Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm ATVSTP

Cập nhật: 27/8/2013 | 10:18:58 AM

Thời gian qua, đông đảo cử tri trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhất là đối với các thực phẩm tươi sống và rau quả bày bán tại nhiều chợ, cửa hàng, hàng rong trên địa bàn chưa được kiểm định rõ nguồn gốc, chất lượng. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý.

Thực tế, công tác này thời gian qua đã được các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, từng bước ngăn chặn, phòng ngừa những vi phạm về ATVSTP. Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XII vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế đã báo cáo giải trình về vấn đề này. Theo đó, từ đầu năm đến nay tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Nhờ đó, đã giảm 90% số gia súc, gia cầm nhập lậu so với trước đó. Hiện nguồn thịt gia súc, gia cầm được bày bán tại các chợ của tỉnh chủ yếu được lấy từ các điểm giết mổ trên địa bàn. Công tác kiểm soát cũng được các ngành chức năng triển khai tích cực. 6 tháng đầu năm nay Sở NN&PTNT đã kiểm soát trên 100 nghìn con gia súc, gia cầm; kiểm dịch nội địa xuất tỉnh trên 100 nghìn con gà thịt, 2.165 con lợn thịt, trên 7 nghìn con lợn sữa, 470 nghìn quả trứng.

Một cửa hàng bán hoa quả bên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hà (TP Hạ Long).
Một cửa hàng bán hoa quả bên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hà (TP Hạ Long).

Tuy nhiên, công tác kiểm soát nguồn gốc rau, quả trên địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bởi, nguồn rau, quả được đưa vào tiêu thụ trong tỉnh chủ yếu được nhập từ các chợ đầu mối ở Hà Nội như Long Biên, Đền Lừ và một số tỉnh lân cận, được các cơ quan chức năng tại các địa phương đó kiểm soát. Còn đối với rau, quả nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu của tỉnh, đều được các cơ quan chức năng kiểm dịch, kiểm tra về ATTP theo quy định. Hiện người dân sinh sống ở biên giới có giấy thông hành được mang hàng trị giá không quá 2 triệu đồng qua cửa khẩu. Đây là kẽ hở khiến hàng hoá thẩm lậu qua biên giới vào nội địa, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, kiểm dịch. Trong khi đó, việc lấy mẫu kiểm nghiệm rau, củ, quả chủ yếu sử dụng test xét nghiệm nhanh định tính và mới chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo, chứ chưa định lượng được để tịch thu, xử lý; hệ thống văn bản pháp quy để quản lý và xử lý vấn đề về ATVSTP còn mới, nên trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến các xã còn mỏng, nên khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.  6 tháng đầu năm nay, Sở Y tế đã chỉ đạo, tổ chức 455 đoàn thanh tra, kiểm tra 14.150 lượt, phát hiện 2.510 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm về ATVSTP, chủ yếu thanh tra liên ngành và chuyên ngành ATVSTP cấp tỉnh xử lý, cấp huyện có xử lý nhưng không nhiều, còn cấp xã hầu như không xử lý. Hiện các mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP theo quy định của Bộ NN&PTNT muốn khẳng định kết quả phải gửi đến Trung tâm chất lượng Nông lâm thuỷ sản vùng I và T.Ư.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: Để kiểm định các bệnh dịch, tồn dự hoá chất, độc tố trong thịt gia súc, gia cầm thì phải lấy mẫu mang đi xét nghiệm, trong khi chi phí cho việc này khá tốn kém. Có mẫu xét nghiệm lên đến 200 nghìn đồng nên không thường xuyên thực hiện được. Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn tỉnh xây dựng 22 điểm giết mổ tập trung, tuy nhiên hiện tỉnh mới có 3 điểm giết mổ tập trung tại các phường Cẩm Thạch (Cẩm Phả), Hà Phong và Hà Khánh (TP Hạ Long). Còn 482 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, rất khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát về ATVSTP.

Chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại một số chợ trên địa bàn TP Hạ Long, thấy rằng, không chỉ nhiều người mua hàng thiếu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, mà nhiều tiểu thương cũng không nắm rõ mặt hàng mình bán có nguồn gốc từ đâu.

Chị Đinh Thị Thoan, phường Hà Lầm (TP Hạ Long) chia sẻ: “Gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến vấn đề ATVSTP, nên gia đình tôi ai cũng lo lắng. Bằng mắt thường thì không thể biết thực phẩm nào đảm bảo vệ sinh, nên đành lựa chọn theo cảm tính”.

Chị Dung, một tiểu thương bán hoa quả tại chợ Cột 5, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) cho biết, khoảng 2 - 3 ngày chị đi lấy hàng một lần của những “mối to” tại chợ Hạ Long I. Nhưng khi chúng tôi hỏi có biết những “mối to” này nhập hàng từ đâu, có yên tâm về chất lượng, ATVSTP, thì chị cho rằng “đã vào đến chợ thì chắc là đảm bảo chất lượng...”.

Để khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý ATVSTP, tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp và chỉ đạo các ngành tích cực triển khai. Cụ thể: Các cơ quan quản lý ATVSTP phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kiến thức và các quy định về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh, cũng như người tiêu dùng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSTP giữa các ngành, địa phương và công khai kết quả xử lý để người dân biết. Sở NN&PTNT tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh để xây dựng các vùng sản xuất, nuôi trồng thực phẩm an toàn. Sở Công Thương phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch xây dựng chợ đảm bảo ATTP; huy động nguồn lực xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ do xã phường quản lý và cùng với các ngành chức năng tăng cường phối hợp để kiểm soát thực phẩm lưu thông, phân phối trong chợ.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014