Đối phó khi dịch sởi bùng phát theo chu kỳ
Cập nhật: 15/7/2019 | 10:02:53 AM
Theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh sởi thường có chu kỳ 4-5 năm một lần. Năm 2018-2019, dịch sởi bắt đầu xuất hiện trở lại tại Quảng Ninh theo tính chất chu kỳ dịch kể từ sau dịch năm 2014 và do ảnh hưởng của dịch bệnh sởi trên thế giới. Do đó, việc phòng chống bệnh sởi đang được ngành Y tế tỉnh đặc biệt quan tâm, nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch.
Trong 4 tháng đầu năm nay, 170 nước trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch sởi với trên 112.000 trường hợp mắc. Ở nước ta, 63/63 tỉnh, thành phố đã có người mắc sởi, ghi nhận gần 30.000 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó trên 5.300 ca xét nghiệm sởi dương tính. Trong 6 tháng đầu năm, số mắc sốt phát ban nghi sởi và số ca sởi dương tính ghi nhận trên địa bàn Quảng Ninh đã tăng rất cao so với năm 2018, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tiêm phòng cho trẻ tại Trạm Y tế xã Quảng Đức (huyện Hải Hà). Ảnh: Phạm Hiệp (CTV) |
Tính đến đầu tháng 7/2019, toàn bộ 14/14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã ghi nhận ca bệnh phát ban; trong đó có 1.070 ca sốt phát ban nghi sởi, 614 ca dương tính với sởi. Số mắc chủ yếu ở TP Hạ Long (chiếm gần 60% tổng số ca mắc toàn tỉnh), TX Đông Triều, TP Cẩm Phả, huyện Đầm Hà, TX Quảng Yên... Đáng chú ý, 90% số người mắc phát ban có tiền sử không tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi. Tỷ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi từ 9-11 tháng, sau đó đến nhóm trẻ dưới 9 tháng. Số ca sốt phát ban trong nhóm từ 20-34 tuổi, chiếm 32,63% tổng số ca mắc. Toàn tỉnh ghi nhận 11 ổ dịch sởi, trong đó có 5 ổ dịch tại cộng đồng và 6 ổ dịch tại trường học, nơi làm việc.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, bệnh sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn tỉnh đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại TP Hạ Long, có xu hướng lây lan ra các huyện, thị xã trong tỉnh. Đến nay chưa ghi nhận ca bệnh tử vong do sởi. Phần lớn người mắc sốt phát ban là do chưa tiêm phòng bệnh sởi. Nhóm trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao, nhất là nhóm trẻ từ 9-11 tháng tuổi. Nhóm người trong độ tuổi lao động (20-34 tuổi) cũng có nguy cơ mắc cao, do đã được tiếp cận với tiêm chủng mở rộng từ những năm mới triển khai tiêm và chưa được tiêm nhắc lại, khó xác định tiền sử tiêm chủng. Dự báo dịch sởi có thể tiếp tục kéo dài trong những tháng tới và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát tiêm chủng tại Trạm Y tế phường Phong Hải (TX Quảng Yên). Ảnh: Phạm Hiệp (CTV) |
Trước tình hình này, Sở Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống: Tiêm chủng vắc xin sởi; giám sát, xử lý ổ dịch; duy trì hoạt động của hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán bệnh tại các tuyến; các giải pháp giảm biến chứng, lây nhiễm chéo và giảm tử vong… Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống bệnh sởi và tiêm vắc xin phòng sởi. Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị… để phục vụ công tác giám sát, xử lý dịch, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi. Ngành Y tế tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện giám sát báo dịch trên phần mềm Thông tư 54; giám sát dựa vào sự kiện, đảm bảo có thông tin, báo cáo chính xác tình hình dịch bệnh.
Bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, cho biết: Là đơn vị được Sở Y tế giao thực hiện công tác chuyên môn về phòng chống bệnh tật, Trung tâm luôn theo dõi sát mọi diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi, từ đó tham mưu, thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, hạn chế nguy cơ bùng phát thành dịch. Sắp tới, ngành Y tế sẽ phối hợp với ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi tại các trường học và cộng đồng; chỉ đạo, tuyên truyền, thực hiện tốt công tác tiêm chủng nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng…
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm não…, có thể dẫn đến tử vong. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường xảy ra vào mùa đông xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh sởi khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ. |
(Nguồn: baoquangninh.com.vn)
- CDC Quảng Ninh: Tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý hệ thống dây chuyền lạnh trong Tiêm chủng mở rộng (7/10/2024)
- V/v Yêu cầu báo giá thuê thiết bị phục vụ khám sức khoẻ phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024 (7/10/2024)
- Báo cáo công khai dự toán Quý III năm 2024 (4/10/2024)
- Nhu cầu mua vacxin dịch vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (2/10/2024)
- ƯU ĐÃI KHI TIÊM VẮC XIN 6IN1 HEXAXIM (PHÁP) TẠI PHÒNG TIÊM CHỦNG DỊCH VỤ CDC QUẢNG NINH (1/10/2024)
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh quyên góp ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra (27/9/2024)
- Thẩm định Hồ sơ bệnh án điện tử tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (27/9/2024)
- Nâng cao nhận thức về điều trị và dự phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi (27/9/2024)
- Tập huấn “Các phương pháp vô cảm trong phẫu thuật lấy thai nhi” (12/7/2019)
- Đảng bộ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Nghị quyết của Tỉnh ủy (12/7/2019)
- Không chủ quan với bệnh ho gà (11/7/2019)
- Khi nào trẻ cần sử dụng thuốc kháng sinh (11/7/2019)
- Quảng Ninh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số (10/7/2019)
- Ứng dụng CNTT quản lý kinh doanh dược phẩm (4/7/2019)
- Dấu ấn Nghị quyết số 36-NQ/TW ở ngành Y tế Quảng Ninh (4/7/2019)
- Giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2019 (3/7/2019)
- Ngành Y tế: Chủ động triển khai công tác Y tế ứng phó với cơn bão số 2 (Bão MUN) (3/7/2019)
- Cấp cứu kịp thời các nạn nhân vụ tai nạn xe khách tại Tiên Yên (3/7/2019)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều