Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Không chủ quan với bệnh Đái tháo đường ở trẻ em

Cập nhật: 14/11/2018 | 8:16:22 AM

Theo các chuyên gia y tế, trước đây Đái tháo đường (ĐTĐ) thường xuất hiện ở độ tuổi sau 40. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ĐTĐ có xu hướng gia tăng do những thay đổi trong môi trường, lối sống và các yếu tố di truyền khác.

Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính phổ biến. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp. Trẻ bị mắc bệnh tiểu đường thì lượng đường trong máu trẻ cao, tình trạng này nếu kéo dài có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở trẻ
Phân loại nguyên nhân gây ĐTĐ trẻ em
Bệnh ĐTĐ ở trẻ em có hai loại chính, đó là ĐTĐ tuýp1 và ĐTĐ tuýp 2.
Đái tháo đường tuýp 1: ĐTĐ tuýp 1 là chứng rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào tuyến tụy thay vì các yếu tố bên ngoài. Điều này sẽ gây ra sự thiếu hụt insulin và tăng lượng đường huyết. Nếu trẻ bị tiểu đường tuýp 1, các triệu chứng sẽ xuất hiện khá sớm. Các bác sĩ cho rằng bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể là do nguyên nhân kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường. Trẻ có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường tuýp 1 nếu: Mẹ hoặc anh/chị em bị bệnh tiểu đường tuýp 1; tiếp xúc với một số vi rút gây bệnh; sự hiện diện của kháng thể bệnh tiểu đường; thiếu vitamin D, sớm sử dụng sữa bò hoặc sữa bột có nguồn gốc từ sữa bò và ăn các loại ngũ cốc trước 4 tháng tuổi. Mặc dù yếu tố này không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đái tháo đường tuýp 2: ĐTĐ tuýp 2, còn gọi là bệnh ĐTĐ không phụ thuộc insulin (NIDDM). Đây là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm 90% đến 95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, hiện nay ngày càng nhiều trường hợp bệnh được phát hiện ở tuổi vị thành niên và trẻ em, có nhiều nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2 cho trẻ, tuy nhiên phổ biến nhất là do béo phì, thừa cân, lối sống thiếu lành mạnh và thói quen ăn uống không điều độ.
Khi mắc ĐTĐ tuýp 2, các tế bào trong cơ thể trẻ trở nên đề kháng với insulin, và tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin để vượt qua sự đề kháng này. Thay vì di chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng, đường sẽ tích tụ lại trong máu của trẻ.
Tiến trình dẫn đến đái tháo đường
Các dấu hiệu ĐTĐ ở trẻ
Với trẻ sơ sinh rất khó phát hiện triệu chứng ĐTĐ, thông thường khi thấy trẻ tiểu tràn ra cả tã mới có nghi ngờ, trẻ thường có dấu hiệu: sốt, nôn, khó bú, thở nhanh, sụt cân. Ở trẻ lớn hơn sẽ có biểu hiện tiểu nhiều, khát nước, tiểu dầm, háo ăn, sụt cân, đường niệu, xeton niệu (mùi, kiến bâu, ruồi bậu) hoặc nôn, đau bụng, kèm thêm những bệnh thông thường và có thể có sốt…Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu phát hiện những triệu chứng ĐTĐ, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra với người lớn tuổi và vẫn cho phép người bệnh sản sinh insulin, nhưng với một lượng rất nhỏ, không đủ cho nhu cầu của cơ thể. Chính vì thế, bệnh nhân thường phải mất nhiều năm mới phát hiện ra bệnh. Còn với trẻ nhỏ bị tiểu đường túyp 2 thường xuất hiện những mảng đen trên da, là kết quả quá trình phản ứng của cơ thể với sự thiếu hụt insulin. Đây là một biến chứng do sự béo phì, sự kháng cự của cơ thể khi thiếu insulin, lượng cholesterol cao tạo nên. Ở những bé gái, bệnh thường kéo theo rối loạn hormone, nổi mụn trứng cá và u nang buồng trứng khi trưởng thành. Khi mắc bệnh, nguy cơ bị rút ngắn tuổi thọ ở các em rất cao, cho dù có hạn chế bằng cách dùng thuốc, giảm cân hay luyện tập.
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm chẩn đoán Đái tháo đường
Trẻ bị đái tháo đường mà không được phát hiện sớm, bệnh diễn biến nhanh trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, kiệt sức. Nồng độ glucose và xê-ton trong máu tăng lên rất cao, tình trạng mất nước nặng xuất hiện, trẻ sẽ rơi vào tình trạng hôn mê nguy hiểm tới tính mạng.
Để xác định tiểu đường, bác sĩ có thể làm xét nghiệm nước tiểu tìm glucose, xê-ton và xét nghiệm máu đánh giá lượng đường huyết. Bình thường nước tiểu không chứa glucose, glucose chỉ có thể tràn vào nước tiểu khi lượng đường trong máu cao. Để chắc chắn kết quả, bác sĩ có thể sẽ làm thêm một xét nghiệm máu nữa gọi là xét nghiệm dung nạp glucose. Trẻ bị tiểu đường mỗi ngày cần đo đường huyết 5 đến 7 lần.
Biến chứng tiểu đường
Biến chứng tiểu đường không khác nhau giữa người trẻ và người lớn tuổi, tuy nhiên với trẻ em thường chỉ thấy xuất hiện biến chứng ở trẻ lớn (trên 10 tuổi) do tiểu đường đã tiến triển nhiều năm. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
Bệnh tim mạch: Bệnh tiểu đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch khác, bao gồm bệnh động mạch vành kèm đau ngực, đau tim, đột quỵ và hẹp động mạch. 
Tổn thương thần kinh: Mức đường dư có thể làm tổn thương các thành mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng dây thần kinh, đặc biệt là ở chân. Điều này có thể gây ngứa, tê, rát hoặc đau thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và dần dần lan rộng lên trên. Nếu không được điều trị, trẻ có thể mất cảm giác hoàn toàn ở chân tay bị ảnh hưởng. 
Tổn thương thận: Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ (tiểu cầu) để lọc chất thải ra khỏi máu của trẻ. Bệnh ĐTĐ có thể làm hỏng hệ thống lọc tinh tế này. Tổn thương thận nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không hồi phục, cần phải chạy thận hoặc ghép thận.
Tổn thương mắt: Bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các mạch máu của võng mạc, gây nên bệnh võng mạc đường, có khả năng dẫn đến mù lòa. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng thị lực nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể và bệnh tăng nhãn áp.
Tổn thương chân: Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc lưu thông máu kém đến chân làm tăng nguy cơ mắc biến chứng chân khác nhau. Nếu không được điều trị, vết cắt và mụn nước có thể phát triển thành nhiễm trùng nghiêm trọng, thường rất khó lành và có thể phải đoạn chi.
Các tình trạng da: Bệnh ĐTĐ có thể khiến trẻ dễ bị các vấn đề về da hơn, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.
Khiếm thính: Các vấn đề thính giác thường gặp hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh Alzheimer: Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. 
Phương pháp điều trị
Với tiểu đường tuýp 1 điều trị suốt đời, cần tiêm insulin thường xuyên, khoảng 2-3 lần một ngày. Bệnh tiểu đường tuýp 1 không thể chữa khỏi, nhưng bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể cải thiện nhờ vào thay đổi lối sống, ăn uống, sinh hoạt.
Chế độ ăn uống: Các bậc phụ huynh cần cho trẻ một chế độ ăn uống đặc biệt để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với trẻ bị bệnh tiểu đường, thực phẩm có chứa nhiều đường và khó tiêu là “kẻ thù số 1”. Dùng các thực phẩm này sẽ làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng hơn, đó là các loại thực phẩm ngọt như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt có ga, các loại đồ ngọt nhân tạo; tinh bột: cơm, phở, bún; đồ ăn có nhiều chất béo bão hòa, cholesterol: thịt mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, pho mát, bơ sữa, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật; sữa; trái cây sấy khô; rượu, bia và đồ uống có cồn. Những loại thực phẩm bạn có thể thoải mái cho trẻ ăn mà không lo ảnh hưởng đến bệnh như: Các loại trái cây ít đường như táo, bưởi, ổi, cam quýt,…thịt nạc, thịt bò, cá.
Luyện tập thể dục thể thao: Phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là khuyến khích trẻ vận động hằng ngày, giúp kích thích sự vận chuyển chất đường vào trong tế bào và cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với insulin. Nên cho trẻ luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày từ 30 phút đến 1giờ.
Trẻ bị đái tháo đường cần phải theo dõi đường huyết thường xuyên và duy trì đường huyết ổn định, định kỳ 2 tháng một lần cho trẻ kiểm tra chỉ số HbA1C, xét nghiệm xeton nước tiểu để phát hiện sớm biến chứng nhiễm toan xê tôn.
Để ngăn chặn bệnh tiểu đường ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin về bệnh để có kế hoạch chăm sóc trẻ chu đáo. Trẻ nhỏ, cha mẹ phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn của trẻ.

(Nguồn: Ngọc Phượng)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014