14/7/2025 | 9:16:05 AM

Tăng cường giám sát véc tơ, chủ động phòng chống dịch bệnh do muỗi truyền

Thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển, đặc biệt là muỗi vằn tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Tại Quảng Ninh, công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh do muỗi truyền đang được các ngành chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 44 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2024. Các ca bệnh chủ yếu xuất hiện rải rác, triệu chứng nhẹ, chưa ghi nhận ổ dịch lớn hoặc tình trạng lây lan cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng ghi nhận 01 trường hợp viêm não Nhật Bản B tại phường Đông Triều, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi truyền có thể gây biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Chủ động giám sát véc tơ – yếu tố cốt lõi trong phòng chống dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các Trung tâm Y tế địa phương và các Trạm Y tế xã, phường để tăng cường giám sát cả ca bệnh và véc tơ truyền bệnh.

Đặc biệt, việc giám sát véc tơ muỗi và bọ gậy được xem là một trong những nhiệm vụ then chốt. Ngay sau khi có thông tin ca bệnh, lực lượng y tế dự phòng nhanh chóng triển khai giám sát véc tơ tại khu vực có bệnh nhân, mở rộng phạm vi kiểm tra trong bán kính 200m xung quanh nơi ở, thu thập mẫu muỗi, mẫu bọ gậy để đánh giá mức độ nguy cơ và kịp thời khoanh vùng, xử lý dịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, 100% ổ dịch được phát hiện đều đã được giám sát véc tơ đầy đủ. Qua kiểm tra thực địa, ngành y tế nhận thấy ý thức của người dân trong công tác phòng bệnh đã được nâng lên rõ rệt: nhiều hộ gia đình chủ động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, không để nước tù đọng quanh nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm chứa bọ gậy bị bỏ sót đặc biệt là trong các vật dụng như chai lọ phế thải, chậu, xô thùng hứng nước mưa để tưới cây, lọ hoa thủy sinh trong nhà… Những nơi này dễ trở thành “ổ sinh sản” lý tưởng cho muỗi, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cán bộ khoa Ký sinh trùng – Côn trùng (CDC Quảng Ninh) thực hiện giám sát thực địa

Truyền thông phòng chống dịch – đến từng hộ dân, từng khu phố

Song song với giám sát và xử lý kỹ thuật, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được ngành y tế Quảng Ninh đặc biệt chú trọng. Mỗi đợt giám sát dịch tễ đều gắn liền với các hoạt động truyền thông trực tiếp: hướng dẫn người dân cách dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà ở, thu gom rác thải, phế thải, đậy kín các vật dụng chứa nước, thay nước lọ hoa thủy sinh định kỳ 2–3 lần mỗi tuần để tránh muỗi đẻ trứng.

Ngoài ra, người dân còn được hướng dẫn sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm diệt muỗi, diệt côn trùng sinh học một cách hiệu quả, an toàn, đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Các hoạt động truyền thông này không chỉ giúp nâng cao hiểu biết mà còn tạo chuyển biến rõ rệt trong hành vi của người dân tại các khu dân cư, trường học, cơ sở sản xuất…

Cán bộ khoa Ký sinh trùng – Côn trùng (CDC Quảng Ninh) giám sát ổ loăng quăng, bọ gậy

Phòng chống dịch – trách nhiệm không của riêng ai

Phòng chống dịch bệnh do muỗi truyền không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng. Chính quyền các cấp cần tiếp tục duy trì vai trò chỉ đạo, huy động lực lượng tại chỗ như tổ dân phố, đoàn thể, thanh niên xung kích… để tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng diện rộng, định kỳ mỗi tháng/lần hoặc theo đợt cao điểm.

Đặc biệt, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng rất hiệu quả: ngủ màn kể cả ban ngày, dùng kem chống muỗi khi cần thiết, mặc quần áo dài tay, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, và tham gia đầy đủ các hoạt động phun hóa chất, kiểm tra véc tơ tại địa phương.

Việc nâng cao ý thức cộng đồng, duy trì các hoạt động phòng bệnh thường xuyên, lâu dài là yếu tố quyết định để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng. Hơn ai hết, mỗi người dân cần là một “chiến sĩ phòng dịch” ngay tại ngôi nhà của mình.

Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng (CDC Quảng Ninh)

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2024, bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814