Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cách phòng ngừa và xử trí nổi mẩn ngứa ở trẻ trong mùa hè

Cập nhật: 27/6/2020 | 8:51:04 AM

Hiện nay có nhiều bà mẹ than phiền về tình trạng nổi mẩn ngứa ở trẻ. Đặc biệt trong những ngày thời tiết nắng nóng thì tình trạng này lại trở nên trầm trọng hơn làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc cả ngày. Do đó, việc chăm sóc trẻ khi bị mẩn ngứa khiến nhiều bà mẹ mệt mỏi, thậm trí stress. Vậy làm cách nào để phòng ngừa và xử trí tình trạng nổi mẩn ngứa ở trẻ trong mùa hè? Bác sĩ CKI Hà Thị Quế - Trưởng khoa Da liễu và Phòng chống mù lòa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ, tại sao vào mùa hè nhiều trẻ lại xuất hiện tình trạng nổi mẩn ngứa?
Bác sĩ CKI Hà Thị Quế: Mẩn ngứa là tình trạng da xuất hiện các nốt sẩn hoặc mảng sẩn kèm theo ngứa. Vào mùa hè nhiều trẻ nhỏ xuất hiện tình trạng nổi mẩn ngứa, thường do các nguyên nhân chủ yếu sau:
Tình trạng tăng tiết mồ hôi: Nắng nóng cơ thể sẽ tăng tiết mồ hôi để điều hòa thân nhiệt. Mồ hôi tiết ra sẽ kết hợp với bụi bẩn trên da gây nên tình trạng bít tắc lỗ chân lông làm mồ hôi không tiết ra được và xuất hiện tình trạng rôm, sảy làm trẻ rất ngứa ngáy, khó chịu. Bên cạnh đó, mồ hôi tăng tiết nhiều dưới trời nắng nóng làm thay đổi môi trường da và dẫn đến tình trạng dễ kích ứng tại chỗ của những trẻ có cơ địa dị ứng và có tình trạng ngứa, gãi nhiều. 
Tia cực tím: Ánh nắng mặt trời có rất nhiều tia cực tím, đây là tia tử ngoại có thể đi xuyên qua bề mặt da, làm tổn thương đến các tế bào biểu bì bên trong. Đồng thời, tia tử ngoại còn làm các Protein trong cơ thể bị biến đổi tính chất, lúc này làm hệ miễn dịch nhận định đây là chất lạ và có gây ra phản ứng dị ứng nổi mẩn đỏ.
Ngoài ra, yếu tố như cơ địa dễ bị dị ứng, không uống đủ nước, chế độ ăn thiếu vitamin, môi trường không sạch sẽ cũng làm cho da của trẻ em dễ bị kích ứng và có tình trạng nổi mẩn ngứa.
PV: Khi trẻ bị mẩn ngứa thì cần xử trí như thế nào cho đúng, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Hà Thị Quế: Khi trẻ bị mẩn ngứa thì phản ứng của trẻ là gãi và việc đó làm cho tình trạng càng trở nên nặng nề. Do vậy, có thể thực hiện các biện pháp sau:
Tránh xa các yếu tố gây ra tình trạng đó như: Hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng như không ra ngoài trời khi nhiệt độ tăng cao, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống tránh bụi, mặc quần áo thoáng mát, sử dụng quạt, điều hòa làm mát không khí cho trẻ.
Tắm các loại sữa tắm trung tính, kháng khuẩn. Bôi các thuốc có Corticoid hoặc nếu trẻ ngứa nhiều cho uống thuốc giảm ngứa theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để tránh khô da và kích ứng da.
Khi đã tránh mọi tác nhân gây bệnh mà trẻ vẫn bị mẩn ngứa tiến triển thì nên đến các cơ sở y tế khám và nhận được sự tư vấn, kế đơn thuốc của thầy thuốc chuyên khoa Da liễu.

Tình trạng nổi mẩn ngứa ở trẻ nhỏ thường xuất hiện vào mùa nắng nóng

PV: Nổi mẩn ngứa ở trẻ nếu điều trị không đúng cách có thể dẫn đến hậu quả gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Hà Thị Quế: Nhiều bà mẹ khi thấy con bị mẩn ngứa thường dùng thuốc nam để tắm, cho uống thuốc mát gan và bôi các loại  lá cây để làm mát và nhằm xóa sạch tổn thương.
Thực tế, lá cây có các hoạt chất kháng sinh như lá khế, mướp đắng, kim ngân hoa, bồ công anh... là rất tốt nhưng chỉ được dùng ở các tổn thương không bị xây xát. Còn các tổn thương hở thì thường dễ bị nhiễm trùng thứ phát làm cho tình trạng bệnh càng trở nên nặng nề do bội nhiễm. Đây là một cách điều trị không đúng.
Mặt khác người nhà thường tự ý bôi thuốc không đúng bệnh cho trẻ cũng làm cho tổn thương bị nặng lên hoặc có thể chuyển sang thể lâm sàng khác như chàm hóa, viêm da tiếp xúc,…làm cho việc điều trị sau này trở nên khó khăn.
Một biến chứng mọi người cần phải biết và đề phòng, đó là do trẻ gãi, bôi thuốc, tắm không đúng  dẫn đến bị bội nhiễm  tụ cầu, liên cầu da,…Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ từ nhiễm trùng tại chỗ trở thành nhiễm trùng toàn thân và có thể bị viêm cầu thận.
PV: Để phòng ngừa tình trạng bị nổi mẩn ngứa ở trẻ trong thời tiết nắng nóng thì phụ huynh cần thực hiện những biện pháp gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Hà Thị Quế: Để đề phòng việc xuất hiện mẩn ngứa ở trẻ nhỏ vào mùa hè, các bậc phụ huynh nên lưu ý thực hiện các biện pháp sau:
Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể: Cơ thể trẻ nhỏ rất cần nước cho mọi hoạt động, đặc biệt làn da đảm bảo đủ độ ẩm, không bị khô cần uống đủ nước, uống bất cứ lúc nào khi trẻ có nhu cầu.
Sử dụng các loại thực phẩm có tính thanh nhiệt như tăng cường rau, hoa quả, nước ép trái cây,… Nên có chế độ ăn uống hợp lý tránh thực phẩm cay, nóng, kích thích.
Chống nắng đúng cách: Hạn chế ra nắng vào khung giờ cao điểm từ 10 giờ đến 14 giờ, sử dụng các vật dụng tránh nắng như ô, mũ, quần áo chống nắng.
Cân bằng nhiệt độ môi trường: Tắm rửa thường xuyên làm sạch và làm mát cơ thể, dùng quạt, điều hòa, máy phun nước tạo độ ẩm…
Nghỉ ngơi: Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, hạn chế các hoạt động ngoài trời khi có nắng, nóng.
Không nên cởi trần mà mặc cho trẻ quần áo rộng, thoáng mát, chất liệu cotton hút ẩm.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014