Tại sao thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng?
Cập nhật: 19/9/2022 | 8:45:52 AM
Bộ Y tế nói thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng là do chờ các nhà sản xuất xây dựng phương án giá để thẩm định sau đó trình Bộ Tài chính, được chấp thuận mới có thể mua bán.
Ngày 17/9, trả lời VnExpress, ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết theo quy định, giá vaccine đặt hàng năm nào sẽ được phê duyệt theo giá năm đó.
"Do đó, các nhà sản xuất cần xây dựng phương án giá cho năm 2022. Giá đặt hàng được ấn định bằng hoặc thấp hơn giá phê duyệt", ông Thiện nói và thêm rằng doanh nghiệp cần tính toán phù hợp dựa vào các yếu tố cấu thành như thiết bị, tiền công, điện nước... Ví dụ, giá 2.000 đồng một liều thì phải tính các yếu tố chi phí cấu thành, tại sao lại ra 2.000 đồng, kèm theo hồ sơ hợp lệ.
Thời gian qua một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị thiếu, thậm chí hết hàng như vaccine sởi, DPT (kết hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván). Ông Thiện cho hay Bộ Y tế đang tính đến phương án tình thế là tạm mượn vaccine để dùng trước, sau đó Bộ Tài chính phê duyệt giá nào, các đơn vị liên quan sẽ tuân thủ.
Hiện chưa rõ thời gian nào có vaccine để tiêm chủng. Tuy nhiên ông Thiện hối thúc các đơn vị phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để gửi Bộ thẩm định.
Trước đó, bà Dương Thị Hồng, Viện phó Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết tình trạng thiếu vaccine sởi và DPT bắt đầu từ tháng 8. Đây là hai vaccine trong nước, cung ứng theo cách đặt hàng để sản xuất. Cụ thể, vacicne sởi do Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất; vaccine DPT do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) phụ trách.
"Hiện, các nhà cung cấp này đều có sẵn vaccine trong kho song không thể mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành", bà Hồng nói.
Tiêm vaccine dịch vụ cho trẻ tại TP HCM. Ảnh: VNVC
Về phía nhà sản xuất, đại diện một đơn vị thừa nhận chậm cung ứng vaccine là do "vướng mắc giấy tờ thủ tục". Theo đó, đầu tháng 8, Bộ Y tế và nhà sản xuất đã thống nhất cung cấp vaccine năm 2022 theo đơn giá của năm cũ đã được phê duyệt. Tuy nhiên, sau đó "phía cơ quan chức năng trả lại hồ sơ yêu cầu bổ sung, trình phương án giá khác", vị đại diện này nói song không nêu lý do vì sao hồ sơ bị trả và phải trình phương án giá khác.
Ngoài ra, đơn vị cung cấp cho biết thêm để sản xuất vaccine DPT cần chuẩn bị từ 9 đến 12 tháng. Nhưng đến hôm 14/9, nhà sản xuất mới chính thức nhận được quyết định đặt hàng từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (chịu trách nhiệm Chương trình Tiêm chủng quốc gia), trong đó vaccine sởi là 1,8 triệu liều, vaccine DPT là 1,5 triệu liều, còn có một số vaccine khác như uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản...
Mặt khác, ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc POLYVAC, cho biết hiện đã có sẵn vaccine trong kho, việc cung ứng vaccine phụ thuộc vào kết quả thẩm định, phê duyệt giá của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Năm nay, doanh nghiệp này cung cấp ba loại vacccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng gồm sởi; sởi và rubella, bại liệt.
Bộ Y tế cho biết đang đôn đốc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị sản xuất "khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đặt hàng để có vaccine cung ứng cho công tác tiêm chủng". Cơ quan này lý giải hàng năm giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đặt hàng và ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine trong nước để cung ứng một số loại vaccine (DPT, uốn ván, BCG, viêm não Nhật Bản, viêm gan B, sởi, sởi-rubella, bOBV) phục vụ cho tiêm chủng mở rộng.
Các vaccine được quản lý, điều phối theo quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng giao cho các Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực, sau đó cung cấp cho các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng. Riêng năm 2022, do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng, nên thiếu một số vaccine như sởi, DPT.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thuộc Bộ Y tế, cung cấp vaccine tiêm miễn phí cho trẻ em dưới một tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib...
(Nguồn: vnexpress.net)
- CDC Quảng Ninh: Triển khai công tác y tế lao động 4 tháng cuối năm 2024 (13/9/2024)
- Kết quả phê duyệt nhà cung cấp mua vắc xin dịch vụ cho đơn vị (12/9/2024)
- Ổn định sức khỏe tinh thần sau hậu quả của siêu bão (12/9/2024)
- PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH SAU BÃO (11/9/2024)
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia thu dọn rác sau bão để phòng, chống dịch bệnh (11/9/2024)
- Giám sát hoạt động đáp ứng phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau cơn bão số 03 (11/9/2024)
- Tập huấn công tác y tế và phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ (10/9/2024)
- CDC Quảng Ninh thiết lập mạng lưới phòng chống dịch sau bão số 3 (YAGI) (10/9/2024)
- WHO khuyến cáo không nên sử dụng 2 liệu pháp chống COVID-19 (16/9/2022)
- Khiến 6 trẻ tử vong tại Bệnh viện Nhi, virus Adeno gây ra biến chứng nguy hiểm nào? (16/9/2022)
- Lộ trình xóa sổ bệnh AIDS, lao, sốt rét của thế giới đang bị chậm lại (13/9/2022)
- Thông điệp chống dịch Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế (8/9/2022)
- Châu Mỹ là “tâm chấn” của đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ (8/9/2022)
- Quảng Ninh: Phủ kín vaccine phòng COVID-19 trong học đường (6/9/2022)
- Kịch bản Covid-19 cuối năm 2022 (5/9/2022)
- Mỹ: Giới chuyên gia nhận định dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh (29/8/2022)
- WHO: Một triệu ca tử vong vì Covid-19 từ đầu năm đến nay (27/8/2022)
- Hệ thống y tế công cộng của Mỹ quá tải vì nhiều dịch bệnh (25/8/2022)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều