Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cảnh giác với bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm trong mùa hè

Cập nhật: 31/5/2019 | 2:04:28 PM

Bệnh ký sinh trùng là một chứng bệnh nhiễm trùng gây ra hoặc bị truyền nhiễm bởi ký sinh trùng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 14 triệu ca tử vong do bệnh ký sinh trùng, chiếm 25% tỷ lệ tử vong toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng còn chủ quan với căn bệnh này, rất nhiều người vẫn có thói quen thường xuyên ăn các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh mà đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng. Để hiểu rõ hơn về bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường – Trưởng khoa Ký sinh trùng côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

Phóng viên:  Mùa hè nhiều người thường có xu hướng sử dụng các món ăn chưa được nấu chín như tiết canh, gỏi sống, rau sống… với quan niệm ăn vào cho mát. Vậy xin Thạc sĩ cho biết, thói quen ăn các thực phẩm kể trên thì có nguy cơ mắc các bệnh gì truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường: Bệnh truyền nhiễm bởi ký sinh trùng do ăn, uống thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trong mùa hè có xu hướng tăng cao. Các loại bệnh ký sinh trùng truyền nhiễm qua thực phẩm là bệnh giun đũa, tóc;  bệnh sán lá (sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, sán lá phổi, sán lá ruột…); bệnh sán dây (sán dây/ ấu trùng sán lợn, bò). Những năm gần đây còn phát hiện các trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh giun đũa chó, mèo do nuốt phải trứng có chứa ấu trùng…Ngoài ra còn có ký sinh trùng Amip là loại ký sinh trùng truyền nhiễm qua thực phẩm gây ra bệnh lỵ Amip cho người rất nguy hiểm.
Nguyên nhân gây ra bệnh ký sinh trùng truyền qua đường ăn uống trên người do ăn các loại rau củ quả tươi không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn nhanh, thức ăn chưa được nấu chín như tiết canh, thịt tái, gỏi cá, tôm cua nướng, rau sống… Bên cạnh đó, môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm dẫn đến nguồn nước, đất bị ảnh hưởng cũng làm tăng khả năng nhiễm bệnh; một số vật nuôi trong gia đình cũng là nguồn gốc chính của sự lây lan các loại ký sinh trùng cho người. 

Ký sinh trùng giun móc ẩn dưới da

Phóng viên:  Ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của con người, thưa Thạc sĩ?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường: Bệnh ký sinh trùng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, gây ra những khó chịu trong sinh hoạt và cuộc sống. Các triệu chứng hay gặp khi nhiễm ký sinh trùng như: táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, kích thích ruột, đau cơ và khớp, thiếu máu, rối loạn giấc ngủ, nghiến răng, suy nhược mạn tính, tổn thương gan, tổn thương não và rối loạn chức năng miễn dịch. Ví dụ, nhiễm giun gây nhiều tác hại, biến chứng như: thiếu máu, thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, gây bệnh gan mật, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của con người, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. 
Trong quá trình ký sinh trên con người, các loài ký sinh trùng có thể tiết ra những chất độc đối với cơ thể gây viêm, phù nề, dị ứng, nhiễm độc tại chỗ hoặc toàn thân.
Khi xâm nhập vào một vị trí trong cơ thể người, các loài ký sinh cần bám vào một nơi nào đó, như:  Giun tóc cắm sâu vào ruột non, giun móc và giun đũa gặm thành ruột, ấu trùng giun móc/mỏ chui qua da… từ đó chúng sẽ gây ra những chấn thương cho cơ thể con người, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh mãn tính nghiêm trọng. Ngoài ra trong quá trình xâm nhập vào cơ thể con người, ký sinh trùng có thể mang theo một số mầm bệnh nguy hiểm khác như Ấu trùng giun lươn có thể mang theo vi khuẩn than, vi khuẩn lao.
Phóng viên:  Xin Thạc sĩ cho biết, các bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì sẽ nguy hiểm như thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường: Các bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng nếu được phát hiện sớm sẽ điều trị khỏi hoàn toàn. Mặt khác, nếu không được phát hiện sớm có thể gây thiếu máu, tổn thương gan, tổn thương não, áp xe gan, phổi, thậm chí tử vong nếu bệnh phát hiện quá muộn.
 Bệnh ký sinh trùng dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác khi bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn. Các bệnh ký sinh trùng thường âm ỉ, dai dẳng nên nhiều người dân thờ ơ, bỏ qua, khi bị ngứa hay đau đầu, mọi người thường đi điều trị da liễu và tâm thần mãn. Thậm chí có bệnh nhân còn bị chẩn đoán là ung thư gan, phải can thiệp ngoại khoa khi mắc bệnh sán lá gan trong một thời gian dài. Với bệnh ấu trùng sán lợn, những bệnh nhân tổn thương não đến khám và điều trị muộn vẫn bị vôi hóa trên não, dẫn đến di chứng như co giật, động kinh, gây chèn ép đau đầu, giảm chức năng vận động…có nhiều trường hợp tử vong. 

Không ăn thực phẩm sống hoặc tái để tránh nhiễm ký sinh trùng gây bệnh

Phóng viên: Để chủ động phòng các bệnh lây truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng, Thạc sĩ có khuyến cáo gì đến người dân?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường: Bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm là bệnh mọi người dân đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Biện pháp tốt nhất vẫn là dùng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, thức ăn phải qua chế biến, được nấu chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tuyệt đối không ăn các thức ăn còn sống như tiết canh, thịt tái, gỏi sống, tôm cua sống, rau sống…
Khi có những triệu chứng nghi ngờ, người dân cần chủ động đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Định kỳ tẩy giun, đặc biệt đối tượng trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần được tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần vì đây là nhóm có nguy cơ nhiễm giun cao.
Vệ sinh môi trường, quản lý nguồn chất thải từ phân tươi. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi ra môi trường.
Quản lý quy trình chăn nuôi, không nuôi gia súc thả rông. Tẩy giun định kỳ cho vật nuôi trong nhà như: chó, mèo…
 Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò giết mổ gia súc và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sau chế biến.
Phóng viên:  Xin cảm ơn Thạc sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014