Lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân

Cập nhật: 5/8/2019 | 6:55:57 PM

Mặc dù không phải là tỉnh được Bộ Y tế chỉ đạo thí điểm về lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân, nhưng từ năm 2017, ngành Y tế tỉnh đã triển khai lập hồ sơ sức khoẻ điện tử của từng người dân tại tất cả 186 trạm y tế cấp xã, 23 trung tâm y tế tuyến huyện, 9 bệnh viện tuyến tỉnh. Cho đến nay, hơn 90% người dân trong tỉnh (trên 1 triệu người) đã có hồ sơ sức khoẻ điện tử.

Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Bình Khê, TX Đông Triều đang cập nhật thông tin người bệnh vào phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.
Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Bình Khê (TX Đông Triều) cập nhật thông tin người bệnh vào phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.

Ông Hà Huy Phất (thôn Bắc Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều) cho biết: “Trước kia cứ mỗi lần đi khám bệnh là tôi lại phải trả lời bác sĩ về tiền sử bệnh của mình. Kể từ ngày được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, tôi đi khám bệnh mà không phải mất thời gian cho việc này. Đồng thời được các bác sĩ khám, tư vấn kịp thời, không phải sử dụng thuốc nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Bác sĩ Vũ Thị Thu Thủy, Phó trưởng Trạm Y tế xã Bình Khê (TX Đông Triều), cho biết: Bình Khê hiện có trên 10.000 dân. Khi cập nhật thông tin sức khỏe của người dân xã, chúng tôi đã phân công rõ công việc. Cụ thể, cán bộ dân số, nhân viên y tế thôn, bản tham gia lập hồ sơ phần hành chính, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi ở hiện nay, chứng minh thư, số thẻ BHYT...; nhân viên Trạm Y tế chịu trách nhiệm thăm khám và ghi nhận các dữ liệu về sức khoẻ. Qua phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, chúng tôi có thể nắm rõ thông tin sức khỏe của người dân trên địa bàn. Từ đó chủ động lên kế hoạch và triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ngành Y tế tỉnh tận dụng tất cả dữ liệu y tế của người dân có sẵn qua các đợt khám sức khoẻ ở trường học, các đoàn khám, chữa bệnh lưu động, từ thiện. Các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh cũng triển khai nhiều phần mềm, như quản lý HIV, quản lý Methadone, quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý tiêm chủng,... đều được liên thông sang hồ sơ sức khỏe điện tử.

99
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh chụp cắt lớp vi tính Revolution CT 512 lát cho người bệnh.

Khi có hồ sơ sức khỏe cá nhân, hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực đối với ngành Y tế. Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh thông suốt các tuyến và được cập nhật, bổ sung thường xuyên, giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Cũng nhờ có nguồn dữ liệu quản lý sức khoẻ người dân đã giúp ngành Y tế tỉnh dự đoán chính xác xu hướng bệnh tật của nhân dân, có các giải pháp can thiệp, giúp dự phòng bệnh tật, giảm gánh nặng do bệnh tật gây ra. 

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định: Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân chỉ có ý nghĩa khi các thông tin về tiền sử bệnh tật của người dân được cập nhật thường xuyên, liên tục và được kết nối liên thông giữa các tuyến. Do đó, thời gian tới, ngoài việc kiện toàn phần mềm để liên thông giữa các tuyến, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo nhân viên y tế tăng cường việc cập nhập liên tục thông tin về tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành và doanh nghiệp để triển khai hiệu quả phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin