Bệnh táo bón ở trẻ và những sai lầm khi điều trị bệnh

Cập nhật: 21/7/2020 | 6:12:54 PM

Táo bón là bệnh thường gặp ở trẻ. Tuy nhiên, khi điều trị táo bón cho trẻ nhiều phụ huynh vẫn mắc sai lầm lạm dụng thuốc thụt hậu môn, men tiêu hóa, men vi sinh mà không chú ý thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt của trẻ khiến bệnh không được điều trị dứt điểm, thậm chí còn dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Ảnh minh họa

Táo bón là triệu chứng chậm thải phân hay thải phân rắn và khô. Trẻ bị táo bón khi thời gian giữa 2 lần đi ngoài kéo dài  3 ngày. Các dấu hiệu và triệu chứng táo bón ở trẻ em bao gồm: Tần số đi đại tiện ít. Đau khi đi đại tiện. Rặn mới đào thải được phân. Phân cứng khô. Kèm theo chảy máu sau khi đi vệ sinh hoặc máu bao ngoài cục phân. Các triệu chứng khác đi kèm có thể là: Trẻ đi đại tiện nhăn mặt, đau khi khi rặn; són phân không tự ý; đau bụng tái diễn; chán ăn; chậm lớn.
Bác sĩ CKI Đoàn Thị Hạnh - Trường phòng khám đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: “ Nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ thường là táo bón cơ năng hoặc do bệnh lý. 
Táo bón cơ năng do thói quen, tập quán, tâm lý là nguyên nhân thường gặp hơn cả. Do chế độ ăn nhiều bột và đường, thiếu chất xơ hoặc do ăn uống ít nước; trẻ được nuôi bằng sữa bò; trẻ ít vận động. Do ảnh hưởng tâm lý sợ bẩn; rối loạn sâu sắc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái; việc học hành quá  nặng nề  đối với  lứa tuổi đi học cũng gây  nên  tình trạng táo bón; táo  bón  có  thể  xảy  ra  sau  một  chấn  thương  tâm  lý  bởi  những  sự  kiện  của  gia đình như: tang tóc, những thay đổi của gia đình,…
Táo bón do bệnh lý, ruột: phình to đại tràng bẩm sinh, hẹp đại tràng; giả tắc ruột; những  di  chứng  của  phẫu  thuật  đường  tiêu  hóa  ở  giai  đoạn  sơ  sinh (đặc  biệt phẫu  thuật  của  thủng  hậu  môn, biểu  hiện  là  táo  bón  thường  đi  kèm với không kiềm chế được sự bài tiết phân); hẹp hậu môn trực tràng; xoắn ruột. Do thuốc: một số thuốc có thể gây ra táo bón như calcium, sắt, kháng cholinergics,…  Các rối loạn chuyển hóa gây mất nước, hạ kali máu, tăng calci máu; các bệnh lý gây suy giáp; các bệnh về thần kinh: tổn thương não, tổn thương tủy, tâm thần,… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón”

Tác hại của táo bón kéo dài đối với trẻ em

Hậu quả của táo bón gây ra rối loạn thần kinh như cáu kỉnh, dễ tức giận, mệt mỏi, bồn chồn, mất tập trung. Những độc tố do tích tụ vi khuẩn sinh ra vào máu gây nhiễm độc thần kinh, cơ thể dễ nhiễm khuẩn. Phân ứ đọng lại trong trực tràng làm cản trở tuần hoàn lâu dần sinh ra bệnh trĩ, sa trực tràng, nứt hậu môn do rặn nhiều.
Khi điều trị táo bón cho trẻ, nhiều phụ huynh vẫn lạm dụng thuốc mà không thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ khiến trẻ dễ tái phát bệnh và không dứt điểm hoàn toàn được táo bón.
Lạm dụng thuốc thụt hậu môn có thể gây bỏng rát, tổn thương hậu môn và giảm đàn hồi cơ trơn hậu môn do hậu môn trẻ rất nhạy cảm. Viêm hậu môn ở trẻ. Mất phản xạ đi vệ sinh tự nhiên, có thể gây hiện tượng phân són, ị đùn. Lệ thuộc thuốc, thời gian dùng thuốc càng lâu, trẻ táo bón càng lệ thuộc vào thuốc, về sau trẻ phải thụt mới đi được.
Việc sử dụng men vi sinh dài ngày không những không cải thiện được táo bón mà còn có thể dẫn đến tình trạng loạn khuẩn ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra, lạm dụng men tiêu hóa trong mọi trường hợp sẽ làm mất sự điều tiết enzym tự nhiên trong cơ thể, khiến cơ thể lệ thuộc vào men được cung cấp.
Các loại thuốc thụt, thuốc nhuận tràng, kích thích nhu động ruột có tác dụng giúp cải thiện tình trạng táo bón của trẻ nhưng lại không thể dùng lâu dài và không có tác dụng ngăn ngừa táo bón quay trở lại. 
Bác sĩ CKI Đoàn Thị Hạnh khuyến cáo, khi trẻ bị táo bón bố mẹ cần lưu ý: 
Tăng chất xơ: Cung cấp thêm chất xơ cho trẻ thông qua ngũ cốc nguyên cám, hoa quả chín và rau xanh như: cam, quýt, bưởi, chuối, bơ, đu đủ chín, súp lơ, mồng tơi, rau dền... 
Uống đủ nước: Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 - 12 tháng cần uống 600 ml nước/ngày, bao gồm: sữa, nước, nước trái cây,… Trẻ 1 - 3 tuổi cần uống 900 ml nước/ngày. Trẻ 3 - 5 tuổi cần uống 1200 ml nước/ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn từ 1500 - 2000 ml nước/ngày. Nếu trẻ đang bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú mẹ, thay đổi chế độ ăn của mẹ, khuyên mẹ ăn nhiều chất xơ. Đối với nước ép hoa quả, các bà mẹ nên chế biến từ hoa quả tươi chứ không nên mua nước hoa quả ép sẵn đóng hộp.
Đi vệ sinh đúng giờ: Tập cho trẻ đi vệ sinh vào một giờ nhất định trong ngày để hình thành cho cơ thể trẻ phản xạ đi vệ sinh hàng ngày. 
Xoa bụng hàng ngày: Xoa bụng hàng ngày để kích thích nhu động ruột, giúp ruột già đào thải phân dễ dàng hơn. Xoa bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ. Mỗi lần thực hiện kéo dài từ 10 - 15 phút.
Sử dụng dinh dưỡng công thức phù hợp với trẻ: Nếu trẻ đang uống sản phẩm dinh dưỡng công thức, thì sử dụng công thức dễ tiêu hóa và giảm táo bón, đồng thời tuân thủ đúng hướng dẫn pha của nhà sản xuất. Không lạm dụng thức ăn có nhiều đường và chocolate.
Khi thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ trong thời gian từ 1 đến 2 tuần mà tình trạng táo bón của trẻ không cải thiện, các triệu chứng táo bón trở nên nặng nề hơn thì bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, tư vấn và kê đơn thuốc cho trẻ.   
 

(Nguồn: Hải Ninh)

In bản tin