Giá trị của tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 với miễn dịch cộng đồng
Cập nhật: 29/8/2022 | 3:12:05 PM
"Những người được tiêm vắc xin sẽ đáp ứng tốt hơn khi họ nhiễm virus và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với người không tiêm, từ đó sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, hạn chế khả năng lây nhiễm" - TS Phạm Quang Thái phân tích.
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tiếp cận và đưa vắc xin Covid-19 về tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi. Bắt đầu từ tháng 10/2021, đến hết ngày 28/8, hơn một nửa nhóm trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi nhắc lại (mũi 3), ngoài ra gần 100% trẻ trong nhóm này đã tiêm đủ 2 mũi.
Với nhóm từ 5-11 tuổi, đã có hơn 9,2 triệu trẻ đã tiêm mũi 1 (đạt hơn 82%), hơn 5,9 triệu trẻ tiêm đủ 2 mũi (hơn 53%). Nhiều tỉnh như Bắc Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi đạt từ 81-91%. Tuy nhiên vẫn còn những địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Bình Dương, tỷ lệ trẻ 5-11 tuổi được tiêm 2 mũi vẫn liên tục trong nhóm thấp, chỉ mới đạt từ 21-31%.
Theo TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc hoàn thành đủ mũi vắc xin Covid-19 không chỉ có tác dụng bảo vệ cho chính những người được tiêm mà thông qua đó còn hạn chế khả năng lây nhiễm của người mắc bệnh sang cho người khác do thời gian đào thải virus ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn, hạn chế tái nhiễm.
"Đây chính là nền tảng cho miễn dịch cộng đồng" - ông nói ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, việc xuất hiện các biến chủng mới chủ yếu là do xâm nhập, không phải được hình thành tại các quốc gia này. Nếu tất cả các nước đều thực hiện tốt việc tiêm vắc xin thì bệnh lẽ ra được khống chế sớm hơn.
Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng, ca nhập viện tăng, tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 càng khẳng định giá trị.
Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy những vắc xin Covid-19 hiện tại phòng được thể nặng và nguy cơ nhập viện, phòng các triệu chứng hậu Covid. Những người được tiêm vắc xin sẽ đáp ứng tốt hơn khi họ nhiễm virus và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với người không tiêm, từ đó sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, hạn chế khả năng lây nhiễm.
"Đây chính là giá trị cốt lõi của vắc xin và cũng là lý do tại sao vắc xin Covid-19 phải được triển khai mạnh mẽ cho dù chúng ta chưa có vắc xin cập nhật biến chủng mới" - TS Thái khẳng định.
TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc. Ảnh: TL
Tiêm vắc xin đã được chứng minh giảm tới hơn 90% nguy cơ bị MIS-C
Thực tế, không chỉ tại Hà Nội mà ở một số địa phương, có nhiều lý do để trẻ trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Ngoài những lý do “trẻ đi nghỉ mát”, “đi chơi”, “mới ốm”, “mới mắc Covid” thì còn có những trường hợp cho rằng trẻ đã mắc bệnh không cần tiêm nữa, hoặc nếu có mắc cũng chỉ bị nhẹ, không phải vào viện.
Về vấn đề này, TS Thái cho hay các nhà khoa học đã chứng minh rằng nếu nhiễm tự nhiên mà được tiêm vắc xin Covid-19, hoặc tiêm xong rồi bị nhiễm thì miễn dịch của trẻ sẽ bền vững hơn và có khả năng phòng chống các biến chủng tốt hơn.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở Quảng Ninh. Ảnh: Phạm Công
Thông thường, trẻ em nhiễm Covid-19 có triệu chứng bệnh rất nhẹ, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ có biểu hiện bệnh nặng và cần can thiệp y khoa. Tuy nhiên, sau khi đã khỏi, lại có những trẻ bị các vấn đề ảnh hưởng tới sức khoẻ kéo dài (hậu Covid). Trong đó, viêm đa cơ quan (MIS-C) là tình trạng nặng nhất, thậm chí còn ảnh hưởng tới tính mạng.
“Việc sử dụng vắc xin Covid-19 đã được chứng minh là giảm tỷ lệ bệnh nặng cũng như giảm tới hơn 90% nguy cơ bị MIS-C”, TS Thái khẳng định trẻ em vẫn cần tiêm cho dù đã từng mắc Covid-19.
Không ít phụ huynh băn khoăn về tác dụng phụ của vắc xin Covid-19 với sức khoẻ sinh sản của trẻ. Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc Phạm Quang Thái cho hay vắc xin Covid-19 sử dụng cho trẻ em dùng công nghệ mRNA - công nghệ đã được phát triển từ nhiều năm trước với mục đích để điều trị ung thư và một số bệnh hiếm gặp, không phải dành cho Covid-19.
Trong quá trình thử nghiệm công nghệ này, các nhà khoa học không tìm thấy mối liên quan giữa sử dụng sản phẩm ứng dụng công nghệ mRNA với chức năng sinh sản cả nam và nữ. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng vắc xin Covid-19 cho trẻ em, việc theo dõi ảnh hưởng của vắc xin đối với sức khoẻ vẫn được tiến hành liên tục.
Mặc dù vắc xin được phê duyệt ở tình trạng khẩn cấp trong giai đoạn đầu nhưng đến nay, các cơ quan có trách nhiệm trong phê duyệt ở mức độ khắt khe nhất như FDA Hoa Kỳ cũng đã phê duyệt chính thức loại vắc xin này tiêm cho trẻ em.
“Điều này có được nhờ những bằng chứng về lâm sàng và xét nghiệm. Vì vậy, việc Việt Nam chưa phê duyệt chính thức chỉ liên quan tới vấn đề thủ tục, không phải do chất lượng vắc xin Covid-19” – vị chuyên gia về tiêm chủng khẳng định.
(Nguồn: vietnamnet.vn)
- CDC Quảng Ninh: Tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý hệ thống dây chuyền lạnh trong Tiêm chủng mở rộng (7/10/2024)
- V/v Yêu cầu báo giá thuê thiết bị phục vụ khám sức khoẻ phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024 (7/10/2024)
- Báo cáo công khai dự toán Quý III năm 2024 (4/10/2024)
- Nhu cầu mua vacxin dịch vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (2/10/2024)
- ƯU ĐÃI KHI TIÊM VẮC XIN 6IN1 HEXAXIM (PHÁP) TẠI PHÒNG TIÊM CHỦNG DỊCH VỤ CDC QUẢNG NINH (1/10/2024)
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh quyên góp ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra (27/9/2024)
- Thẩm định Hồ sơ bệnh án điện tử tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (27/9/2024)
- Nâng cao nhận thức về điều trị và dự phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi (27/9/2024)
- Đặc điểm cơn ho do ung thư phổi (3/8/2022)
- Triệu chứng mới của bệnh đậu mùa khỉ (1/8/2022)
- Cúm A bùng phát, chăm sóc bệnh nhân tại nhà như thế nào? (28/7/2022)
- Vì sao không nên chủ quan với đậu mùa khỉ? (28/7/2022)
- Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm như thế nào? (26/7/2022)
- Bệnh đậu mùa khỉ lan nhanh trên thế giới, 6 khuyến cáo phòng bệnh (25/7/2022)
- Chuyên gia mách bạn cách nằm điều hòa để không bị đau họng (11/7/2022)
- 4 lưu ý khi tập thể dục ngày hè (6/7/2022)
- Biến thể BA.5 làm thay đổi triệu chứng ở bệnh nhân Covid-19 (6/7/2022)
- Người đã khỏi Covid-19 có bị nhiễm biến thể phụ BA.5 không? (4/7/2022)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều