KCB bằng châm cứu “made in Việt Nam” đã vượt qua biên giới đến với nhiều nước trên thế giới và cũng đã có rất nhiều thầy thuốc ngoại đến BV Châm cứu Trung ương “tầm sư học đạo”...

Cán bộ Y tế cùng đồng bào chống dịch
Thăm khám cho đồng bào vùng cao

Quan tâm phát triển y tế cơ sở, biển đảo

Cùng với phát triển y tế kỹ thuật cao để người dân được hưởng lợi ngày một nhiều hơn những thành tựu của khoa học kỹ thuật trong công tác KCB,  ngành y tế cũng luôn quan tâm phát triển y tế cơ sở, coi y tế cơ sở là nền tảng của y tế Việt Nam, góp phần quan trọng làm nên những thành tựu về chăm sóc sức khỏe nhân dân của nước ta. Ngành đã luôn chủ động đề xuất những chủ trương, chính sách tăng đầu tư cho y tế cơ sở theo hướng toàn diện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí chi thường xuyên để y tế cơ sở có điều kiện hoạt động và phát triển, nhằm thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đã được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả đáng khích lệ như tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, sốt rét, suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, phòng chống các dịch bệnh... Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Hiện nay, 72% trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động, trên 95% trạm y tế xã có nữ hộ sinh/nhân viên y tế, 86% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động và khoảng 78,8% trạm y tế xã đã thực hiện KCB bằng BHYT...

Với mong muốn tất cả người dân sống trên mọi miền đất nước đều được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày một tốt hơn, kịp thời hơn, ngành y tế luôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan quan tâm phát triển y tế biển đảo. Trên thực tế, phát triển y tế cho các vùng biển, đảo không chỉ thuần túy vì quyền lợi và sức khỏe người dân theo yêu cầu giảm nghèo đa chiều và phát triển bền vững, mà còn là điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh biển, đảo, củng cố sức mạnh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Lãnh đạo Bộ Y tế đã thường xuyên có những chuyến công tác, kiểm tra tình hình thực tế công tác y tế tại một số huyện đảo để từ đó kịp thời có những đề xuất về chính sách, bổ sung về cơ chế và tăng cường đầu tư cho y tế biển đảo... Triển khai Đề án phát triển y tế biển, đảo đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, cách đây không lâu, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; xã đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Bạch Long Vĩ - TP. Hải Phòng.

Áp dụng kỹ thuật cao mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh

Hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế

Tại Hội nghị lần thứ 63 của Tổ chức Y tế Thế giới - Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội, TS. Shin Young-Soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương trong cuộc họp báo quốc tế trước hàng trăm nhà báo đã nhấn mạnh: “WHO Tây Thái Bình Dương đề ra thời hạn thanh toán bệnh sởi trong khu vực vào cuối năm 2012. 32 quốc gia, đặc biệt là Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều. Đến nay, Việt Nam đã thanh toán hoàn toàn bệnh sởi. Ngoài ra, khu vực cũng đề ra mục tiêu phải hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong thời hạn 2012 - 2015. Việt Nam đã hoàn thành sớm trước thời hạn tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi, tỷ lệ tử vong mẹ đều thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia có cùng điều kiện kinh tế. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 73 - 74 tuổi”. Và cũng chính ông đã nhấn mạnh: “Tuổi thọ bình quân rất quan trọng, nó cho chúng ta thấy những bằng chứng về sức khỏe”.

Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế đã cam kết, như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 41% năm 1990 xuống còn 16,2% năm 2012 (hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 3 năm). Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 59% năm 1990 xuống còn 23,2% năm 2012, tiếp cận với mục tiêu đặt ra đến năm 2015 là 19,3%. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng giảm mạnh từ 44,4% năm 1990 xuống còn 15,4% năm 2012 và tiếp cận mục tiêu đề ra cho năm 2015 là 14,8%. Tỷ số tử vong mẹ đã giảm mạnh từ 230/100 nghìn trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100 nghìn trẻ đẻ sống. Ðáng chú ý, cùng với việc giảm mạnh các chỉ số tử vong bà mẹ, trẻ em trên mặt bằng chung toàn quốc, Việt Nam cũng có rất nhiều nỗ lực trong việc giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền về các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Hiện nay, chênh lệch tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giữa nông thôn và thành thị đã giảm từ 20,3% (năm 2001) xuống còn 14,3%. Nhờ những thành tựu đó, tại Hội nghị cấp cao "Kêu gọi hành động vì sự sống còn của trẻ em" tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2012, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một trong 8 quốc gia đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu MDG4 về giảm tử vong trẻ em; là một trong 9 quốc gia đạt tiến độ thực hiện về Mục tiêu MDG5 về giảm tử vong mẹ.Với những thành tựu đã và đang đạt được, kế thừa từ truyền thống y tế cách mạng Việt Nam, ngành y tế nỗ lực không ngừng phấn đấu vì một nền y tế công bằng và hiệu quả, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.    

 

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014