Ung thư cổ tử cung và biện pháp phòng bệnh

Cập nhật: 1/8/2019 | 3:16:27 PM

Ung thư cổ tử cung là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng và kiểm soát được bằng cách khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các tổn thương tiền ung thư. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều phụ nữ mắc căn bệnh nguy hiểm này do không đi khám phụ khoa định kỳ nên khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng, rất khó khăn trong quá trình điều trị. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

Phóng viên: Xin Bác sĩ cho biết, bệnh ung thư cổ tử cung là gì? Và những ai có thể mắc bệnh này?
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát ( biểu mô vảy ) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ độ tuổi từ 30 trở đi, đứng hàng thứ 2 trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện Hoành Bồ tổ chức khám, phát hiện nhiễm khuẩn đường sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho chị em phụ nữ

Phóng viên: Vậy nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là gì, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là người bệnh bị nhiễm một hoặc nhiều tuýp HPV( Human Papillomavirus - virus gây u nhú ở người) nguy cơ cao đã được khẳng định là nguyên  nhân tiên phát của ung thư cổ tử cung. HPV là tác nhân truyền qua đường sinh dục. Đến nay, khoảng 150 tuýp HPV đã được phát hiện được, trong đó có 30 tuýp có ái tính với đường sinh dục. HPV sinh dục được chia thành 2 nhóm: Nhóm nguy cơ thấp ( thường gặp là tuýp 6 và 11) gây nên bệnh sùi mào gà (Condyloma sinh dục) và nhóm nguy cơ cao( có tuýp 14, 16, 18, 31, 33, 45) gây ra các tổn thương như: Tân sinh nội biểu mô cổ tử cung (CIN) hoặc ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn,dương vật…
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh ung thư cổ tử cung: Quan hệ tình dục sớm; Quan hệ tình dục với nhiều người; Sinh nhiều con; Vệ sinh sinh dục không đúng cách; Viêm cổ tử cung mãn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; Điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp; Hút thuốc lá, đái tháo đường, sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết kéo dài mà không được kiểm tra định kỳ hàng năm, suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV)…
Phóng viên: Khi bị mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì người bệnh có những biểu hiện gì, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Diễn biến của bệnh ung thư cổ tử cung rất thầm lặng, khi người mắc có những triệu chứng lâm sàng thì bệnh đã trở nên rất nặng. Những triệu chứng thường gặp như: Ra máu âm đạo tự nhiên hay sau giao hợp hoặc là sau khi thăm khám lâm sàng do chạm vào, làm sang chấn đến tổn thương cổ tử cung gây chảy máu; Ra khí hư nhiều, lẫn máu hoặc mủ, mùi hôi; Cảm giác đau hiếm gặp ở giai đoạn đầu, khi tổn thương ung thư đã di căn đến các tạng xung quanh sẽ làm cho bệnh nhân thấy đau.

Tiêm vắc xin phòng nhiễm HPV là biện pháp phòng, tránh bệnh Ung thư cổ tử cung hiệu quả

Phóng viên: Như những thông tin Bác sĩ vừa chia sẻ thì bệnh ung thư cổ tử cung rất nguy hiểm và có diễn biến thầm lặng, vậy chị em phụ nữ cần làm gì để phát hiện sớm bệnh cũng như phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này? 
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh: Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm nhưng có thể làm giảm tử vong và gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do khoảng thời gian hình thành và tồn tại tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung tương đối dài, yếu tố nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đã được xác định, mặt khác cổ tử cung là bộ phận có thể tiếp cận trực tiếp để quan sát, thăm khám, lấy bệnh phẩm và thực hiện các can thiệp điều trị nên đại đa số các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được dự phòng và kiểm soát bằng cách sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các thương tổn tiền ung thư.
Dự phòng cấp 1: Truyền thông trong cộng đồng để mọi người hiểu biết về bệnh ung thư cổ tử cung, chủ động phòng, tránh những yếu tố nguy cơ  gây bệnh, đồng thời biết những dấu hiệu sớm của bệnh để dự phòng.
Không sinh hoạt tình dục trong độ tuổi vị thành niên vì quan hệ tình dục sớm làm tăng khả năng viêm nhiễm HPV do cổ tử cung chưa phát triển hoàn toàn, lớp biểu mô chưa trưởng thành nên vi rút sẽ dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Không sinh hoạt tình dục với nhiều người để tránh lây nhiễm những bệnh lây truyền qua đường tình dục đặc biệt là những bệnh có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung như virus HPV, virus Herpes.
Không sinh đẻ nhiều hoặc nạo hút thai nhiều lần vì mang thai nhiều lần, đẻ nhiều sẽ làm tăng  nguy cơ gây tổn thương nội biểu mô và ung thư cổ tử cung do những tác động cơ học, chấn thương, viêm nhiễm trong quá trình sinh đẻ, nạo hút thai.
 Tiêm vắc xin phòng nhiễm HPV là biện pháp dự phòng hiệu quả nhưng vẫn cần sàng lọc tổn thương cổ tử cung.
Vệ sinh phụ nữ, vệ sinh kinh nguyệt, tình dục, thai nghén, sinh đẻ, để hạn chế viêm đường sinh dục.
Dự phòng cấp 2: Sàng lọc phát hiện các tổn thương tân sản nội biểu mô cổ tử cung và xử trí phù hợp.
Các phương pháp hiện được dùng trong sàng lọc các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung bao gồm: Xét nghiệm tế bào cổ tử cung; Quan sát cổ tử cung với dung dịch Acid axetic hoặc dung dịch Lugol; Xét nghiệm HPV.
Sau khi phát hiện và chẩn đoán, có thể điều trị tiền ung thư bằng một trong những phương pháp như: Nhóm phương pháp cắt bỏ: khoét chóp bằng dao, dao điện, laser, leep;  Nhóm phương pháp phá hủy: Áp lạnh, đốt điện, hóa hơi bằng laser.
Dự phòng cấp 3: Phát hiện các trường hợp ung thư xâm lấn ở giai đoạn sớm và điều trị tại các cơ sở có đủ điều kiện. Điều trị ung thư giai đoạn tiến xa và chăm sóc giảm nhẹ là các thành tố không thể thiếu trong dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung.
Chị em phụ nữ cần chú ý phòng, tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh ung thư cổ tử cung bằng cách thực hiện các biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh phụ nữ; Không quan hệ tình dục sớm, không có nhiều bạn tình, sinh ít con; Tiêm vắc xin HPV cho đối tượng nữ từ  9 đến 26 tuổi theo đúng liệu trình; Khám phụ khoa định kỳ, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc: tế bào cổ tử cung, quan sát cổ tử cung bằng acid axetic 2 năm 1 lần, hoặc xét nghiệm HPV 5 năm 1 lần; Đến cơ sở chuyên khoa để khám khi có dấu hiệu bất thường như: ra máu sau giao hợp, khí hư bất thường.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
 

(Nguồn: Hải Ninh)

In bản tin