Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Ve chó nâu ký sinh gây bệnh truyền nhiễm ở người

Cập nhật: 16/7/2019 | 11:34:15 AM

Ve chó nâu là loài ký sinh trùng có thể gây bệnh và làm vật trung gian lây bệnh truyền nhiễm ở người. Đặc biệt, những gia đình nuôi chó, mèo thì nguy cơ ve chó nâu có thể lây từ vật chủ sang người và chuyển sang sống ký sinh trên người là rất cao. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng khoa Ký sinh trùng – Côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

Phóng viên:  Xin Thạc sĩ cho biết, ve chó nâu có đặc điểm gì và chúng gây bệnh cho con người như thế nào? 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường: Ve chó nâu là loại côn trùng sống ký sinh trên vật nuôi, thường gặp nhiều nhất là ở chó, khi còn nhỏ chúng có 6 chân, đến độ tuổi trưởng thành có 8 chân và được xếp vào họ nhà nhện. Ve chó nâu có tên khoa học là Rhipicephalus sanguineus
Ve chó nâu phát triển qua bốn giai đoạn: trứng - ấu trùng  (3đôi chân) – thanh trùng (4 đôi chân) – trưởng thành (4 đôi chân).
Mỗi giai đoạn phát triển chúng cần hút no máu trước lúc lột xác và biến thái qua giai đoạn tiếp theo. Cả ve đực và ve cái  đều hút máu vật chủ, nhưng ve đực hút máu không thường xuyên bằng ve cái. 
Ve chó nâu cái đẻ trứng ở mặt đất với số lượng lớn (hàng vạn trứng) sau 3-5 ngày nở ra  ấu trùng rất nhỏ, từ 0.5-1.5mm, chúng bò lên cây cỏ, trú ẩn ở mặt dưới lá cây, chờ khi vật chủ đi qua, chúng bám ngay vào vật chủ, đốt và hút máu ở những nơi thích hợp.  
Cả ve đực và ve cái đều là vật truyền bệnh nguy hiểm cho người và động vật. Mầm bệnh không những chỉ truyền từ người này qua người khác khi ve đốt và hút máu mà ve cái còn có thể di truyền mầm bệnh cho thế hệ sau qua trứng. Ve hút máu vật chủ, tiết độc tố ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý của vật chủ, gây ra những vết thương tạo cơ hội cho các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể vật chủ. Bản thân ve đóng vai trò là nguồn bệnh hoặc vật trung gian truyền bệnh cho vật nuôi và người. 
Ve chó nâu bám vào cơ thể vật chủ, kết hợp với đốt và hút máu các vật chủ khác nhau nên chúng có thể được vật chủ mang đi xa và phát tán bệnh. Ở những nơi có dịch, nhất là sốt phát ban, không nên để chó ở trong nhà, vì chó có thể mang cả ve nhiễm trùng, có khả năng đốt và truyền bệnh cho người.

Ve chó nâu ký sinh hút máu và có thể truyền bệnh cho người

Phóng viên: Người bị ve chó nâu đốt thường có những biểu hiện gì, thưa Thạc sĩ?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường: Ve chó nâu thường thích trú ngụ ở những khu vực ấm và ẩm như bẹn, nách, lỗ tai và da đầu. Vết đốt của ve chó làm sưng, đỏ, đau ngứa tại chỗ, trường hợp bị đốt nhiều thì sau 2-3 ngày có thể gây sốt cao, đau đầu, phát ban. Bên cạnh đó, nước bọt của ve chó chứa độc tố gây viêm tấy da nghiêm trọng, nếu không phát hiện sớm có thể độc tố ngấm sâu vào da gây hội chứng đau họng, khó thở, liệt đối với người lớn và có thể gây tử vong với trẻ nhỏ. Đặc biệt Ve chó nâu còn truyền một số bệnh nguy hiểm như sốt do vi khuẩn Rickettsia, nhiễm xoắn khuẩn và viêm não vi-rút gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng... 
Phóng viên:  Khi bị ve chó nâu đốt thì cần xử trí ra sao để hạn chế tổn thương cũng như lây nhiễm bệnh cho cơ thể, thưa Thạc sĩ? 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường: Khi bị ve chó nâu cắn, việc đầu tiên phải gỡ loài ký sinh này ra khỏi da bằng cách dùng nhíp để gắp chúng ra, nhưng lưu ý gỡ từ từ và không được giật mạnh sẽ làm đứt phần giác miệng của ve trong vết cắn có thể gây tình trạng nhiễm trùng và hoại tử da. 
Sát trùng toàn bộ vùng da bị cắn bằng cồn 70 độ và rửa sạch lại bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Tránh dùng tay bóp chết con ve vì nó có thể lây lan mầm bệnh. Trường hợp bị ve chó nâu cắn mà xuất hiện tình trạng sốt, phát ban… thì phải đến ngay cơ sở y tế để xử lý và điều trị nếu không tình trạng nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến khớp, tim và hệ thần kinh.

Ổ ve chó nâu tại hộ dân phường Hồng Hải, TP Hạ Long vừa được cán bộ Khoa Ký sinh trùng -Côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh xử trí 

Phóng viên: Ngoài gây tổn thương trên bề mặt da, ve chó nâu còn có khả năng lây bệnh truyền nhiễm cho người, vậy Thạc sĩ có khuyến cáo gì để người dân chủ động phòng bệnh từ loài vật ký sinh này?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường: Ve chó nâu là loại côn trùng sống ký sinh, thường gặp nhiều nhất là ở chó chính vì vậy đối với vật nuôi nên thường xuyên tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ nơi ở của chúng. Khu vực nhà chật chội, ẩm thấp nên hạn chế nuôi chó.
Cần phải chú ý nhiều đến các biện pháp phòng hộ cá nhân chống ve đốt. Đối với những người thường xuyên làm việc trong rừng cần trang bị bảo hộ cá nhân gồm có quần liền áo, cổ tay áo và gấu quần đều có chun, tất, dày mũ. Để ngăn ngừa ve chó nâu đốt, chúng ta có thể sử dụng kem chống côn trùng trên những vùng da không được quần áo che chắn. Ngoài ra, chúng ta cũng đặc biệt chú ý làm sạch tóc và da đầu sau khi làm việc ngoài vườn hoặc khu vực cây cối rậm rạp.
Diệt ve trên động vật nuôi: Xử lý hoá chất diệt trực tiếp lên cơ thể của những động vật này dưới các dạng rắc bột, phun, tắm nước long não có thể rất hiệu quả. 
Khi phát hiện ổ ve chó tại nhà cần liên hệ với các cơ sở diệt côn trùng để phun hoá chất diệt các ổ ve và ấu trùng. Biện pháp phun diệt thường sử dụng thuốc Kingfip (hoặc Agenda 25 EC…) kết hợp với Hantox phun tồn lưu vào nền, tường nhà, cổng, hành lang, cũi chó và những địa điểm khác mà chó hay nằm ngủ. Cần chú ý đặc biệt đến nơi trú ẩn của ve trong các khe tường, sàn nhà và đồ đạc. Sau 1-2 tuần phun lại để diệt tận gốc các ổ ấu trùng của ve chó.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thạc sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014