Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cảnh báo bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng

Cập nhật: 16/7/2020 | 7:59:10 AM

Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2020, toàn miền Bắc đã ghi nhận 220 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 27/28 tỉnh, thành phố. Trong đó, số ca mắc trong tháng 6 tăng gần 4 lần so với 05 tháng đầu năm 2020. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ths.Bs Nguyễn Thị Dung – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh về nguyên nhân gia tăng các ca mắc bệnh tay chân miệng và cách phòng tránh bệnh.

Tổn thương niêm mạc miệng và da  dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông là dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng 

Phóng viên:  Xin bác sĩ cho biết, tình hình mắc bệnh tay chân miệng hiện nay như thế nào?
Ths.Bs Nguyễn Thị Dung: Hiện nay, tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, số liệu giám sát của Bộ Y tế cho thấy: 6 tháng đầu năm 2020, toàn miền Bắc đã ghi nhận 220 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 27/28 tỉnh, thành phố, trong đó số mắc trong tháng 6 tăng gần 4 lần so với 05 tháng đầu năm 2020.
Tại Quảng Ninh, tình hình bệnh tay chân miệng cũng đang có chiều hướng gia tăng. Tính đến hết ngày 10/07/2020, toàn tỉnh ghi nhận 15 ca mắc tay chân miệng lâm sàng, ghi nhận 1 trường hợp độ 2b - ca bệnh nặng hơn so với các trường hợp khác. Số mắc mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên lại có dấu hiệu gia tăng trong một vài tuần qua, chỉ tính riêng trong tháng 6 số mắc đã gấp đôi số mắc 5 tháng đầu năm 2020. 
Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Phóng viên: Nguyên nhân gia tăng các ca mắc bệnh tay chân miệng trong thời gian gần đây là gì, thưa bác sĩ?
Ths.Bs Nguyễn Thị Dung: Tại nước ta, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Số ca mắc thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Mặc dù hiện nay không phải là thời điểm dịch lưu hành phổ biến, tuy nhiên số ca mắc tay chân miệng lại có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân có thể nhận định do học sinh quay trở lại các trường học sau 1 thời gian dài nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Việc tập trung quay lại trường học với số lượng đông người, điều kiện vệ sinh môi trường, trường lớp nếu không đảm bảo sẽ là nguyên nhân xuất hiện và bùng phát dịch tay chân miệng.
Phóng viên: Ở độ tuổi nào thường dễ mắc bệnh tay chân miệng?Và dấu hiệu của bệnh là gì, thưa bác sĩ?
Ths.Bs Nguyễn Thị Dung: Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi, lứa tuổi mầm non, mẫu giáo.
Có thể nhận biết sớm bệnh tay chân miệng qua các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là: Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, miệng.
Gia đình cần nhận biết các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh, các dấu hiệu về thần kinh hoặc tim mạch như sốt cao (≥ 39,5), giật mình, lừ đừ, run chi, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám và điều trị.

Rửa tay sạch thường xuyên là một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh tay chân miệng

 
Phóng viên:  Đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, vậy làm cách nào để chủ động phòng ngừa mắc và lây truyền bệnh này, thưa bác sĩ?
Ths.Bs Nguyễn Thị Dung: Để phòng bệnh tay chân miệng thì việc đầu tiên chúng ta phải quan tâm đến đó là vấn đề vệ sinh.  
Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Đồng thời cũng hướng dẫn trẻ thực hiện rửa tay đúng cách hàng ngày.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất biết để giám sát tình hình dịch bệnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014