Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Dị ứng thực phẩm ở trẻ em có nguy hiểm?

Cập nhật: 20/2/2023 | 10:48:09 AM

Dị ứng thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như đau bụng, phát ban, nặng có thể là sốc phản vệ.

Khoảng 3% trẻ sơ sinh bị dị ứng thực phẩm, con số này ở trẻ trên một tuổi là 9%. Đối với những trẻ này, một số loại thực phẩm sẽ kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch, gây ra tình trạng ngứa, mẩn đỏ, khó thở, sốc phản vệ đe dọa tính mạng.

Các chuyên gia cho biết, số trường hợp dị ứng thực phẩm vẫn liên tục gia tăng. Theo suy luận của các nhà khoa học, nguyên nhân là do khả năng miễn dịch của trẻ thấp hơn vì ít tiếp xúc với vi khuẩn cũng như các chất gây dị ứng thông thường ở giai đoạn đầu đời.

Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm

Các bác sĩ không giải thích được lý do một số trẻ bị dị ứng thực phẩm còn một số khác thì không. Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy khả năng bị dị ứng là bé bị chàm. 40% trẻ sơ sinh bị chàm từ trung bình đến nặng sẽ bị dị ứng thực phẩm. Tiền sử gia đình có người mắc bệnh chàm, hen suyễn, dị ứng cũng là tăng nguy cơ ở trẻ.

Cần phân biệt sự khác nhau giữa dị ứng thực phẩm với không dung nạp thực phẩm, dù hai tình trạng này có các triệu chứng tương tự nhau. Không dung nạp thực phẩm không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Tình trạng này là do cơ thể không thể tiêu hóa thực phẩm vì thiếu các enzyme cần thiết để phân hủy thức ăn.

Ví dụ, một người gặp tình trạng không dung nạp đường sữa, có thể vì thiếu enzyme lactase, một loại enzyme giúp phân hủy đường lactose trong sữa, cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa. Việc không dung nạp thực phẩm có thể khiến cơ thể khó chịu nhưng không đe dọa đến mạng sống như dị ứng thực phẩm.

Đậu phộng là một trong những thực phẩm gây dị ứng hàng đầu. Ảnh: Idiantimes

Đậu phộng là một trong những thực phẩm gây dị ứng hàng đầu. Ảnh: Idiantimes

Một số tình trạng dị ứng thực phẩm

Vì trẻ sơ sinh thường không ăn nhiều thực phẩm nên thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất là sữa bò. Tuy vậy, nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn tình trạng này với không dung nạp sữa. Không dung nạp sữa hiếm khi xảy ra ở giai đoạn sơ sinh.

Với trẻ nhỏ, 9 loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất bao gồm: sữa bò, trứng, cá, đậu phộng, vừng, động vật có vỏ giáp xác, đậu nành, các loại hạt, lúa mì. Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị Hội chứng dị ứng miệng (oral allergy syndrome - OAS).

Với hội chứng này, một số loại trái cây tươi, hạt và rau quả có thể gây ra phản ứng dị ứng ở miệng và cổ họng do sở hữu các protein có cấu trúc tương tự như protein phấn hoa. Nói cách khác, cơ thể bé nhầm lẫn giữa protein trong các loại thực phẩm này với protein phấn hoa, từ đó kích hoạt các phản ứng dị ứng.

Dấu hiệu dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Với dị ứng thực phẩm, hệ miễn dịch phản ứng lại với các loại thức ăn vô hại, cho rằng đó là mối đe doạ với cơ thể, từ đó tạo ra các histamin và kháng thể để chống lại.

Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài giây đến vài giờ sau khi ăn, chạm hoặc hoặc hít phải thực phẩm gây dị ứng. Các dấu hiệu biểu hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm: ngứa ran trong miệng; sưng lưỡi, cổ họng, môi, mặt hoặc các bộ phận khác của cơ thể; khó thở; phát ban; da đỏ, ngứa; thở khò khè; nôn mửa; tiêu chảy; chóng mặt; sốc phản vệ; có máu đỏ trong tã.

Biểu hiện phát ban ở trẻ. Ảnh: Verywellhealth

Biểu hiện phát ban ở trẻ. Ảnh: Verywellhealth

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, có khả năng gây tử vong. Theo các chuyên gia, nếu bé bị khó thở, sưng lưỡi, người đỏ bừng, thở khò khè, không nên lái xe đưa con đến bệnh viện mà phải gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Một số dấu hiệu của sốc phản vệ bao gồm nhức cổ họng, tức ngực, ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, môi hoặc da đầu.

Khi hệ thống miễn dịch của trẻ hoàn thiện, hầu hết trẻ sẽ hết dị ứng với trứng và sữa khi vào tiểu học. Dị ứng thực phẩm có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, thậm chí sau khi ăn được những loại thực phẩm đó trong nhiều năm. Dị ứng đậu phộng và cá thường đe dọa đến tính mạng, có biểu hiện từ sớm và kéo dài suốt đời.

Ngăn ngừa dị ứng thực phẩm

Nếu không bị dị ứng thực phẩm, trong giai đoạn mang thai, các bà mẹ không cần phải tránh các thực phẩm có thể gây dị ứng.

Cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ là cho con bú từ 4 đến 6 tháng, từ đó gỉảm nguy cơ bị chàm, và dị ứng với sữa bò. Trong giai đoạn ăn dặm, hãy cho bé ăn các thức ăn đặc thành phần đơn lẻ như bí đỏ, ngũ cốc... Nếu bé có dấu hiệu dị ứng, việc tìm ra nguyên nhân cũng dễ dàng hơn.

Ngoài ra, phụ huynh cũng không cần phải trì hoãn việc cho con sử dụng các thực phẩm có nguy cơ cao gây dị ứng như trứng và đậu phộng. Theo các chuyên gia, việc trì hoãn cho trẻ tiếp xúc với các thực phẩm này thực ra còn có thể làm tăng nguy cơ dị ứng.

(Nguồn: vnexpress.net)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014