Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bảo hiểm y tế giải pháp bền vững cho người nhiễm HIV điều trị lâu dài

Cập nhật: 13/8/2019 | 11:03:08 PM

HIV/AIDS là bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời. Bệnh nhân tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) sẽ khỏe mạnh và có khả năng làm việc nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Trước đây, thuốc ARV được cấp cho người bệnh từ nguồn tài trợ của Dự án nước ngoài. Nhưng từ năm 2019, nguồn tài trợ từ các Dự án nước ngoài bắt đầu cắt giảm nên Chính phủ đã định hướng chuyển dần nhiệm vụ điều trị HIV/AIDS từ các Chương trình, Dự án viện trợ sang Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả. Do đó, tham gia Bảo hiểm Y tế là giải pháp bền vững cho người nhiễm HIV để điều trị lâu dài. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền - Phó khoa Phòng, chống HIVAIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh về vấn đề này.

Bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền, Phó khoa Phòng, chống HIVAIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh tư vấn cho bệnh nhân tham gia BHYT

Phóng viên: Từ ngày 8/3/2019, bệnh nhân nhiễm HIV chính thức được nhận thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế ( BHYT), vậy xin bác sĩ cho biết đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hoạt động này như thế nào?
Bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền: Theo lộ trình từ ngày 8/3/2019 tỉnh Quảng Ninh đã triển khai cấp thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế. Đến nay, 99% bệnh nhân đang điều trị tại Cơ sở điều trị HIV/AIDS người lớn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã được nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT, tỷ lệ này rất cao. Còn tại các Cơ sở điều trị HIV/AIDS khác trên địa bàn tỉnh vẫn cấp thuốc ARV từ nguồn tài trợ cho bệnh nhân. Trong thời gian tới các nguồn tài trợ cắt giảm do đó đến năm 2020 sẽ triển khai cấp thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân điều trị tại các Cơ sở điều trị HIV/AIDS thuộc Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ, Vân Đồn, Tiên Yên và thành phố Móng Cái. Đến năm 2021, toàn bộ các Cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai cấp thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm Y tế.
Phóng viên:  Xin bác sĩ cho biết, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV chưa tham gia BHYT là bao nhiêu? Và theo bác sĩ, rào cản nào khiến người nhiễm HIV vẫn tự bỏ tiền chi trả hoàn toàn các chi phí khám chữa bệnh cũng như điều trị bằng thuốc ARV mà không tham gia BHYT? 
Bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền: Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đến 30/6/2019, tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị tại các Cơ sở điều trị HIV/AIDS có thẻ Bảo hiểm Y tế là: 94,6%. Vẫn còn 5,4% người nhiễm HIV chưa có BHYT. Theo khảo sát của chúng tôi thì nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân sợ tiết lộ danh tính khi tham gia BHYT.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, trung bình chi phí điều trị của một bệnh nhân nhiễm HIV trong 1 năm là bao nhiêu? Và nếu tham gia BHYT thì người bệnh được hỗ trợ chi phí đó sẽ như thế nào?
Bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền: Điều trị HIV/AIDS cũng giống như các bệnh lý khác, ngoài thuốc đặc trị bệnh thì còn có các chi phí khám chữa bệnh đi kèm như công khám, các xét nghiệm theo dõi điều trị, thuốc điều trị các bệnh kèm theo... Do đó, điều trị HIV thông thường sẽ có chi phí khoảng 5 triệu/năm, còn nếu ở phác đồ điều trị cao hơn hoặc bệnh lý kèm theo nặng hơn thì chi phí sẽ lớn, có khi gấp 2-4 lần.
Khi tham gia BHYT người bệnh sẽ được BHYT chi trả phần lớn, người bệnh chỉ cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám, chữa bệnh.
Phóng viên: Người nhiễm HIV thường dễ mắc nhiều bệnh khác nên thường phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị, do đó ngoài được hỗ trợ điều trị thuốc ARV từ nguồn BHYT thì khi tham gia BHYT người nhiễm HIV còn được hưởng những quyền lợi gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền: Người tham gia Bảo hiểm Y tế nhiễm HIV khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả:
Thuốc kháng HIV, các xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS;
Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con;
 Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
 Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng vi rút HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);
Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
Phóng viên: Để tham gia BHYT thì người nhiễm HIV cần thực hiện những thủ tục gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền: Thủ tục tham gia BHYT vô cùng đơn giản: Khi tham gia BHYT, người tham gia có trách nhiệm kê khai đầy đủ, chính xác các thông tin cá nhân phù hợp với sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú theo mẫu đăng ký tham gia BHYT và CMTND, căn cước công dân hoặc các giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh khác.
Phóng viên: Người nhiễm HIV tham gia BHYT và đi khám, chữa bệnh bằng BHYT có bị lộ bí mật thông tin cá nhân không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ CKI Vũ Văn Hiền: Tôi xin khẳng định là không. Vì  trên thẻ BHYT không có thông tin nào về tình trạng bệnh của người tham gia BHYT. Toàn bộ thông tin về tình trạng bệnh của cá nhân người tham gia BHYT và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đều được bảo mật. Đây là quy định chung của Luật khám chữa bệnh. Ngoài ra, vấn đề bảo mật của người nhiễm HIV còn được quy định tại Luật phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, người bệnh HIV hoàn toàn yên tâm rằng cơ quan BHXH và Cơ sở y tế có trách nhiệm trước pháp luật về bảo mật thông tin trong khám chữa bệnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014