Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chủ động phòng, chống bệnh tăng huyết áp ngay từ khi còn trẻ tuổi

Cập nhật: 15/5/2020 | 4:08:58 PM

Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp là vấn đề sức khỏe phổ biến, cứ ba người sẽ có một người mắc bệnh. Trước đây, chỉ có những người cao tuổi mới thường rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, ngày nay tỷ lệ bị bệnh tăng huyết áp đang dần “trẻ hóa” do ảnh hưởng bởi lối sống, sinh hoạt.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp là khi huyết áp được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. 
Bác sĩ Lường Thị Xuân, Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: “Để xác định tăng huyết áp, chúng ta dựa vào trị số huyết áp đo được sau khi đo huyết áp đúng quy trình của Hiệp hội Huyết áp Việt Nam. Thứ nhất là, tại phòng khám cán bộ y tế đo đúng quy trình l thì khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg được gọi là tăng huyết áp. Hai là, đo huyết áp bằng máy đo huyết áp Holter 24 giờ (huyết áp được cố định tại tay trong 24 h) thì khi huyết áp tâm thu ≥ 130mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 80 mmHg được gọi là tăng huyết áp. Ba là, tự đo tại nhà, được thực hiện đo 3 lần/ngày tại cùng một thời điểm trong 3 ngày khi chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 135 mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 85  mmHg được coi là tăng huyết áp giới hạn”.
Khoảng 90 - 95% các trường hợp tăng huyết áp thường không có nguyên nhân gọi là tăng huyết áp tiên phát và  có khoảng 5-10% số người bị tăng huyết áp có nguyên nhân gọi là tăng huyết áp thứ phát.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, sàng lọc tăng huyết áp tại xã Dực Yên, huyện Đầm Hà

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng huyết áp ở người trẻ tuổi thường gặp là do bệnh lý mạch máu ở thận như: hẹp động mạch thận bẩm sinh; bệnh lý ở cơ quan nội tiết như u tuyến thượng thận, u vỏ thượng thận; bệnh lý nhu mô thận như viêm vi cầu thận mãn, suy thận mãn tính…; bệnh lý về tuyến giáp, nhiễm độc thai nghén; bệnh lý mạch máu và tim như hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ... Ngoài ra hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn mặn, hạn chế vận động thể lực, căng thẳng, béo phì…cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp.
Về các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp, Bác sĩ Lường Thị Xuân cho biết: “Tăng huyết áp ban đầu thường không có triệu chứng, tiến triển thầm lặng, cho nên tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Tuy nhiên, những trường hợp có triệu chứng thì sẽ có các biểu hiện như : đau đầu, hoa mắt, ù tai, chóng mặt, mắt nhìn mờ, mất ngủ, chảy máu cam, mặt đỏ, buồn nôn, nôn…”.
Cũng theo Bác sĩ Lường Thị Xuân, tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng về não như nhũn não, xuất huyết não, phình các vi mạch não, giảm trí nhớ, đột quỵ; biến chứng tim như cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim, suy tim, đột tử, loạn nhịp tim, bệnh mạch máu ngoại biên. Với các biến chứng thận như gây xơ hoá các tiểu động mạch đến, tiểu động mạch đi và các mao mạch của cầu thận, gây rối loạn cả chức năng của cầu thận và chức năng của ống thận, hậu quả  cuối cùng là dẫn đến suy thận. Ngoài ra, tăng huyết áp còn có các biến chứng tổn thương đáy mắt như mờ mắt, xuất huyết và xuất tiết ở võng mạc, phù gai thị dẫn đến mù lòa…
Để phòng bệnh tăng huyết áp chúng ta cần thực hiện lối sống lành mạnh, luôn rèn luyện để giữ được chỉ số huyết áp của mình ổn định trong ngưỡng bình thường, phòng mắc bệnh tim mạch và biến chứng do tăng huyết áp, cụ thể như sau:  
- Thường xuyên kiểm tra chỉ số đo huyết áp của mình. Đặc biệt đối với những người trong gia đình có người thân bị cao huyết áp hoặc có tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim thì nên kiểm tra huyết áp thường xuyên ngay từ khi còn trẻ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ trong đó kiểm tra các chỉ số xét nghiệm máu liên quan như: đường máu, lipid máu… để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ.
- Giảm cân nặng nếu thừa cân.
- Không hút hoặc ngừng hút thuốc lá, thuốc lào.
- Không ăn nhiều chất béo bão hòa như: mỡ động vật, thức ăn chiên rán ở nhiệt độ cao,… nên thay thế bằng dầu ăn từ thực vật.
- Không ăn mặn như giảm muối trong khẩu phần ăn, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn.
- Hạn chế uống rượu bia. 
- Tránh lo âu căng thẳng thần kinh, cần thư giãn nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
Và cuối cùng chúng ta cần “nhớ số đo huyết áp cũng như nhớ số tuổi của mình”. 
Có thể nói, cùng với kiểm tra, theo dõi phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp thì việc thay đổi lối sống, sinh hoạt đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho quá trình điều trị tăng huyết áp đạt hiệu quả tốt và cũng góp phần hữu hiệu trong phòng, chống bệnh tăng huyết áp ngay khi còn trẻ.
 

(Nguồn: Ngọc Phượng)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014