Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Hạ đường huyết ở trẻ nhỏ - Nhận biết và cách xử trí

Cập nhật: 17/11/2019 | 12:43:44 PM

Hạ đường huyết không chỉ xảy ra ở người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải nguy cơ này. Hạ đường huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Triệu chứng hạ đường huyết ở trẻ

Khi thấy bé có các triệu chứng sau, cần chú ý bởi có thể là dấu hiệu của hạ đường huyết: Trẻ có vẻ mặt hốt hoảng, vã mồ hôi, da xanh tái, run rẩy, khó chịu cáu gắt, đói cồn cào, mệt mỏi, đánh trống ngực. Trẻ nhỏ hơn thì khóc lè nhè kèm ngủ gà gật.

Nếu hạ đường huyết trầm trọng hơn, các triệu chứng sau đây có thể xảy ra: kích thích, co giật, nói lắp bắp, nói ngọng, đi không vững, rối loạn thị giác (ví dụ như mờ mắt, nhìn đôi), mất ý thức...

Có nhiều căn bệnh cũng có các triệu chứng tương tự, do đó, cần kiểm tra mức đường huyết của trẻ để biết chính xác nguyên nhân.

Nguyên nhân trẻ bị hạ đường huyết

Biết các nguyên nhân gây hạ đường huyết rất quan trọng để giải mã và điều trị hạ đường huyết. Sau đây là những nguyên nhân chính:

Nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường

Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường phải liên tục tiêm insulin để hạ đường huyết. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức insulin có thể dẫn đến hạ đường huyết.

Với bệnh nhân đái tháo đường, tập thể dục hay hoạt động thể chất quá nhiều hoặc ăn quá ít cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết, vì vậy, hãy chăm sóc các hoạt động của trẻ và theo dõi chỉ số đường huyết của trẻ thường xuyên để đảm bảo bé có lượng đường huyết bình thường.

ha-duong-huyet-o-tre-nho-nhan-biet-va-cach-xu-tri-1

Dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ nhỏ.

Nguyên nhân không liên quan đái tháo đường

Mặc dù bệnh đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ đường huyết ở trẻ em nhưng có những nguyên nhân khác nữa:

Sản xuất quá mức insulin: Đôi khi dị thường di truyền trong quá trình trao đổi chất có thể dẫn đến hạ đường huyết ở trẻ em. Còn đa số là do sự tăng trưởng bất thường của các tế bào beta trong tuyến tụy, chịu trách nhiệm tiết insulin, dẫn đến chứng tăng insulin.

Thiếu hụt nội tiết tố:  Cơ thể chúng ta có các kích thích tố giúp điều hòa sản xuất glucose nhưng một số rối loạn tuyến yên và tuyến thượng thận dẫn đến giảm sản xuất các hormon nói trên, trong trường hợp đó xảy ra hạ đường huyết. So với người lớn, trẻ em dễ bị tổn thương hơn nếu chúng có những rối loạn này.

Hạ đường huyết ketotic: Là trường hợp hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, hạ đường huyết ketotic là hậu quả khi trẻ em nhịn ăn một thời gian do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác. Khi nhịn ăn hoặc đói ăn, cơ thể trẻ bị cạn kiệt carbohydrate dự trữ. Do đó, cơ thể phải phá vỡ chất béo thành các loại carb có thể sử dụng để đáp ứng nhu cầu năng lượng, nhưng quá trình này tạo ra một sản phẩm phụ - ketone. Tích lũy ketone có thể gây khó chịu, đổ mồ hôi, tụt huyết áp, hôn mê bất tỉnh.

Hạ đường huyết phản ứng: Đôi khi tuyến tụy bị “lừa” sản xuất nhiều insulin hơn cho bữa ăn mà nó cho là lớn hơn thực tế tiêu thụ, điều này thường xảy ra với các bữa ăn giàu carbohydrate. Trong những trường hợp này, đường huyết của trẻ giảm đột ngột sau bữa ăn do quá nhiều insulin.

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh: Là một vấn đề rất nghiêm trọng và khá phổ biến ở trẻ sơ sinh sinh non. Tình trạng này có thể do tăng insulin trong máu, cơ thể không sản xuất đủ glucose hoặc em bé không được ăn đủ để giữ mức glucose cần thiết.

Đối phó với hạ đường huyết ở trẻ

Nguyên tắc đối phó với hạ đường huyết là phải hành động nhanh chóng, dễ dàng. Phương pháp điều trị có thể tùy theo các triệu chứng của trẻ, nhưng có thể tham khảo các biện pháp phổ biến sau:

Nhanh chóng cho trẻ ăn một số thực phẩm có lượng đường cao, có tác dụng nhanh, chẳng hạn như: 4 - 6 miếng kẹo cứng có đường; 1/2 cốc nước ép trái cây; 1/2 cốc nước ngọt (không phải loại dành cho người ăn kiêng) hay đơn giản là 1 muỗng mật ong. Để đường hấp thụ vào máu nhanh hơn, có một mẹo là ngậm kẹo dưới lưỡi. Nếu có sẵn có thể cho trẻ uống 1 cốc sữa tách kem; hoặc 3 - 4 viên glucose hay 1 ống gel glucose.

Sau đó, đợi trong 15 phút rồi kiểm tra đường huyết của trẻ. Nếu chỉ số đường huyết thấp hơn giới hạn bình thường, hãy cho trẻ nạp thêm đồ uống hoặc thực phẩm có đường. Lặp lại quá trình cho đến khi trẻ đạt mức đường huyết bình thường.

Điều trị hạ đường huyết ketotic: Trong trường hợp này, trẻ cần phải có chế độ ăn giàu protein và carbohydrate trong một thời gian dài cho đến khi hồi phục. Thực phẩm giàu carbohydrate bao gồm gạo, ngũ cốc và bánh mì. Thực phẩm giàu protein bao gồm trứng, sữa, các loại hạt và sữa đậu nành.

Đối phó với Hyperinsulinism: Là một căn bệnh đặc trưng bởi cơn hạ đường huyết do tăng tuyệt đối hay tương đối nồng độ insulin. Đối với chứng tăng insulin, các loại thuốc như diazoxide có thể được sử dụng để làm giảm việc sản xuất quá mức insulin. Nếu dùng thuốc thất bại, có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Bên cạnh đó, đối với trẻ lớn hơn, tập thể dục không chỉ khuyến khích giảm cân và lối sống lành mạnh hơn mà còn giúp cải thiện độ nhạy insulin và làm giảm các dấu hiệu của hạ đường huyết.

Điều trị hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh: Có thể cung cấp ngay cho trẻ glucose thông qua những thức ăn đơn giản như sữa bột hoặc pha glucose với nước cho trẻ uống. Trong một số trường hợp, có thể bổ sung glucose bằng tiêm tĩnh mạch nhưng dưới sự theo dõi chặt chẽ của các y bác sĩ đồng thời với theo dõi chặt chẽ cho đến khi mức đường huyết của em bé trở về bình thường và ổn định.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Bạn nên đưa con đi khám bác sĩ ngay nếu:

Trẻ có chỉ số đường huyết thấp dù không bị bệnh đái tháo đường;

Trẻ bị đái tháo đường và bạn không thể làm giảm các triệu chứng hạ đường huyết cũng như đưa lượng đường trong máu trở lại mức bình thường bằng các phương pháp đơn giản tại nhà như uống nước trái cây, ăn kẹo hoặc uống viên glucose...

Trẻ bị đái tháo đường có các dấu hiệu hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc bất tỉnh.

Bố mẹ cần làm gì?

Luôn có sẵn trong nhà máy đo đường huyết, nhiệt kế, máy đo huyết áp.

Hãy trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc thay thế thuốc nếu đó là nguyên nhân gây ra hạ đường huyết ở trẻ.

Như đã đề cập ở trên, đôi khi lượng đường huyết của trẻ có thể giảm ngay sau bữa ăn. Trong trường hợp như vậy, cần thay đổi chế độ ăn uống. Chia các bữa ăn nhỏ trong ngày và đảm bảo cho trẻ tránh những thực phẩm có đường.

Trao đổi với bác sĩ trong trường hợp các biện pháp thông thường không đạt tác dụng mong muốn, cần phải phẫu thuật.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014