Dị vật đường ăn: Phòng tránh và xử trí thế nào cho đúng?

Cập nhật: 12/4/2019 | 4:02:50 PM

Dị vật đường ăn là một cấp cứu phổ biến của chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Trường hợp bệnh nhân nuốt viên thuốc còn nguyên vỏ được các Bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh xử trí kịp thời


Nhập viện vì hóc dị vật đường ăn
Tuần đầu tháng 4/2019, Khoa Tai – Mũi -Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân vào viện vì hóc dị vật. Một trường hợp bệnh nhân nam bị hóc xương mang cá, nhập viện trong tình trạng nuốt đau, không ăn uống được. Qua thăm khám, các bác sĩ đã gây mê gắp ra mảnh xương dài khoảng 2,5cm rộng 0,7cm.Trường hợp còn lại là một bệnh nhân 84 tuổi, do sơ ý khi uống thuốc đã nuốt viên thuốc còn nguyên vỏ, được chuyển xuống phòng mổ, gây mê và thực hiện thủ thuật gắp thành công dị vật ra ngoài.
Nhận biết và xử trí dị vật đường ăn
Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Thành Khoa, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Dị vật đường ăn có 2 triệu chứng thường gặp là nuốt đau và nuốt vướng. Hai triệu chứng này thường song hành cùng nhau, tuy nhiên có một số trường hợp triệu chứng không điển hình và người bệnh thường hay bỏ qua, như một số bệnh nhân gặp dị vật trơn nhẵn triệu chứng đau và vướng sẽ ít hơn.Với những dị vật nằm ở vùng họng miệng, thường không nguy hiểm, bệnh nhân chỉ có triệu chứng đau, buốt và có thể có những áp xe nhỏ. Đối với những trường hợp dị vật nằm sâu trong thực quản nếu không can thiệp có thể có biến chứng nặng gây nhiễm trùng, áp xe lan vào những cơ quan quan trọng đe dọa tính mạng người bệnh. 
Khi bị dị vật đường ăn, nhiều người có thói quen dùng tay móc họng hoặc cố ăn để dị vật có thể trôi đi. Tuy nhiên, theo Bác sĩ Vũ Thành Khoa, điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ra các biến chứng. Bác sĩ Vũ Thành Khoa khuyến cáo, khi hóc dị vật tuyệt đối không nên dùng mẹo để chữa mà cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, xử trí kịp thời. Với dị vật ở họng miệng, các bác sĩ nội soi bằng ống cứng và lấy dị vật rất đơn giản, nhanh chóng. Với những trường hợp bệnh nhân hóc sâu hơn, dị vật rơi vào thực quảnđến dạ dày, bệnh nhân sẽ được nội soi ống mềm hoặc nội soi ống cứng để lấy dị vật ra tùy theo tính chất của dị vật.
Phòng tránh dị vật đường ăn
Rất nhiều trường hợp trẻ em và người lớn bị hóc dị vật như: xương (cá, gà, lợn…), các loại hạt, thuốc còn vỏ… Dị vật lớn và mắc sâu xuống thực quản nếu không can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì thế, để phòng tránh dị vật đường ăn, cần chú ý loại bỏ hết xương khi chế biến thức ăn cho trẻ. Cho trẻ ngồi đúng tư thế khi ăn; không nên trêu đùa khiến trẻ cười, dễ gây sặc và hóc dị vật; không ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc. Bên cạnh đó, không nên cho trẻ em chơi hoặc để gần trẻ những vật có thể nuốt được như đồng xu, huy hiệu, kim băng…

Đối với người lớn, khi ăn cần phải tập trung, không nên ăn vội vàng, nhai chưa kỹ đã vội nuốt. Mặt khác, việc vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa cũng làm gia tăng nguy cơ bị hóc dị vật. Với những người cao tuổi, người có bệnh lý cần hạn chế các loại thức ăn cứng, khó nhai, nuốt để tránh hóc dị vật.Bác sĩ Vũ Thành Khoa, Trưởng Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh lưu ý.

(Nguồn: Thu Giang)

In bản tin