Sở Y tế Quảng Ninh: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hiến, lấy, ghép tạng

Cập nhật: 23/8/2019 | 2:03:00 PM

Ngày 23/8/2019, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hiến, lấy, ghép tạng cho cácbác sĩ, điều dưỡng cho khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Ngoại, Chấn thương thuộc các đơn vị y tế trong toàn tỉnh.

Các đại biểu và học viên tham dự chương trình đào tạo

Tham dự chương trình đào tạo có Giáo sư - Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh.
Thời gian qua, hoạt động hiến tặng mô tạng tại Việt Nam đạt được những thành tựu nhất định, khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của nền y học nước ta. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện được ca ghép phổi từ người cho chết não bởi các chuyên gia Việt Nam. Mới đây, lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện ghép gan từ người chết não cho hai người bệnh suy gan và ung thư gan. Một trong những thành tựu được coi là “đặc biệt” của ngành ghép tạng Việt Nam là thực hiện điều phối ghép tạng quốc gia bằng vận chuyển hàng không dân dụng, nhờ đó đã thực hiện nhiều ca ghép tạng xuyên Việt thành công.
Theo báo cáo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tổng số ca ghép tạng trong cả nước tính đến tháng 8/2019 là hơn 4.200 ca, trong đó ghép thận là gần 4,000 trường hợp, ghép tủy gần 600 trường hợp, còn lại là ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác. Riêng năm 2019, tổng số ca ghép tạng là 521 ca. Số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não tính đến hết năm 2018 là gần 20,000 trường hợp.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết: Hiện nay nhu cầu về ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày càng tăng. Tại Quảng Ninh, hiện có khoảng 550 người bệnh đang phải sử dụng các biện pháp điều trị thay thế thận. Tuy nhiên, số lượng người được điều trị bằng phương pháp ghép mô, bộ phận cơ thể người chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số người đang chống chọi với căn bệnh suy mô, suy tạng này. Đồng chí nhấn mạnh: Chương trình đào tạo là cơ hội để cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh trang bị kiến thứcvề hoạt động hiến, ghép tạng, góp phần vào việc thúc đẩy hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người trên toàn quốc.

Gs.Ts Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người  trình bày về thực trạng ghép tạng tại Việt Nam 

Hội nghị được Gs.Ts Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các chuyên gia đầu ngành truyền đạt những kiến thức về ghép tạng, chết não và những vấn đề liên quan, phổ biến phần mềm quản lý và điều phối ghép tạng Quốc gia và hệ thống đăng ký hiến tặng mô tạng Việt Nam. 
Thông qua Chương trình đào tạo, Gs.Ts Trịnh Hồng Sơn mong muốn Quảng Ninh sẽ xây dựng Trung tâm ghép tạng, kết nối với phần mềm quản lý và điều phối ghép tạng Quốc gia đểquản lý và điều phối tạng.

(Nguồn: Mạnh Hùng - Thu Giang)

In bản tin