25/6/2025 | 10:09:53 AM

Chương trình Methadone tại Quảng Ninh: Hướng tới một cuộc sống mới

Từ năm 2011, cơ sở điều trị Methadone đầu tiên được triển khai tại TP Cẩm Phả, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau hơn một thập kỷ, chương trình đã mở rộng ra 5 địa phương gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Uông người nghiện ma túy tìm lại ánh sáng cuộc đời.

Tính đến ngày 31/5/2025, toàn tỉnh đã có tổng cộng 2.612 bệnh nhân tham gia điều trị Methadone. Hiện nay, có 674 người đang điều trị thường xuyên, trong đó có 264 người nhiễm HIV và 258 người đồng thời đang sử dụng thuốc ARV điều trị HIV/AIDS. Những con số này cho thấy sự tin tưởng và kỳ vọng của người bệnh vào phương pháp điều trị bằng Methadone.

Tuy nhiên, hiệu quả của chương trình Methadone không chỉ thể hiện qua những thống kê khô khan, mà còn được chứng minh bằng những câu chuyện hồi sinh kỳ diệu của chính những người từng đứng bên bờ vực thẳm.

(Ảnh Bệnh nhân uống thuốc tại TTYT Đông Triều)

Tại Khoa Tư vấn và Điều trị nghiện chất (Trung tâm Y tế TP Đông Triều), hàng chục bệnh nhân mỗi ngày đang kiên trì điều trị, trong đó có những người từng nghiện ma túy kéo dài hàng chục năm. Điển hình là trường hợp anh N.Đ.C, trú tại Đông Triều, từng nhiều lần cố gắng tự cai nghiện tại nhà nhưng đều thất bại. Khi quyết định tham gia chương trình Methadone, anh mới thực sự tìm được lối thoát. Nhờ sự kiên trì uống thuốc mỗi ngày, kết hợp với tư vấn tâm lý và hỗ trợ từ cán bộ y tế, anh C. đã dần ổn định sức khỏe, phục hồi tinh thần và tìm được công việc ổn định. Đến nay, anh không chỉ thoát khỏi ma túy mà còn trở thành người tiếp lửa, chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng cảnh ngộ.

Một trường hợp khác là anh N.T.L, bệnh nhân đa chẩn đoán: nghiện ma túy, nhiễm HIV và mắc lao. Những ngày đầu điều trị, anh gần như kiệt sức, thể trạng suy giảm nghiêm trọng do tác dụng phụ của thuốc và tâm lý hoang mang. Nhưng dưới sự tận tâm của các y, bác sĩ, sau 6 tháng, anh đã phục hồi rõ rệt: khỏi lao, HIV được kiểm soát và liều Methadone cũng được giảm dần. Từ một người tưởng chừng không thể cứu vãn, anh L. đã từng bước làm chủ lại cuộc sống.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Tư vấn và Điều trị nghiện chất (Trung tâm Y tế TP Đông Triều), đơn vị hiện đang điều trị Methadone cho 80 bệnh nhân. Bác sĩ Trang cho biết: “Phương pháp này không chỉ giúp bệnh nhân giảm cơn thèm ma túy, mà còn cải thiện rõ rệt sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều người từng bị gia đình ruồng bỏ, mất niềm tin vào bản thân, nay đã có công việc ổn định, được gia đình đón nhận trở lại và đặc biệt là truyền cảm hứng cho cộng đồng.”

Methadone – thuốc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện – đang trở thành phương pháp điều trị nghiện được ưa chuộng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Không chỉ giúp người nghiện giảm thiểu việc sử dụng ma túy bất hợp pháp, Methadone còn mang lại nhiều lợi ích như: hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C; giảm tỷ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều; giảm tội phạm liên quan đến ma túy; tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi 1 USD đầu tư cho chương trình Methadone có thể tiết kiệm đến 7 USD chi phí y tế, pháp lý và an sinh xã hội khác.

Một điểm đặc biệt của chương trình là bệnh nhân được uống thuốc hàng ngày dưới sự giám sát của nhân viên y tế, vẫn được sinh hoạt cùng gia đình và duy trì công việc. Điều này không chỉ giúp người nghiện ổn định tâm lý mà còn nâng cao hiệu quả điều trị. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, tỷ lệ dương tính với Heroin và Methamphetamine ở nhóm bệnh nhân điều trị dưới 6 tháng là 25%, trong khi nhóm trên 6 tháng chỉ còn 1,2%. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy việc điều trị Methadone lâu dài giúp hạn chế nguy cơ tái nghiện hiệu quả.

Tuy nhiên, chương trình cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Một số bệnh nhân bị đưa đi cai nghiện bắt buộc hoặc bỏ điều trị giữa chừng do thiếu sự hỗ trợ sau điều trị. Bên cạnh đó, sự gia tăng của ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc…) – những chất không đáp ứng điều trị bằng Methadone – khiến chương trình cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.

Để nâng cao hiệu quả, ngành y tế Quảng Ninh đang nỗ lực xã hội hóa các dịch vụ điều trị, đa dạng hóa phương thức cấp phát thuốc và tăng cường tư vấn tâm lý. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương nhằm tạo ra một mạng lưới hỗ trợ bền vững sau điều trị.

Một yếu tố quan trọng không thể thiếu chính là sự đồng hành từ cộng đồng. Thay vì kỳ thị, xa lánh, xã hội cần mở rộng vòng tay, tạo cơ hội để người nghiện tái hòa nhập. Bởi lẽ, điều trị Methadone không chỉ là vấn đề y tế, mà còn là hành trình nhân văn giúp con người tìm lại chính mình, vượt qua sai lầm để làm lại cuộc đời.

Chương trình Methadone ở Quảng Ninh đã – và đang – trở thành một điểm sáng trong công tác phòng, chống ma túy, chứng minh rằng: nếu có niềm tin, sự hỗ trợ đúng đắn và môi trường tích cực, thì bất cứ ai cũng có thể trở lại con đường lương thiện, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hoàng Yến, Khoa phòng, chống HIV/AIDS – CDC Quảng Ninh

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2024, bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814