Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chủ động phòng chống bệnh dại trong mùa hè

Cập nhật: 9/5/2019 | 2:25:37 PM

Thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ chó nuôi thả rông cắn người gây thương tích, thậm chí lây truyền bệnh dại sang người dẫn đến tử vong khiến dư luận xã hội bức xúc và lo lắng. Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, y học khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn thì 100% tử vong. Đặc biệt, mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh, trong đó có bệnh dại.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, trong 3 tháng đầu năm 2019, cả tỉnh đã điều trị dự phòng cho 684 trường hợp bị chó, mèo cắn. Điểm tiêm tại thành phố Hạ Long là tập trung nhiều trường hợp nhất: 305 ca chiếm 44,6%. Mặc dù, chưa ghi nhận ca nào tử vong do dại nhưng qua theo dõi tình trạng động vật sau khi cắn người thì có 3 con lên cơn dại, 106 con bị ốm và 121 con chạy rông không giám sát được.  
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường – Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương, từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong”.

Nâng cao trách nhiệm của chủ nuôi để phòng tránh bệnh dại trong cộng đồng

Bệnh dại trải qua 2 thời kì: ủ bệnh và toàn phát. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 10 ngày đến trên 1 năm. Trung bình từ 20 ngày đến 60 ngày. Tùy vào số vết cắn, vị trí cắn gần thần kinh trung ương và gần mạng lưới thần kinh (đầu, mặt, cổ, bàn tay) thì thời kỳ ủ bệnh sẽ ngắn. Thời kỳ toàn phát có 2 thể bệnh sau:
Thể dại điên cuồng, biểu hiện bệnh là một tình trạng kích thích tâm thần vận động là chủ yếu. Bệnh nhân thường có các triệu chứng: Sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi (sùi bọt mép, khạc nhổ). Ảo giác, mất định hướng, gây gổ, giãy dụa, cắn xé. Co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; khát không dám uống, chỉ nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và rất đau. Tình trạng co thắt này tăng lên mỗi khi có kích thích dù rất nhỏ vào các giác quan như: luồng gió nhẹ (sợ gió), mùi vị, ánh sáng,,..  có tình trạng kích thích sinh dục (xuất tinh tự nhiên). Rối loạn hô hấp và tuần hoàn.
Tất cả các triệu chứng trên xuất hiện thành từng cơn, ngày càng dầy hơn, mạnh hơn. Bệnh nhân có thể có lúc tỉnh táo giữa các cơn. Các triệu chứng nặng dần lên và tử vong trung bình sau 3 đến 5 ngày do ngừng hô hấp và ngừng tim.
Thể liệt, ít gặp hơn thể dại điên cuồng. Thường gặp ở người bị chó dại cắn đã tiêm vắc xin nhưng muộn. Thường không có triệu chứng sợ nước, sợ gió. Lúc đầu có thể thấy đau nhiều vùng cột sống, sau đó xuất hiện hội chứng liệt: Đầu tiên liệt chi dưới, sau đó rối loạn cơ vòng, rồi liệt chi trên. Khi tổn thương tới hành não thì xuất hiện liệt thần kinh sọ, ngừng hô hấp và tuần hoàn. Tử vong sau 4 đến 12 ngày.
Bệnh dại hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm phòng vắc xin và kháng huyết thanh là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh dại. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường khuyến cáo: “Ngay khi bị động vật cắn cần tiến hành xử trí vết thương, xử trí đúng cách đã giúp phòng bệnh đến 50%. Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 400-700 hoặc cồn iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Sau đó bệnh nhân cần đến ngày cơ sở y tế để được khám và tư vấn tiêm vắc xin phòng dại. Tùy tình trạng động vật có thể tiêm 3 đến 5 mũi vắc xin hoặc tiêm thêm kháng huyết thanh”.
Để chủ động phòng tránh bệnh dại, người dân cần tiêm phòng dại cho động vật nuôi (chó, mèo); không nuôi chó thả rông, cần đeo rọ mõm và dắt chúng khi đưa ra ngoài; khi bị chó, mèo cắn, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn tiêm phòng. Theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 của Chính phủ đã quy định: “Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”, tuy nhiên trách nhiệm của chủ nuôi vẫn là điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng cũng như chính bản thân, gia đình người nuôi động vật phòng tránh được bệnh dại. 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014