Hướng dẫn sử dụng vắc xin bại liệt uống (bOPV)
Cập nhật: 8/4/2019 | 10:14:28 AM
Thực hiện Quyết định số 7319/QĐ-BYT ngày 10/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt “Kế hoạch uống bổ sung vắc xin Bại liệt (bOPV) cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao năm 2018-2019 trong đó có 5 huyện/60 xã của tỉnh Quảng Ninh gồm TP.Hạ Long, TP.Cẩm Phả, huyện Bình Liêu, Hoành Bồ, Cô Tô. Thời gian tổ chức chiến dịch vòng 1 từ ngày 15-20/4/2019, vòng 2 từ ngày 15-20/5/2019. Để hiểu rõ hơn về vắc xin bại liệt uống (bOPV) và cách sử dụng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh về vấn đề này.
Vắc xin bại liệt uống dạng dung dịch, đóng lọ 2ml bOPV
PV: Xin chào bác sĩ, xin bác sĩ cho biết vắc xin bại liệt uống là gì?
BS Trần Thị Diệp:Vắc xin bại liệt uống là vắc xin sống giảm động lực, chứa các vi rút bại liệt đã được làm suy yếu không thể gây bệnh, sử dụng theo đường uống. Vắc xin bại liệt uống hiện đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin bại liệt 2 týp (bOPV) có chứa kháng nguyên bại liệt týp 1 và týp 3. Vắc xin dạng dung dịch, đóng lọ 2ml (20 liều/lọ), hộp chứa 10 lọ, kèm theo ống nhỏ giọt.
PV: Vắc xin bại liệt (bOPV) cần được bảo quản như thế nào để đảm bảo chất lượng và vắc xin này có tác dụng phụ không, thưa bác sĩ?
BS Trần Thị Diệp: Tại tuyến quốc gia, khu vực và tuyến tỉnh vắc xin bại liệt uống bOPV cần được bảo quản ở nhiệt độ âm từ -15°C đến -25°C cho tới khi hết hạn sử dụng trên lọ. Tuyến huyện, xã và điểm tiêm chủng vắc xin bại liệt uống (bOPV) cần được bảo quản ở nhiệt độ dương từ +2°C đến +-8°C chỉ được 6 tháng. Lọ vắc xin đã mở nắp chỉ được sử dụng ngay trong ngày khi được bảo quản ở nhiệt độ dương từ +2°Cđến + 8°C.
Hiện nay, đa số các trường hợp uống vắc xin bại liệt (bOPV) không có tác dụng phụ và chưa phát hiện trường hợp bị bại liệt do uống vắc xin trong thời gian lưu hành.
PV: Vậy liều lượng và cách dùng vắc xin (bOPV) như thế nào? Và đối với những trường hợp nào thì chống chỉ định, hoãn sử dụng vắc xin thưa bác sĩ?
BS Trần Thị Diệp: Đối với vắc xin (bOPV) đường dùng chủ yếu là đường uống, không được tiêm. Liều uống 0,1 ml/liều (tương đương 2 giọt). Chúng ta có thể cho trẻ uống bằng cách: Để vắc xin tan băng, dùng ống nhỏ giọt hút vắc xin và nhỏ trực tiếp 2 giọt vắc xin vào miệng trẻ. Cụ thể, mẹ bế trẻ đầu hơi ngả về phía sau, mở miệng trẻ nhẹ nhàng, có thể dùng ngón tay ấn vào cằm (đối với trẻ nhỏ) hoặc dùng 2 ngón tay bóp nhẹ 2 bên má trẻ. Nhỏ 2 giọt vắc xin từ ống nhỏ giọt vào miệng trẻ, không để ống nhỏ giọt chạm vào trẻ để tránh nước bọt dính vào ống nhỏ giọt. Đa số các trường hợp uống vắc xin bại liệt không có tác dụng phụ, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng cần cho trẻ ở lại 30 phút tại các điểm tiêm/uống vắc xin để được cán bộ y tế theo dõi và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất sau 24 giờ uống vắc xin, đặc biệt là ban đêm. Đồng thời cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng.
Vắc xin (bOPV) chống chỉ định dùng cho trẻ bị bạch hầu, u lympho, các bệnh ác tính khác và các bệnh suy giảm hoặc không có miễn dịch tế bào (giảm hoặc không có gamaglobulin huyết); trẻ đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch; trẻ bị nôn, tiêu chảy và có tiền sử bị dị ứng với vắc xin. Đối với các trường hợp trẻ đang sốt, bệnh mạn tính nặng, nhiễm khuẩn cấp kèm sốt cần hoãn sử dụng vắc xin.
Để chủ động phòng chống bại liệt trẻ em dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao cần được uống bổ sung 2 liều vắc xin bại liệt trong chiến dịch
PV: Thưa bác sĩ, vì sao vắc xin bại liệt đã được uống trong tiêm chủng thường xuyên nhưng vẫn có đợt uống vắc xin bại liệt bổ sung?
BS Trần Thị Diệp: Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, tuy nhiên bệnh bại liệt chưa được thanh toán trên quy mô toàn thế giới. Nguy cơ xâm nhập bệnh bại liệt hoang dại từ các quốc gia đang lưu hành bệnh vào các quốc gia đã hoàn toàn thanh toán bệnh bại liệt như Việt Nam là rất lớn, trong bối cảnh giao lưu quốc tế như hiện nay. Nhằm duy trì miễn dịch cao trong cộng đồng, phòng chống bệnh bại liệt xâm nhập, Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã phối hợp với các địa phương rà soát vùng nguy cơ cao như: có tỷ lệ tiêm chủng thấp, di biến dân cư, khu vực biên giới, cửa khẩu để tổ chức uống bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ em dưới 5 tuổi.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
(Nguồn: Ngọc Phượng)
- CDC Quảng Ninh: Triển khai công tác y tế lao động 4 tháng cuối năm 2024 (13/9/2024)
- Kết quả phê duyệt nhà cung cấp mua vắc xin dịch vụ cho đơn vị (12/9/2024)
- Ổn định sức khỏe tinh thần sau hậu quả của siêu bão (12/9/2024)
- PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH SAU BÃO (11/9/2024)
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia thu dọn rác sau bão để phòng, chống dịch bệnh (11/9/2024)
- Giám sát hoạt động đáp ứng phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau cơn bão số 03 (11/9/2024)
- Tập huấn công tác y tế và phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ (10/9/2024)
- CDC Quảng Ninh thiết lập mạng lưới phòng chống dịch sau bão số 3 (YAGI) (10/9/2024)
- Ấn Độ hỗ trợ lắp chân giả miễn phí cho người khuyết tật tỉnh Quảng Ninh (5/4/2019)
- Tẩy giun cho học sinh tiểu học (4/4/2019)
- Dấu ấn hội nhập quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh (4/4/2019)
- Phương pháp tiêm Huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị thoái hóa khớp (4/4/2019)
- Phòng, chống tiêu chảy do vi rút rota (3/4/2019)
- Quảng Ninh: Triển khai chiến dịch uống bổ sung vắc xin bại liệt (bOPV) cho trẻ dưới 5 tuổi (2/4/2019)
- Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm (30/3/2019)
- Người dân không nên tự ý phun hóa chất diệt muỗi (29/3/2019)
- Phẫu thuật kết hợp 2 đường mổ phức tạp cứu bệnh nhân vỡ dập tuỷ cổ, liệt tứ chi (29/3/2019)
- Nội soi thực quản dạ dày gắp dị vật cho bệnh nhi 05 tuổi tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh (28/3/2019)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều