Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Sử dụng muối i-ốt hàng ngày vì sức khỏe và trí tuệ của thế hệ tương lai

Cập nhật: 31/10/2018 | 10:37:07 AM

Muối i-ốt là muối thường nhưng được trộn thêm chất i-ốt với một lượng nhất định. I-ốt là một vi chất dinh dưỡng đặc biệt cần thiết cho sức khỏe của con người và không thể thiếu được trong quá trình phát triển của con người ngay từ khi còn trong bào thai cho đến suốt cuộc đời.

Hệ lụy do thiếu I ốt
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 1993 có tới 94% dân số nước ta nằm trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 - 12 tuổi là 22,4%. Vì thế, từ năm 1994, Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt đã được triển khai thực hiện. Đến năm 2005, nước ta đã trở thành một trong những nước đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng rối loạn do thiếu hụt i-ốt với hơn 90% hộ gia đình đã được sử dụng muối i-ốt đầy đủ trong giai đoạn 2005 - 2006; tỷ lệ mắc mới bướu cổ ở trẻ em trong độ tuổi đi học thấp hơn ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới 5%. 
Tuy nhiên, những kết quả này đã không được duy trì kể từ khi Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt ra khỏi Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế vào năm 2005. Theo kết quả điều tra trẻ em 8 - 10 tuổi toàn quốc năm 2014, tỷ lệ bướu cổ đối với trẻ em độ tuổi này đã lên tới 9,8%; mức i-ốt niệu trung vị của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm còn 7,5mcg/dl, mức cảnh báo nguy cơ phát triển không đầy đủ của trẻ sơ sinh…
Tại tỉnh Quảng Ninh, thực trạng sử dụng muối i-ốt của người dân cũng giảm nhiều so với giai đoạn Chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt triển khai trên địa bàn tỉnh ( năm 1995-2005). Theo số liệu tổng hợp 9 tháng đầu năm 2018 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ hộ dân dùng muối i-ốt chỉ trên 50% (trong khi tiêu chuẩn phòng bệnh hiện nay là trên 65%), tỷ lệ này giảm rất nhiều so với năm 2006 của tỉnh là 95%. 
Bác sĩ Trần Minh Thái – Khoa kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tỷ lệ bướu cổ của trẻ em từ 8 đến 10 tuổi trên địa bàn tỉnh cũng có chiều hướng tăng: Năm 2005 sau khi triển khai Chương trình tỷ lệ này giảm còn 2,65% và tỉnh được công nhận là đã thanh toán bệnh bướu cổ; đến năm 2015 đã tăng lên là 4,79%, tỷ lệ này tuy vẫn thấp hơn ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (5%) nhưng cũng là cảnh báo về tình trạng các bệnh rối loạn do thiếu hụt i-ốt trong đó có bướu cổ có nguy cơ quay trở lại”.
Thực phẩm giàu I ốt
Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 10gam muối/ngày, trong đó lượng i-ốt cần cung cấp là 100-150 mcg i-ốt/ngày. Nhu cầu i-ốt thay đổi theo lứa tuổi, giai đoạn phát triển: Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi cần 40 mcg, từ 7 đến 12 tháng tuổi cần 50 mcg, từ 1 đến 3 tuổi cần 70 mcg, từ 4 đến 9 tuổi cần 120 mcg, từ 10 đến 13 tuổi cần 140 mcg, từ 14 tuổi trở lên cần 150 mcg, phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần 200 mcg.
Đối với người lớn, i-ốt giúp điều hòa thân nhiệt cơ thể. Thiếu i-ốt dẫn đến tình trạng thân nhiệt giảm, cảm thấy người lạnh trong khi nhiệt độ ngoài trời vẫn cao. I-ốt hỗ trợ chuyển hóa chất dinh dưỡng, năng lượng, điều phối oxy cho các tế bào, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Tuyến giáp nếu không được bổ sung đầy đủ i-ốt sẽ phình to lên, gây ra bệnh bướu cổ. Ngoài ra, i-ốt còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Đối với phụ nữ mang thai, i-ốt ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi, nhất là trong giai đoạn từ 3 đến 5 tháng tuổi. Thiếu hụt i-ốt gây chậm phát triển trí não của thai nhi, trẻ sinh ra có thể bị đần độn, thiểu năng trí tuệ. Tuyến giáp suy yếu khi không được bổ sung đầy đủ i-ốt có thể khiến thai phụ sảy thai, sinh non, tiền sản giật,…
Đối với trẻ em, trẻ đang trong thời kỳ phát triển não bộ nếu thiếu i-ốt dễ dẫn đến trí tuệ kém phát triển. Thiếu i-ốt kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ của trẻ và không khắc phục được. I-ốt còn ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển xương, giới tính của trẻ. Trẻ thiếu i-ốt khiến cơ thể kém phát triển cả về thể trạng và sinh lý trong giai đoạn dậy thì.
Bác sĩ Trần Minh Thái khuyến cáo: “Để phòng ngừa các bệnh rối loạn do thiếu hụt i-ốt, người dân cần bổ sung các thực phẩm giàu i-ốt trong bữa ăn như: tôm, cua, sò, rong biển, sữa, trứng… và đặc biệt là sử dụng muối i-ốt hoặc bột canh i-ốt hàng ngày thay cho muối trắng thường. Khi thấy có bướu cổ hay các biểu hiện như dấu hiệu ngoài da, tóc, móng tay, móng chân dễ gãy thì cần đến cơ sở y tế, chuyên khoa nội tiết để thăm khám và làm các xét nghiệm về chức năng tuyến giáp”.
Sử dụng muối I ốt hằng ngày để phòng tránh các rối loạn do thiếu I ốt
Hưởng ứng Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt (2/11), vì sức khỏe và trí tuệ của thế hệ tương lai, mỗi người dân cần quan tâm sử dụng muối i-ốt hàng ngày để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần duy trì thành quả của Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng.

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014