Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng, chống tiêu chảy do vi rút rota

Cập nhật: 3/4/2019 | 4:16:42 PM

Thời tiết chuyển dần sang hè cũng là lúc số lượng người mắc bệnh tiêu chảy gia tăng, nhất là trẻ nhỏ, trong đó có tiêu chảy do vi rút rota. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có buổi trò chuyện với bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu lưu, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh về vấn đề này.

+ Tiêu chảy do vi rút rota khác với tiêu chảy thông thường như thế nào, thưa bác sĩ?

- Tiêu chảy cấp do vi rút rota là bệnh cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong do mất nước.

Điều trị bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.
Điều trị bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.

Sau khi bị lây nhiễm vi rút khoảng 1-2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện triệu chứng nôn, sau đó khoảng 6-12 giờ xuất tiêu chảy và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt, nhưng không có máu (đặc điểm quan trọng để phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn). Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày. Bên cạnh đó, trẻ còn có triệu chứng sốt vừa phải, đau bụng. Một số trường hợp còn kèm cả ho và chảy nước mũi.

Do vừa bị nôn và tiêu chảy, trẻ bị nhiễm vi rút rota rất dễ bị mất nước. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong, nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: Khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc, khóc không ra nước mắt. Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy do vi rút rota thường bắt đầu rất đột ngột.

+ Xin bác sĩ cho biết, tiêu chảy do vi rút rota có lây không?

- Vi rút rota có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành. Vi rút rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Loại vi rút này vẫn ổn định và có khả năng gây bệnh khi sống trong phân 1 tuần. Khi xâm nhập vào cơ thể người, nó phá hủy tế bào ở thành ruột non, gây ra viêm dạ dày ruột. Theo nghiên cứu của các bệnh viện, ở Việt Nam khoảng 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm vi rút rota. Hằng năm, số trẻ chết do vi rút rota chiếm từ 4-8% tổng số trẻ dưới 5 tuổi bị chết vì mọi nguyên nhân.

Cho trẻ uống vắc xin khi trẻ tròn 2 tháng tuổi là cách tốt nhất để phòng bệnh tiêu chảy do vi rút rota.
Khi trẻ tròn 2 tháng tuổi cho uống vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh tiêu chảy do
vi rút rota.

Vi rút rota lây truyền qua đường phân - miệng, ngoài ra có thể lây theo đường hô hấp. Trẻ em có thể nhiễm cả trước và sau khi bị ốm kèm theo tiêu chảy. Khi vi rút xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng 2-3 ngày, sau đó mới phát tác các triệu chứng. Thời kỳ lây truyền có thể kéo dài tới 3 tuần, tuy nhiên thường khoảng 7-8 ngày kể từ lúc bệnh bắt đầu.

+ Cần làm gì để phòng tiêu chảy do vi rút rota, thưa bác sĩ?

- Biện pháp quan trọng nhất trong phòng bệnh tiêu chảy do vi rút rota là cho trẻ uống vắc xin Rotavirus. Nên cho trẻ uống dự phòng vắc xin từ khi trẻ 2 tháng tuổi.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vệ sinh môi trường, nguồn nước. Giữ gìn vệ sinh ăn uống, không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín; rửa sạch rau quả trước khi ăn sống; rửa tay trước khi ăn. Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi), người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú. Khi có bệnh nhân, cần sát khuẩn, tẩy uế những chất thải và đồ dùng có liên quan đến người bệnh. Quản lý phân, xử lý phân tốt, không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả. Khử trùng, tẩy uế môi trường và tiệt trùng vật dụng của người bệnh thường xuyên.

Khi mắc bệnh ở thể nhẹ, không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3-4 ngày. Để phòng biến chứng, khi trẻ tiêu chảy cần cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc, uống nhiều nước hơn bình thường. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột làm liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài.

Phát hiện kịp thời các triệu chứng bệnh nặng để đưa bé tới các cơ sở y tế gần nhất.

+ Xin cám ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014