Không lạm dụng kháng sinh để hạn chế tình trạng kháng thuốc

Cập nhật: 18/11/2020 | 7:49:36 AM

Vấn đề kháng kháng sinh đang đặt ra thách thức lớn trong điều trị chăm sóc sức khỏe bệnh nhân của ngành Y tế. Nhiều ca bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… đã không được chữa khỏi vì tình trạng kháng kháng sinh của bệnh nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho người mắc. Vậy kháng kháng sinh là gì và làm thế nào để hạn chế tình trạng kháng thuốc, bác sĩ CKI Đào Hồng Ngự - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với bạn đọc về vấn đề này.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, kháng thuốc là gì?
Bs.CKI Đào Hồng Ngự: Kháng thuốc là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại các loại thuốc kháng sinh làm cho thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của chúng được.

Bác sĩ CKI Đào Hồng Ngự - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân điều trị kháng thuốc  tại Bệnh viện

Phóng viên: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh là gì, thưa bác sĩ?
Bs.CKI Đào Hồng Ngự: Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh là kê thuốc kháng sinh không cần thiết và sự tuân thủ điều trị của người bệnh.
Kê thuốc kháng sinh không cần thiết có thể gặp trong trường hợp bác sĩ khám trong điều kiện không đủ phương tiện, không có xét nghiệm cận lâm sàng, không phân biệt được bệnh nhân sốt do vi khuẩn hay vi rút, không  định hướng được chính xác vi khuẩn gây bệnh thuộc nhóm vi khuẩn gì  dẫn đến tình trạng kê kháng sinh không đúng. Hoặc do nhà thuốc tự ý bán thuốc cho bệnh nhân mà không có đơn của bác sĩ.
Sự tuân thủ của người bệnh, người bệnh khi có biểu hiện sốt nhưng không đi khám tại cơ sở y tế mà tự ý đến nhà thuốc hoặc phòng khám tư nhân không đủ phương tiện chẩn đoán đúng là bị nhiễm khuẩn không, có cần dùng kháng sinh điều trị hay không.
Hai nguyên nhân này đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng hiện nay.
Phóng viên: Vấn đề kháng kháng sinh ảnh hưởng như thế nào đến quá trình điều trị của người bệnh, thưa bác sĩ?
Bs.CKI Đào Hồng Ngự: Người bệnh bị kháng kháng sinh sẽ khó khăn hơn trong vấn đề điều trị hoặc bệnh nhân không thể điều trị khỏi dẫn đến tử vong.
Khi có hiện tượng kháng kháng sinh bác sĩ phải nâng liều thuốc kháng sinh có độc tính cao hơn, chi phí cao và thời gian nằm viện của bệnh nhân kéo dài ra.

Phóng viên:  Vậy để phòng kháng kháng sinh nói riêng và kháng thuốc nói chung thì người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc gì khi điều trị bệnh, thưa bác sĩ?
Bs.CKI Đào Hồng Ngự: Với người bệnh điều quan trọng nhất khi cơ thể có biểu hiện sốt tốt nhất nên đến cơ sở khám chữa bệnh có đủ phương tiện chẩn đoán bệnh, để bác sĩ có thể kết luận, kê đơn sử dụng các loại thuốc kháng sinh phù hợp cho bệnh nhân. Chẳng hạn như kháng sinh điều trị cho các bệnh đường hô hấp, tiết liệu, mô mềm… khác nhau.
Không tự ý ra quầy mua thuốc hoặc xin kê đơn thuốc để mua mà không đi khám.
Khi được kê đơn thuốc thì người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đủ liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ; khi thấy bệnh khỏi triệu chứng cũng không được ngừng thuốc quá sớm hoặc tự ý mua thêm thuốc uống khi có dấu hiệu bất thường.
Trường hợp đang uống thuốc điều trị bệnh mà người bệnh dấu hiệu bất thường thì cần phải tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc, tuyệt đối không tự ra quầy thuốc mua các loại thuốc khác về sử dụng.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

(Nguồn: Hải Ninh)

In bản tin