Những điều cần biết về bệnh Alzheimer

Cập nhật: 20/9/2019 | 5:17:03 PM

Alzheimer là bệnh gây mất trí nhớ phổ biến ở nhóm người cao tuổi. Việc điều trị bệnh này vẫn còn hạn chế nên việc phòng ngừa đóng một vai trò quan trọng. Nhân ngày Thế giới phòng, chống bệnh Alzheimer 21/9, Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng khoa bệnh Nghề nghiệp - Người cao tuổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh về một số điều cần biết về bệnh Alzheimer.

PV: Xin chào bác sĩ. Xin bác sĩ cho biết Alzheimer là bệnh gì?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Alzheimer là một bệnh thoái hóa hệ thần kinh trung ương với đặc điểm làm mất các tế bào thần kinh và dẫn đến suy giảm các chức năng tâm thần không hồi phục. Bệnh biểu hiện bằng suy giảm trí nhớ và những rối loạn nhận thức khác, kèm theo thay đổi hành vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp và xã hội của người bệnh. Bệnh tiến triển nặng dần không hồi phục, không phân biệt giới tính và thường gặp ở người cao tuổi.
PV: Xin bác sĩ cho biết các giai đoạn và triệu chứng của bệnh Alzheimer?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Quá trình bệnh lý xảy ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng cá thể. Từ triệu chứng quên đơn giản đến lúc sa sút trí tuệ nặng nề có thể kéo dài 5 năm, nhưng cũng có người đến 10 năm hoặc lâu hơn.
Có thể chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, sa sút trí tuệ nhẹ sẽ có biểu hiện: rối loạn ngôn ngữ, khó khăn trong tìm kiếm ngôn từ chính xác để diễn đạt; hay quên, rối loạn định hướng về thời gian, thị giác, không gian; rối loạn hành vi, mất khả năng thực hiện các động tác thông thường; rối loạn cảm xúc và sự suy giảm khả năng nhận xét đánh giá; loạn thần. Giai đoạn thứ 2, sa sút trí tuệ trung bình, gồm các biểu hiện: rối loạn trí nhớ, mất dần khả năng thu nhận những thông tin mới, rối loạn định hướng và suy giảm khả năng nhận xét, phán đoán, cùng với đó xuất hiện các triệu chứng như: mất  ngôn ngữ, mất nhận biết,... dẫn đến hoang tưởng, nghi kỵ những người xung quanh.Một giai đoạn nữa của bệnh, đó là giai đoạn sa sút trí tuệ nặng. Đây là giai đoạn cuối của diễn biến bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh nhân mất toàn bộ khả năng thực hiện động tác trong các sinh hoạt hàng ngày, do đó bệnh nhân hoàn toàn lệ thuộc vào người khác vì họ không thể tự ăn uống, tiểu tiện, tắm rửa và di chuyển. Bệnh nhân mất trí nhớ gần và xa, không còn nhận biết được người thân trong gia đình. Do mất khả năng đi lại nên bệnh nhân nằm liệt giường, tăng nguy cơ thiếu dinh dưỡng và nguy cơ viêm phổi do sặc vì mất các cử động mang tính phản xạ như nhai, nuốt. Các biến chứng của giai đoạn cuối là kiệt nước, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi do nuốt lạc đường và loét do nằm. 
PV: Theo bác sĩ, đâu là nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Với những tiến bộ về y học, các nhà khoa học đã đi đến một kết luận: Alzheimer là một bệnh thoái hoá hệ thần kinh trung ương rối loạn rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân gây ra, không đồng nhất về di truyền. Cơ chế sinh bệnh không hoàn toàn giống nhau giữa các bệnh nhân.Những yếu tố nguy cơ mắc bệnh Alzheimer có thể kể đến như: Thứ nhất, các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh Alzheimer liên quan đến một số bệnh như huyết áp, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim, tăng lipid máu,... Huyết áp cao ở tuổi trung niên hoặc tăng Cholesterol máu, các bệnh về tim mạch, đặc biệt những người có bệnh mạch ngoại vi sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sa sút trí tuệ, trong đó có bệnh Alzheimer. Thứ hai, uống rượu, hút thuốc lá và chế độ ăn nhiều mỡ bão hoà là những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh Alzheimer. Thứ ba, một số yếu tố về tâm lý xã hội và lối sống cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như: tuổi, giới, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mắc bệnh. Trong đó, tuổi là yếu tố nguy cơ lớn nhất, thường bắt đầu từ tuổi 65 nhưng đôi khi cũng thấy ở bệnh nhân dưới 40 tuổi, tuổi trung bình của bệnh là 80, tỷ lệ bệnh khoảng 1- 2% ở tuổi 65, sau mỗi năm năm có gấp đôi số ca bị Alzheimer. Ngoài ra các yếu tố sau đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh như: gen di truyền, sự suy giảm hormon sinh dục nữ, thiếu hụt vitamin nhóm B, trầm cảm, chấn thương đầu, những người mắc hội chứng Down,…

Tăng cường vận động, tập luyện giúp ngăn ngừa bệnh alzheimer (Ảnh - BVPHCN)

PV: Người mắc bệnh Alzheimer cần được chăm sóc như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs Đỗ Thị Thu Hà:Cho đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị dứt điểm Alzheiner và cũng chưa có biện pháp hữu hiệu nào nhằm ngăn chặn sự xuất hiện hoặc ngăn chặn sự tiến triển bệnh một cách hữu hiệu nhất. Vì vậy, việc dùng thuốc để hỗ trợ cũng như sự chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế và tại gia đình là hết sức quan trọng.
Thứ nhất, cần rèn luyện trí nhớ cho bệnh nhân. Với những người bị bệnh Alzheimer ở giai đoạn đầu, nghĩa là họ vẫn còn nhận thức và thỉnh thoảng mới quên, đãng trí thì người thân nên viết ra một danh sách những công việc họ phải làm mỗi ngày. Ví dụ như buổi sáng ngủ dậy phải đánh răng, thay quần áo, dọn giường ngủ, uống nước vào giờ nào,… Đặc biệt là việc ghi nhớ số điện thoại của 2 - 3 người thân nhất. Việc làm này ít nhiều sẽ giúp bệnh nhân duy trì được trí nhớ lâu hơn, những thói quen thường xuyên mỗi ngày sẽ ăn sâu vào tiềm thức của họ.
Thứ hai, cần tạo cho bệnh nhân Alzheimer một môi trường sống thoải mái, an toàn. Trong phòng không nên bố trí quá nhiều đồ vật, nên để thông thoáng, tránh trưng bày những đồ dễ vỡ, ổ điện, vũ khí, vật sắc nhọn,… để giảm thiểu sự cố không mong muốn. Hạn chế tối đa những tiếng ồn để bệnh nhân không bị kích động về tâm lí.
Thứ ba, luôn theo sát bệnh nhân. Do phần lớn bệnh nhân Alzheimer đều hay quên và mất trí, vì thế người thân cần quan sát và quản lí chặt chẽ, tránh để họ đi lang thang một mình. Với những trường hợp đặc biệt, nên ghi bảng tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ vào mảnh giấy và để trong túi quần, áo hoặc đeo trực tiếp lên cổ, tay của bệnh nhân. Như vậy khi đi lạc, những người xung quanh có thể trợ giúp và đưa người bệnh trở về nhà an toàn.
Thứ tư, tăng cường giao tiếp với người bệnh. Người bệnh Alzheimer cần được giao tiếp, trò chuyện để họ cảm thấy được quan tâm. Khi nói chuyện nên đứng gần họ, nắm tay, mỉm cười và nhìn vào ánh mắt của họ. Nên nói chậm rãi, sử dụng những câu đơn giản và tuyệt đối không thúc giục họ trả lời cũng như không được nổi nóng.
Thứ năm, hỗ trợ vận động. Nên hướng dẫn cho bệnh nhân Alzheimer những bài tập đơn giản như nắm tay họ đi dạo, vận động tay, chân để tăng cường sự khỏe mạnh, sức chịu đựng và giúp họ duy trì khả năng vận động.
PV: Xin bác sĩ cho biết làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Alzheimer là bệnh thoái hóa não, khiến người bệnh mất trí nhớ không phục hồi. Bởi vậy, ngăn ngừa bệnh là vấn đề vô cùng quan trọng. Để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, cần có chế độ dinh dưỡng đảm bảo, ăn nhiều trái cây, rau củ và các loại hạt, uống nước ép rau quả đảm bảo lượng axit béo Omega 3. Cần duy trì cân nặng hợp lý, tránh xa rượu, bia và thuốc lá.Tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh mà còn giúp ngăn ngừa một số bệnh do tuổi tác. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, hoạt động thể chất giúp tăng cường sức chịu đựng của tế bào, ngăn ngừa quá trình lão hóa tế bào thần kinh và cải thiện trí nhớ. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện các hoạt động kích thích não bộ như đọc sách, giải câu đố,... cũng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh bệnh Alzheimer hiệu quả, bởi những hành động này đều rất tốt cho các tế bào não và trí nhớ. Ngoài ra, còn một số yếu tố như: giảm căng thẳng, lo âu, ngủ đủ giấc,... cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh alzheimer.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ vì những chia sẻ rất hữu ích.
 

(Nguồn: Thu Giang)

In bản tin