Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Mẹ không có HIV – Con không nhiễm HIV

Cập nhật: 8/6/2019 | 10:42:11 AM

Tại Việt Nam, theo số liệu giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai trung bình là 0,4%. Hàng năm có từ 1,5 đến 2 triệu trẻ được sinh ra, như vậy khoảng 6.000 trẻ có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV từ mẹ.

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 với chủ đề: “Mẹ không có HIV – Con không nhiễm HIV”, thông qua đó nhằm đẩy mạnh sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020”; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm và điều trị dự phòng lây truyền HIV sớm, góp phần đảm bảo những em bé sinh ra được khỏe mạnh. 
Theo Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: Ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Khi mang thai, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25 - 40%. Qua nghiên cứu của WHO trên 100 bà mẹ mang thai có HIV không được can thiệp cho thấy, 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Điều này có nghĩa, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm.

Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm để có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh

Các giai đoạn lây truyền HIV từ mẹ sang con
Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang qua ba giai đoạn cụ thể như sau:
- Lây truyền trong thời kỳ mang thai:
Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai chiếm 5-10% số trường hợp. Sự lây truyền HIV qua con đường này có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy có tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai (hay còn gọi là nhau thai) cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần.
Các nhà khoa học đã tìm thấy HIV trong gan, thận, não của bào thai 13 tuần tuổi của người mẹ nhiễm HIV. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy các bất thường về tổ chức học, đặc biệt ở não và tuyến hung của các bào thai nhiễm HIV. Ở một số trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đã có các rối loạn miễn dịch, đặc biệt là sự bất thường về số lượng tế bào CD4 cho thấy có sự lan truyền HIV rất sớm từ mẹ sang con. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt thời kỳ mang thai qua bánh rau.
Bình thường, mặt bánh rau có cấu tạo đặc biệt, bao gồm nhiều “màng ngăn”. Các vách ngăn này có chức năng như các “hàng rào” bảo vệ, chỉ “cho phép” những gì tinh túy nhất của người mẹ như chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể…được đi qua để sang nuôi dưỡng bào thai và không cho vi khuẩn, vi rút…đi sang để gây hại cho thai nhi. Như vậy, thông thường nhờ có bánh rau nên cho dù có nhiễm vi rút ở mẹ thì vi rút cũng bị màng ngăn của rau thai chặn lại và không truyền qua thai được.
Tuy nhiên, khi bánh rau có vấn đề như bị nhiễm khuẩn làm tổn hại đến vách ngăn này, hoặc bề dày của bánh rau mỏng đi vào nửa sau thai kỳ, HIV tự do hay nằm trong các tế bào dễ dàng di chuyển qua bánh rau vào thai nhi. Khoảng 20- 30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ trong thời kỳ này được cho là bị lây truyền qua bánh rau. Tỷ lệ này có thể tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng. Đặc biệt là ở giai đoạn mẹ bị sơ nhiễm HIV và giai đoạn người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn cuối (đã chuyển sang AIDS) thì nguy cơ lây truyền HIV sang con qua bánh rau tăng lên vì khi đó nồng độ HIV trong máu rất cao.
- Lây truyền trong khi sinh: Chiếm 10 - 20% số trường hợp.
Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo, nuốt nước ối, vi rút trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV,  hoặc do sự trao đổi máu mẹ – thai nhi khi chuyển dạ do ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn,…
Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao, nhất là khi thời gian này trên 4 giờ. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%.
- Lây truyền khi cho con bú: Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi bú khoảng 5-10%, tỷ lệ này tăng lên khi ng¬ười mẹ nhiễm HIV đang ở trong giai đoạn AIDS, giai đoạn cuối của nhiễm HIV.
Biện pháp can thiệp
Hiện nay, nhờ sự phát triển của công tác điều trị, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ đều nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh không bị HIV, nếu mẹ được dùng thuốc kháng vi rút (ARV) sớm và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế. 

Bệnh nhân nhiễm HIV được quản lý tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh chia sẻ: “Phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV cần được điều trị ARV càng sớm càng tốt. Thai phụ sẽ được uống thuốc sớm và tuân thủ điều trị ARV theo nguyên tắc 5Đ (uống thuốc đều, đúng giờ, đúng chỉ định, đúng cách). Khi thai phụ đã uống thuốc đúng, cần xét nghiệm máu từ 3 đến 6 tháng/lần, khi tải lượng vi rút HIV đạt dưới 200 bản sao/ml máu thì nguy cơ lây bệnh sang con sẽ thấp. Thuốc kháng vi rút ARV có tác dụng ngăn sự nhân lên của vi rút HIV và làm giảm số lượng vi rút HIV trong cơ thể người mẹ, góp phần bảo vệ sức khỏe cho mẹ, giảm nguy cơ lây truyền bệnh cho con. Việc xét nghiệm HIV nên được triển khai sớm ngay trong quý đầu của thai kỳ hoặc lần khám thai đầu tiên”.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu: Tại Quảng Ninh, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai toàn diện gồm: dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV; can thiệp cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai; các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ, điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau sinh, cụ thể như: truyền thông cho nam và nữ từ 15 đến 49 tuổi; tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng chống HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm HIV, giới thiệu chuyển đến cơ sở chăm sóc điều trị thích hợp. Với những phụ nữ nhiễm HIV vẫn muốn sinh con sẽ được tư vấn chăm sóc thai nghén, xét nghiệm và dùng thuốc kháng vi rút ARV, can thiệp để sinh đẻ an toàn. Trẻ mới sinh cũng được uống thuốc ARV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ. Trẻ được chuyển tiếp đến nơi thích hợp để tiếp tục theo dõi, thực hiện xét nghiệm PCR sớm phát hiện tình trạng nhiễm HIV và được cấp sữa ăn thay thế đến hết 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó, chồng và bạn tình của thai phụ đều được tư vấn xét nghiệm chuyển tiếp đến cơ sở chăm sóc điều trị thích hợp,…
Có thể nói những hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch HIV mới xuất hiện. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần, tiến đến xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

(Nguồn: Ngọc Phượng)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014