Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Vì sao người gầy vẫn mắc bệnh tiểu đường?

Cập nhật: 12/4/2022 | 10:50:37 AM

Người có cân nặng bình thường, thậm chí gầy cũng có thể mắc bệnh tiểu đường do yếu tố di truyền, thiếu vận động, ăn uống thiếu lành mạnh.

Theo Healthline, một lầm tưởng phổ biến rằng chỉ những người thừa cân mới mắc bệnh tiểu đường. Trên thực tế, một người gầy vẫn có có thể có lượng đường trong máu cao. Mặc dù cân nặng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường nhưng không phải là tất cả. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường loại một thường có cân nặng bình thường, thậm chí gầy.

Ngoài cân nặng, nhiều yếu tố khác có thể khiến đường huyết cao bao gồm di truyền, lối sống tĩnh tại, thói quen ăn uống kém lành mạnh (hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ ngọt), giấc ngủ kém chất lượng...

Tiến sĩ Leon Fogelfeld (Trưởng khoa nội tiết, Bệnh viện Cook County - Mỹ), cho biết, gene và lối sống đóng một vai trò nhất định. Một người có nguy cơ bệnh tiểu đường cao hơn 40% nếu cha, mẹ mắc căn bệnh này. Bệnh tiểu đường cũng có thể xảy ra ở người gầy khi không nhận đủ chất dinh dưỡng trước khi sinh hoặc khi còn nhỏ. Một người có cân nặng bình thường sẽ tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường nếu người đó là người da đen hoặc châu Á.

Tiểu đường loại một là tình trạng tự miễn dịch. Ở những người mắc bệnh tiểu đường loại một, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào beta tạo ra insulin trong tuyến tụy. Tuyến tụy sau đó không thể sản xuất insulin nữa. Insulin là một loại hormone di chuyển đường từ máu vào các tế bào. Tế bào sử dụng đường này làm năng lượng. Nếu không có đủ insulin, đường sẽ tích tụ trong máu.

Cân nặng không phải là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại một mà còn có di truyền. Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường loại một đều có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức bình thường từ 18,5 đến 24,9.

Bệnh tiểu đường loại một thường được chẩn đoán ở trẻ em. Mặc dù tỷ lệ béo phì ở trẻ em ngày càng tăng nhưng một số nghiên cứu cho thấy, cân nặng không phải là yếu tố nguy cơ đáng kể đối với loại bệnh tiểu đường này. Một nghiên cứu khác phát hiện, bệnh tiểu đường loại hai gia tăng có liên quan đến béo phì ở trẻ em gia tăng.

Phần lớn trường hợp mắc bệnh tiểu đường là bệnh tiểu đường loại hai. Với bệnh tiểu đường loại hai, tuyến tụy đã ngừng sản xuất đủ insulin, các tế bào trở nên kháng insulin hoặc cả hai. Cân nặng là một trong những yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường loại hai.

Theo Healthline, ước tính có khoảng 87,5% người trưởng thành ở Mỹ mắc bệnh tiểu đường loại hai bị thừa cân. Tuy nhiên, trọng lượng không phải là yếu tố duy nhất. Khoảng 12,5% người lớn ở Mỹ mắc bệnh tiểu đường loại hai có chỉ số BMI ở mức bình thường.

Người có chỉ số khối cơ thể thấp vẫn có nguy cơ bị tiểu đường. Ảnh: Freepik

Người có chỉ số khối cơ thể thấp vẫn có nguy cơ bị tiểu đường. Ảnh: Freepik

Yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường loại hai

Những người gầy có thể phát triển bệnh tiểu đường loại hai, bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác như:

Di truyền

Tiền sử gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường loại hai. Nếu bạn có cha hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường loại hai, nguy cơ của bạn là 40%. Nếu cả cha và mẹ đều mắc chứng bệnh này, nguy cơ mắc bệnh tăng lên 70%.

Mỡ bụng

Nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường loại hai dù cân nặng bình thường nhưng thường có nhiều mỡ nội tạng, mỡ ở vùng bụng. Chất béo này giải phóng các hormone ảnh hưởng đến glucose và cản trở quá trình chuyển hóa chất béo. Mỡ nội tạng có thể làm cho cấu trúc trao đổi chất của một người có trọng lượng bình thường trông giống như cấu trúc của một người thừa cân, ngay cả khi họ gầy.

Để xác định xem mỡ vùng bạn, bạn đo vòng eo, sau đó đo vòng hông. Chia số đo vòng eo cho số đo vòng hông của bạn để có được tỷ lệ giữa eo và hông. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ eo trên hông khỏe mạnh ở phụ nữ là 0,85 hoặc thấp hơn và ở nam giới là 0,9 trở xuống. Ở cả nam và nữ, tỷ lệ eo trên hông từ 1 trở lên được coi là cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như là các vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến thừa cân, béo phì.

Cholesterol cao

Cholesterol cao có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Di truyền quyết định phần lớn cholesterol chứ không phải cân nặng. Một số người không thừa cân vẫn có yếu tố nguy cơ chuyển hóa không lành mạnh. Điều này bao gồm mức cholesterol cao hoặc huyết áp cao. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc huyết áp cao nên kiểm tra thường xuyên, thăm khám sức khỏe định kỳ.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ xảy ra ở phụ nữ khi đang mang thai. Chị em không bị tiểu đường trước khi mang thai nhưng có thể đã bị tiền tiểu đường mà không hay biết. Nó xảy ra ở 2-10% các trường hợp mang thai.

Hầu hết các trường hợp tiểu đường thai kỳ sẽ tự khỏi sau khi thai kỳ kết thúc. Tuy nhiên, những phụ nữ mắc bệnh khi mang thai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai cao hơn 10 lần trong 10 năm sau khi mang thai, so với những phụ nữ không bị tiểu đường thai kỳ. Khoảng một nửa số phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường khi mang thai sau này sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường loại hai.

Sinh con nặng cân

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nhiều khả năng sinh con rất lớn, nặng từ 4 kg trở lên. Điều này không chỉ khiến sinh nở khó khăn hơn mà sau này người mắc mắc bệnh tiểu đường thai kỳ còn có thể phát triển thành bệnh tiểu đường loại hai.

Lối sống ít vận động

Vận động là yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt. Những người có lối sống tĩnh tại, bất kể cân nặng thế nào có gần gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại hai so với những người năng động. Cho dù bạn có thiếu hay thừa cân hay không vẫn nên tập thể dục, có thể đặt mục tiêu tập thể dục 150 phút mỗi tuần.

Thói quen ăn uống không lành mạnh

Những người có trọng lượng bình thường có chế độ ăn kiêng cũng có thể khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai. Chế độ ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngay cả khi đã tính đến trọng lượng cơ thể, tập thể dục và tổng lượng calo.

Đường được tìm thấy trong đồ ngọt, nhưng cũng có nhiều trong các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như đồ ăn nhẹ chế biến và nước sốt salad. Để hạn chế mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, rau và các loại hạt có thể có ích.

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe, bao gồm cả bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2000 cho thấy, những người hút từ 20 điếu thuốc trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với những người không hút thuốc, bất kể cân nặng.

Tiến sĩ Fogelfeld chia sẻ, so với người béo phì loại hai, người gầy mắc bệnh tiểu đường cần tiêm insulin ở độ tuổi trẻ hơn. Đó là bởi vì một số tế bào nhất định trong tuyến tụy bị hỏng sớm và nhanh chóng, nguyên nhân có thể do gene. Nhưng các yếu tố lối sống như hút thuốc và uống rượu cũng khiến nó trở nên tồi tệ hơn.

Bạn có thể đi xét nghiệm lượng đường trong máu để xem có mắc bệnh tiểu đường hay không và bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

(Nguồn: vnexperss.net)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014