Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Đưa trẻ đi tiêm đúng độ tuổi để phòng tránh bệnh sởi

Cập nhật: 11/6/2019 | 8:31:41 PM

Cùng với tình hình chung trong cả nước, những ngày này, các ca mắc sởi trên địa bàn Quảng Ninh có chiều hướng gia tăng. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn tình hình ca bệnh trên địa bàn, cũng như biện pháp nhận biết, phòng chống.

- Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh hiện nay?

+ Những tháng đầu năm 2019, số ca sốt phát ban nghi sởi tại các địa phương trong cả nước cao hơn so với cùng kỳ. Tính đến nay, tại 63 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 21.320 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó trên 5.100 ca xét nghiệm dương tính với sởi.

Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 5/6, toàn tỉnh có 837 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 453 ca dương tính với sởi, phần lớn tập trung ở người từ 1-15 tuổi. Trong số 837 ca trên, TP Hạ Long chiếm đông nhất, với 502 ca. Một số nơi xuất hiện ổ dịch có số người mắc cao là Làng Chài, phường Hà Phong, TP Hạ Long (72 ca); bản Lý Khoái, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà (35 ca)... Thực tế điều tra dịch cho thấy, phần lớn số người bị bệnh sởi đều rơi vào trường hợp chưa tiêm chủng hoặc trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Bệnh cũng xuất hiện ở cả người lớn.

Hiện nay, công tác phòng chống dịch sốt phát ban nghi sởi đang được tăng cường từ việc giám sát phát hiện sớm ca bệnh, thực hiện điều tra và xử lý ổ dịch cho đến việc rà soát tỷ lệ tiêm chủng của các đơn vị trên toàn tỉnh. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella (MR) cho trẻ 1-15 tuổi tại các ổ dịch và những đối tượng 1-5 tuổi chưa tiêm vắc xin MR trong chiến dịch năm 2018. Hoạt động này được triển khai trong các ngày tiêm chủng thường xuyên.

Kiểm tra triệu chứng của bệnh nhân điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Kiểm tra triệu chứng của bệnh nhân điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Làm thế nào để nhận biết sớm trẻ bị bệnh sởi, thưa bác sĩ?

+ Triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em và người lớn đều có đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc và phát ban... Bệnh sởi thường diễn biến qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn ủ bệnh: 7-21 ngày, trung bình 10 ngày (hầu như chưa có triệu chứng)

Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long) 2-4 ngày: Sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể có hạt koplik phía trong miệng ngang hàm trên.

Giai đoạn toàn phát 2-5 ngày: Sau sốt 3-4 ngày, ban bắt đầu xuất hiện. Khác với sốt phát ban, nếu bị bệnh sởi thì ở giai đoạn này các nốt xuất hiện bắt đầu ở sau tai, lan dần sang hai bên má, cổ, xuống ngực, sang hai cánh tay. Trong 24 giờ kế tiếp, nốt sởi lan rộng ra lưng, hông, xuống chân dưới với tình trạng màu hồng nhạt, nhưng sau đó sẽ đỏ dần lên. Thậm chí các nốt sởi lan nhanh, kín thân thể và bắt đầu gây ngứa cho người bệnh, tăng nhiệt độ thân thể gây nóng, khó chịu. Còn nếu chỉ sốt phát ban thông thường, khi giảm sốt, người bệnh ít có dấu hiệu nốt ban nổi gồ trên bề mặt da; còn khi xuất hiện ban thường nổi đồng loạt và lặn không để lại dấu vết.

Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu chuyển sang màu xám, bong vảy để lại vết thâm, vằn da hổ và mất dần.

Bệnh sởi có mức độ lây lan rất nhanh, nếu người bệnh không được chăm sóc kỹ, đúng cách rất dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, tiêu chảy, viêm não...

Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là cho trẻ tiêm vắc xin đúng độ tuổi.
Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là cho trẻ là tiêm vắc xin đúng độ tuổi.

- Xin bác sĩ cho biết biện pháp phòng bệnh sởi?

+ Khi trẻ có biểu hiện của bệnh, nhất là trong tình hình ca bệnh đang xuất hiện nhiều như hiện nay, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác bệnh và được tư vấn chăm sóc kịp thời. Khi trẻ hay người lớn bị bệnh, cần phải cách ly để tránh lây lan cho cộng đồng.

Cách phòng tốt nhất vẫn là người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ khi trẻ đủ từ 9 tháng tuổi trở lên, trong đó chú ý tiêm mũi nhắc lại khi trẻ đủ từ 18 tháng tuổi tại các trạm y tế xã, phường, các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh hiện nay, các ca mắc sởi ở lứa tuổi người lớn, do vậy tất cả người dân cần đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tiêm vắc xin có thành phần phối hợp sởi  để phòng bệnh chủ động, tạo miễn dịch trên cộng đồng.

Bên cạnh đó, mọi người cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất. Tăng cường vệ sinh cá nhân, như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. Hạn chế đưa trẻ đến các chỗ đông người. Không  đi vào khu vực xuất hiện nhiều ca bệnh sởi.

- Xin cám ơn bác sĩ!

(Nguồn: vietnamplus.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014