14/5/2025 | 7:29:05 PM

Cảnh báo gia tăng ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận gần 15.000 ca mắc tay chân miệng. Số ca mắc tăng mạnh từ tháng 3, riêng tháng 4 bằng tổng hai tháng trước cộng lại. Đáng chú ý trong số đó có đến 98,6% là trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt nhóm trẻ từ 1-5 tuổi (đi nhà trẻ, mẫu giáo) chiếm tới 93,4%.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Bệnh thường bùng phát vào tháng 3–5 và tháng 9–10 hằng năm.

Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản số 310/PB-BTN ngày 7/5/2025 hướng dẫn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, yêu cầu:

1. Tăng cường truyền thông phòng bệnh tay chân miệng đến người dân, đặc biệt tại cộng đồng và trường học.

2. Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục triển khai phòng dịch trong nhà trẻ, mẫu giáo, đảm bảo điều kiện vệ sinh lớp học, đồ dùng, khu rửa tay.

3. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan diện rộng và tử vong.

4. Tổ chức kiểm tra, hỗ trợ địa phương, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc.

5. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Văn bản của Cục Phòng Bệnh cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý:

  • Theo dõi sát sức khỏe trẻ, nếu có dấu hiệu: sốt, nổi ban đỏ ở tay, chân, miệng… cần đưa trẻ đi khám ngay.
  • Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên cho cả trẻ và người chăm sóc.
  • Giữ vệ sinh môi trường, lau chùi đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa… mỗi ngày.
  • Không cho trẻ bị bệnh đến lớp, tránh lây lan.

Tại các cơ sở giáo dục cần:

  • Trang bị đầy đủ xà phòng, nước rửa tay, đảm bảo vệ sinh lớp học, đồ chơi.
  • Chủ động phát hiện sớm ca bệnh, báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
  • Tuyên truyền đến giáo viên, phụ huynh các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa và không có vắc xin phòng ngừa. Vì vậy, biện pháp tốt nhất hiện tay là phòng bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện nguyên tắc “3 sạch”: ăn sạch – ở sạch – uống sạch” để phòng chống bệnh tay chân miệng. Cụ thể:

1. Ăn uống sạch:

  • Ăn chín, uống chín, dùng nước sạch.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân.

2. Ở sạch:

  • Thường xuyên lau rửa sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa…
  • Sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

3. Bàn tay sạch:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn, bế trẻ, chế biến thức ăn và sau khi vệ sinh, thay tã cho trẻ.

Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh như: Sốt, nổi ban phỏng ở tay – chân – miệng, hãy đưa ngay đến cơ sở y tế; Cho nghỉ học, tránh tiếp xúc để không lây cho trẻ khác; Không làm vỡ nốt phỏng – dễ gây nhiễm trùng; Tăng cường dinh dưỡng, ăn lỏng – mềm (cháo, súp…); Hạn chế vận động, giữ vệ sinh kỹ càng.

Nguồn tin: Quỳnh Trang - CDC QN
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2024, bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814