Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Giao lưu trực tuyến phòng chống dịch cúm gia cầm và chủng cúm mới H7N9

Cập nhật: 16/4/2013 | 10:42:44 AM

Ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh và bác sỹ Ninh Văn Chủ - GĐ TT Y tế dự phòng Quảng Ninh đã có mặt tại Đài PTTH Quảng Ninh để trả lời các câu hỏi giao lưu trực tuyến của độc giả gửi tới.

IMG_4339.jpg
Các khách mời có mặt tại Đài PTTH Quảng Ninh để trả lời câu hỏi của độc giả
Diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm khiến dư luận đặc biệt lo ngại.
 
Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện đang được triển khai như thế nào? Cần áp dụng các biện pháp nào để phòng chống dịch cúm gia cầm, ngăn ngừa chủng cúm mới H7N9, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Rất nhiều câu hỏi của độc giả quan tâm đến tình hình dịch cúm đã được gửi tới các khách mời.
IMG_4345.jpg
 Ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh trả lời câu hỏi của độc giả
IMG_4349.jpg
Nhiều câu hỏi của độc giả quan tâm đến cách phòng chống cúm AH7N9 được gửi tới BS Ninh Văn Chủ, GĐ TT Y tế dự phòng Quảng Ninh
QTV.VN
.

NỘI DUNG GIAO LƯU

Cập nhật lần cuối lúc: 16/4/2013 10:40:13
Võ Hạ Uyên, Cẩm Phả
Xin bác sỹ cho biết những đối tượng nào dễ bị nhiễm cúm H7N9 nhất ạ. Em có bệnh viêm mũi mãn tính, có dễ bị nhiễm bệnh không. Phải phòng chống như thế nào?
Ông Ninh Văn Chủ
 Cúm A(H7N9) lây nhiễm qua đường hô hấp, qua niêm mạc, tuy nhiên khi tiếp xúc với Vi rút Cúm A(H7N9) qua chế biến không hợp vệ sinh, chăn nuôi, rất có thể bị nhiễm qua vết xước trên da, qua miệng, qua hít phải các hạt nhỏ chứa VR Cúm A(H7N9).
Những người có sức đề kháng thấp như người già, trẻ em, phụ nữ có thai khi tiếp xúc với VR Cúm A(H7N9) . Nhưng người tiếp xúc gần như chăn nuôi, vận chuyển, chế biến nếu không có các biện pháp phòng vệ rất có thể là những người nhiễm đầu tiên.
Việc em bị viêm mũi đấy cũng là điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của VR Cúm A(H7N9) vào cơ thể. Muốn phòng tránh chúng ta cần thực hiện tốt 5 thông điệp của Bộ Y tế. Bản thân phải tăng cường sức đề kháng, tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh, thực hiện ăn uống hợp vệ sinh, sử dụng các biện pháp phòng vệ như sử dụng khẩu trang đúng cách….

.
Ngô Duy Vũ, Hạ Long
Thưa ông, hiện nay ở các vùng nông thôn Quảng Ninh, tình hình dịch diễn biến thế nào ạ?
Ông Đoàn Duy Ái
Đến thời điểm  hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 địa phương là TX Quảng Yên và huyện Đông Triều. Trong đó, Quảng Yên có 3 hộ và Đông Triều có 4 hộ, số ốm chết là 1186 con và số buộc phải tiêu hủy là 7414 con. Cho đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm mới.
.
Vũ Linh, Hoành Bồ
Ông có thể cho biết mức độ nguy hiểm của chủng cúm mới H7N9? Bệnh có nguy cơ lây từ người sang người không và hiện nay đã có vacxin để phòng tránh bệnh này chưa?
Ông Ninh Văn Chủ
Cúm A(H7N9) rất nguy hiểm theo số liệu mới nhất tỷ lệ tử vong khoảng 30-40%, điều đặc biệt là khi mắc Cúm A(H7N9) nó có nhiều khả năng làm suy đa phủ tạng và phá hủy các phủ tạng trong cơ thể gây tử vong.
Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng là Cúm A(H7N9) lây từ người sang người.
Hiện nay vẫn chưa có VX phòng bệnh này nhưng chắc chẵn sẽ có trong thời gian gần, khi có chủng virut này ở VN cũng sẽ tiến hành sản xuất VX phòng Cúm A(H7N9) trên người và trên gia cầm.


.
Bùi Thanh Tuyền, Móng Cái
Thưa bác sỹ, em đang có bầu, nhưng trước đó đã tiêm phòng đầy đủ trong đó có cả tiêm phòng cảm cúm vậy có sợ lây cúm H7N9 này nữa không ạ?
Ông Ninh Văn Chủ
Đang mang bầu là một trạng thái cơ thể có sức đề kháng kém. Rất có thể là cơ hội để Cúm A(H7N9) xâm nhập vào cơ thể
Vì chưa có loại vac xin cho Cúm A(H7N9), chị đã tiêm vac xin cúm trước đây thì không có khả năng phòng phòng được bệnh Cúm A(H7N9).

.
Trần Duy Hải, Móng Cái
Xin hỏi ông Đoàn Duy Ái, trước tình hình H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc, Chi cục thú y đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh lập chốt kiểm dịch hay chưa?
Ông Đoàn Duy Ái
Hiện nay tại các cửa khẩu biên giới của Quảng Ninh đã có các trạm kiểm dịch động vật để kiểm tra việc nhập lậu gia cầm vào địa bàn của tỉnh. Về việc thành lập các chốt kiểm dịch nội địa: theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quảng Ninh không được thành lập trạm kiểm dịch nội địa mà chỉ khi nào địa phương có dịch xảy ra mới được tỉnh ra quyết định thành lập các chốt kiểm dịch. Thực tế trong nhiều năm qua, khi tỉnh có dịch, UBND tỉnh đều ra quyết định thành lập các chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc gia cầm từ các địa bàn có dịch vào địa bàn tỉnh cũng như giữa các địa bàn có dịch sang các địa bàn chưa có dịch của tỉnh.
.
Hoàng Thu Quyên, Đầm Hà
Tại các cửa khẩu của Quảng Ninh đã triển khai máy đo thân nhiệt để kiểm tra, phòng dịch từ những khách qua cửa khẩu chưa. Vì tôi thấy ở Trung Quốc đã có nhiều người tử vong vì cúm H7N9. Liệu có thể dẫn đến lây lan dịch từ khách du lịch qua cửa khẩu không?
Ông Ninh Văn Chủ
Hiện tại ở TQ có nhiều ca mắc và tử vong do bệnh Cúm A(H7N9) trong các hoạt động phòng chống Cúm A(H7N9) tại Quảng Ninh thì tại các cửa khẩu có đặt máy đo thân nhiệt để phát hiện khách nhập cảnh vào Việt Nam có thân nhiệt cao để có thể phát hiện các ca bệnh và cách ly khi cần thiết. Hiện nay WHO vẫn chưa khuyến cáo hạn chế đi lại và nhập cảnh với người nhiễm Cúm A(H7N9). Đến nay thi vẫn chưa thấy Cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng do Vi rút Cúm A(H7N9) có tính biến đổi nhanh và rất có thể sẽ lây từ người sang người sau khi có đột biến gen, sau khi dịch bùng phát một thời gian. 
.
Trần Thụ, Hà An, Quảng Yên
Nhà tôi có đàn gà 10 con, mấy ngày gần đây có biểu hiện bỏ ăn, hàng xóm xung quanh yêu cầu tiêu hủy, liệu đây có phải là cách giải quyết duy nhất không, tôi rất mong nhận được lời khuyên?
Ông Đoàn Duy Ái
Rất tiếc là bạn không nêu tuổi của gà và gà của bạn đã được phòng bệnh bằng vắc-xin gì chưa. Tuy nhiên gà chỉ bị tiêu hủy khi cơ quan chuyên môn kết luận bị mắc cúm gia cầm, còn các loại dịch bệnh khác có thể dùng vắc-xin hoặc thuốc để điều trị theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Việc xác định gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm phải do các bác sĩ thú y có kinh nghiệm kiểm tra, xác nhận. Như vậy trường hợp của bạn vừa nêu thì nên nhốt gia cầm lại để theo dõi và báo cho cán bộ thú y biết để xác định nguyên nhân, không tự ý giết mổ hoặc vứt xác bừa bãi làm dịch lây lan; hạn chế người già và trẻ em tiếp xúc với gia cầm nghi bị bệnh.
.
Đỗ Thu Huyền, Đông Triều
Thưa bác sỹ, trẻ em có sức đề kháng yếu, vậy đối với trẻ nhỏ cần phải chú trọng những gì để không bị mắc dịch
Ông Ninh Văn Chủ
Trẻ em, người già, phụ nữ có thai đều là những người có miễn dịch yếu với Cúm A(H7N9) vì vậy cần thực hiện các biện pháp phòng vệ cần thiết như: tránh tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, tránh đến chỗ đông người, tiêm phòng vac xin để phòng tránh cách bệnh khác, vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống để cơ thể khỏe mạnh là biện pháp tích cực cho công tác phòng chống bệnh này. 
.
Hoàng Mai Hương, Đông Triều
Công tác kiểm soát giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đã được thực hiện như thế nào?
Ông Đoàn Duy Ái
Cho đến thời điểm hiện nay chỉ có 1 cơ sở giết mổ gia cầm tại phường Nam Khê, TP Uông Bí được cấp chứng chỉ vệ sinh thú y cơ sở giết mổ gia cầm và có cán bộ thú y kiểm soát. Hiện tại việc giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh khá tràn lan do tư thương giết tại hộ gia đình và giao cho các chủ kinh doanh nhà hàng bày bán tại chợ, thậm chí thực hiện việc giết mổ ngay tại chợ, làm mất vệ sinh và các cơ quan thú y không thể kiểm soát được. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc gia cầm từ năm 2006, song cho đến nay hầu hết các địa phương chưa triển khai xây dựng các lò giết mổ tập trung.
.
Trần Văn Đức, Hoành Bồ
Xin ông cho biết, đối với những người chăn nuôi như chúng tôi, làm thế nào để phát hiện đàn gia cầm của mình có mắc bệnh hay không?
Ông Đoàn Duy Ái
Vấn đề bạn hỏi tôi xin trả lời như sau: dấu hiệu của đàn gia cầm khỏe mạnh là: ăn uống bình thường, dáng vẻ hoạt bát, lông bóng mượt, mắt sáng, nhanh nhẹn, phân gia cầm bình thường (không loãng, không đỏ lẫn máu hoặc trắng như vôi), có mức tăng trọng bình thường và khả năng đẻ trứng bình thường, vỏ trứng nhẵn, hình dáng bình thường, không thay đổi đột ngột về sản lượng trứng. Nếu đàn gia cầm có các biểu hiện khác với các biểu hiện đã nêu, chúng ta phải nghĩ ngay đến vấn đề dịch bệnh và báo cho các cơ quan thú ý đến kiểm tra, xem xét và có hướng dẫn điều trị.
.
Minh Trang, Hạ Long
Xin hỏi bác sỹ Chủ, cúm H7N9 có lây từ người sang người không? Trẻ con đi học ở nhà trẻ và các trường học thì phải phòng tránh như thế nào. Phụ huynh chúng tôi rất lo lắng, mong bác sỹ cho lời khuyên?
Ông Ninh Văn Chủ
Theo Tổ chức Y tế thế giới công bố ngày 14/4/2013 dịch Cúm A(H7N9) vẫn chưa có dấu hiệu lây từ người sang người. Tuy nhiên Cúm A(H7N9) là loại luôn có biên đổi gen rất cao, rất có thể một thời gian nữa chúng sẽ lây từ người sang người khi có biến đổi gen.
Trẻ em là đối tượng hay bị mắc vi miễn dịch chưa đầy đủ, để phòng tránh chúng ta thực hiện 5 thông điệp của BYT về phòng chống dịch Cúm A(H7N9). Thực hiện ăn chín , uống chín, vệ sinh cá nhân, nâng cao sức đề kháng. Nếu có các dấu hiệu bệnh đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, đau ngực cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.


.
Mai Phương Vũ, Hạ Long
Tôi được biết trường hợp em bé ở Bắc Kinh mới đây có mang chủng cúm H7N9 trong người nhưng lại không có biểu hiện của bệnh. Vậy thì những người mang chủng cúm hoàn toàn có thể nhập cảnh vào nước ta mà không bị phát hiện qua máy đo thân nhiệt. Trường hợp này sẽ xử lý thế nào. Người dân chúng tôi cực kỳ lo ngại.
Ông Ninh Văn Chủ
Em bé mắc bệnh Cúm A(H7N9) tại Bắc Kinh là có các triệu chứng của bệnh cúm, tuy nhiên cũng có trường hợp có nhiễm Cúm A(H7N9) mà không có triệu chứng, muốn phát hiện hoàn toàn phải nhờ vào xét nghiệm, hiện nay Cúm A(H7N9) chưa lây từ người sang người, nhưng người ở vùng dịch về cần theo dõi để phát hiện kịp thời khi phát bệnh.


.
Ngô Văn Hợi, Tiên Yên
Xin hỏi ông Đoàn Duy Ái, hiện nay đã có loại vacxin phòng bệnh H7N9 cho đàn gia cầm hay chưa? Nếu có thì bao giờ sẽ triển khai tiêm phòng? Người chăn nuôi cần làm gì để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại cho đàn gia cầm nếu mắc bệnh?
Ông Đoàn Duy Ái
Hiện nay trên thế giới chưa sản xuất được văc-xin phòng cúm A H7N9 cho gia cầm. Vì vậy trong nước chưa thể triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm với loại vắc-xin phòng chống cúm A H7N9. 
Để phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia cầm, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi chỉ mua và nuôi gia cầm rõ nguồn gốc, được cơ quan thú y kiểm dịch, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin và tích cực chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện khử trùng tiêu độc thường xuyên. Khi gia cầm có hiện tượng chết thì phải báo cơ quan thú y, không tự ý xử lý hoặc vứt xác gia cầm bừa bãi làm dịch lây lan rộng.

.
Quang Minh, Hạ Long, Quảng Ninh
Xin chào ông Đoàn Duy Ái, tôi xin được hỏi ông những vấn đề sau: 1) Thời điểm đang có dấu hiệu xuất hiện các dịch cúm gia cầm thì việc kiểm tra kiểm soát gia cầm tại Quảng Ninh được thực hiện như thế nào? 2)Được biết, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm tại TX Quảng Yên và huyện Đông Triều, với hàng trăm con gia cầm mắc bệnh phải tiêu huỷ, Tôi muốn hỏi việc tiêu huỷ đã được thực hiện như thế nào, cán bộ của Chi cục trưởng Chi cục thú y có trực tiếp giám sát việc tiêu huỷ gia cầm không và việc ngăn chặn lây lan cúm sang các đàn gia cầm khác được thực hiện như thế nào?
Ông Đoàn Duy Ái
Vấn đề bạn hỏi tôi xin trả lời như sau:
1. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch cúm gia cầm. Vì vậy chi cục thú y Quảng Ninh đã tăng cường kiểm tra giám sát từ cơ sở nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan rộng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển gia cầm lậu từ biên giới vào nội địa của tỉnh; tăng cường khâu kiểm dịch tại các chợ bán gia cầm, sản phẩm gia cầm. Mặc khác, đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm với tỉ lệ cao nhất và khuyến cáo người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng dịch, không tiếp tay cho việc buôn bán, vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch; vận động mọi người khi có dịch phải kịp thời báo cho cơ quan thú y, không bán chạy gia cầm bị bệnh hoặc vứt xác gia cầm bừa bãi.
2. Việc tiêu hủy gia cầm tôi xin trao đổi như sau: việc tiêu hủy gia cầm tại các địa phương do UBND các địa phương trực tiếp chỉ đạo, trong đó có sự giám sát của cán bộ trạm thú y cùng chính quyền địa phương cơ sở để tránh hiện tượng trục lợi từ việc tiêu hủy gia cầm mà trước đây một số địa phương đã có hiện tượng này. Việc tiêu hủy đảm bảo theo đúng quy trình kĩ thuật mà cơ quan thú y hướng dẫn.

.
Vũ Nguyên, Hạ Long
Qua theo dõi báo chí, tôi được biết các địa phương khác đã thành lập các đội cơ động phòng chống dịch cúm H7N9. Vậy Quảng Ninh có thành lập các đội cơ động như vậy không? Công tác phòng chống và hướng dẫn người dân về chủng cúm mới này đã được triển khai như thế nào?
Ông Ninh Văn Chủ
Tại QN đã có Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch và các đội PC dịch lưu động. Tuyến tỉnh có 2 đội tại Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, có phương án điều trị cách lý khi cần thiết khi sử biên pháp thành lập bệnh viẹn dã chiến lưu động.
Sở Y tế và Sở NN và PTNN đã tổ chức họp báo thông báo tình hình dịch trên Thế giới, trong nước và tại Quảng Ninh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các phương tiền truyền thông của tỉnh và các địa phương liên tục đưa tin và hướng dẫn nhân dân bình tĩnh sẵn sàng ứng phó với dịch Cúm A(H7N9).
Tại các cơ sở y tế trên địa bàn đã được cung cấp hóa chất sát khuẩn mạnh để tẩy uế và vệ sinh. Cung cấp trang thiết bị cho các đơn vị điều trị, cung cấp môi trường bảo quản vận chuyển mẫu bệnh phẩm từ cộng đồng và các cơ sở điều trị để chuyển đến YTDP làm xét nghiệm. Cung cấp Tamiflu để điều trị và uống dự phòng khi vào ổ dịch.

.
Trân Duy Trung, Hoành Bồ
Xin được hỏi virut cúm A H7N9 có gì khác các loại virut cúm gia cầm khác? Được biết, Ở Tuần Châu đã xuất hiện người bị nhiễm cúm A H5N1, vậy tình trạng những bệnh nhân này như thế nào?
Ông Ninh Văn Chủ
Cúm A(H7N9) khác hoàn toàn với các chủng virut  cúm  gia cầm khác, chúng được tái tổ hợp của ít nhất 3 loại cúm gia cầm, thủy cẩm và chim hoang di cư Âu Á.
Ở Tuần Châu xuất hiện ổ dịch Cúm A(H1N1) chứ không phải Cúm A(H5N1) tất cả các bệnh nhân hiên nay đều ổn và khỏe mạnh. 5 ngày nay không có ca bệnh Cúm A(H1N1) mới.


.
Trần Minh Hải, TX Quảng Yên
Thưa ông Đoàn Duy Ái, hôm qua ti vi có thông báo Nhà nước đã mua 40 triệu liều văcxin để tiêm chủng cho gia cầm, phòng chống dịch cúm. Vậy tỉnh ta đã nhận được văcxin chưa, và bao giờ thì sẽ tiêm cho đàn gia cầm để phòng chống dịch?
Ông Đoàn Duy Ái
Chi cục thú y đã chủ động trong việc cung ứng vắc-xin tiêm phòng cúm gia cầm từ trung tuần tháng 3. Hiện nay các địa phương trong tỉnh đang triển khai tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm. Số lượng vắc-xin đã được chi cục thú y cung ứng cho các địa phương là 1.200.000 liều. Số liệu tiêm phòng đến ngày hôm nay là khoảng gần 900.000 liều.
.
Việt Hà, Đông Triều
Chào chú Ái, cháu muốn hỏi chú, hiện nay gia cầm, gia súc bày bán ở chợ được chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh kiểm soát như thế nào? những trường hợp vi phạm trong việc kiểm dịch gia cầm sẽ bị xử phạt như thế nào?
Ông Đoàn Duy Ái
Vần đề bạn hỏi tôi xin trả lời như sau: hàng ngày cán bộ kiểm dịch của chi cục thú y tiến hành kiểm dịch tại các chợ. Những trường hợp đủ điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm thì đóng dấu kiểm dịch. Nếu phát hiện gia cầm không đảm bảo vệ sinh thì yêu cầu phải tiêu hủy. Tuy nhiên việc xử lý những cá nhân không chấp hành việc kiểm dịch còn rất khó khăn. Vì vậy để xử lý được cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như ban quản lý chợ.
.
Trung Kiên, Uông Bí
Thưa ông, hiện nay việc kiểm dịch cho gia cầm được thực hiện như thế nào? Tôi đi chợ thấy gà bán tràn lan nhưng không biết dấu hiệu thế nào là đã kiểm dịch. Ví dụ như lợn thì trên da có đóng dấu nhưng gà sống thì không thể. thứ hai là,cán bộ thú y ở chợ đóng dấu liệu có kiểm dịch kĩ không hay cứ đến các hàng đóng dấu là xong?
Ông Đoàn Duy Ái
Hiện nay cán bộ thú y chỉ kiểm dịch và đóng dấu đối với gia cầm đã được giết mổ bán tại các chợ. Còn đối với gia cầm sống việc kiểm tra chứng nhận đảm bảo an toàn rất khó khăn bởi vì gà thu mua tại nhiều địa phương và không hề có giấy kiểm dịch. Vì vậy khuyến cao người tiêu dùng hạn chế sử dụng gia cầm sống về nhà giết thịt.
Đối với cán bộ kiểm dịch, chi cục đã yêu cầu họ phải làm đúng yêu cầu kĩ thuật. Những trường hợp làm sai, chi cục sẽ nhắc nhở, thậm chí có những trường hợp buộc thôi việc. Rất mong người tiêu dùng phản ánh những cán bộ kiểm dịch không làm đúng trách nhiệm để chi cục biết và xử lý. Chúng tôi khẳng định không có hiện tượng đóng dấu thi tiền mà không kiểm  tra.

.
Đỗ Thị Hải, Móng Cái
Biểu hiện lâm sàng của cúm H7N9 là gì và những đối tượng nào dễ bị lây nhất, thưa ông Ninh Văn Chủ?
Ông Ninh Văn Chủ
Biểu hiện lâm sàng của Cúm A(H7N9) gồm các triệu chứng của bệnh Cúm như: Sốt cao, ho, đau ngực, khó thở và bệnh có xu hướng nặng lên nhanh.
Những người có sức đề kháng yếu như phụ nữ có thai, trẻ em, người già yếu và người đang mắc các bệnh khác là những người co nguy cơ nhiễm bệnh.


.
Dương Ngọc Thảo, Hạ Long
Xin hỏi ông Chủ, trong trường hợp người bị mắc cúm H7N9, sao bao nhiêu lâu thì phát bệnh? Và cách xử trí khi phát hiện bị bệnh như thế nào?
Ông Ninh Văn Chủ
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới trung bình khoảng 10 ngày từ khi nhiễm thì bệnh sẽ có biểu hiện những triệu chứng đầu tiên. Khi phát hiện các triệu chứng lâm sàng giống Cúm A(H7N9) cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị.
.
Đặng Việt Hùng, Bình Liêu, Quảng Ninh
Thưa ông, theo ông đâu là nguyên nhân khiến H5N1 bùng phát trở lại?
Ông Đoàn Duy Ái
Hiện nay một số địa phương trong cả nước đã có dịch, thậm chí những tỉnh lân cận chúng ta cũng đang có dịch. Trong khi đó, chúng ta chưa kiểm soát hết được việc vận chuyển gia cầm từ biên giới vào nội địa cũng như từ các tỉnh có dịch vào địa bàn của tỉnh. Mặt khác, nhiều hộ chăn nuôi còn chủ quan, lơ là với dịch, không tiêm phòng vắc-xin cúm. Qua kiểm tra của chi cục thú y, virus cúm gia cầm vẫn đang lưu hành trên thực địa. Khi thời tiết không thuận lợi kết hợp với việc chăm sóc đàn gia cầm không tốt sẽ làm dịch phát sinh.
.
Trần Thanh Hải, Uông Bí
Thưa ông Ninh Văn Chủ, tôi có một thắc mắc là hiện nay xuất hiện rất nhiều chủng cúm như H1N1, H5N1, H7N9. Vậy sự khác biệt giữa những chủng cúm này là gì? Và trong thời điểm thời tiết thay đổi liên tục như mấy ngày vừa qua, các con tôi rất hay bị cúm, vậy làm thế nào để người dân phân biệt được cảm cúm thông thường và những chủng cúm trên?
Ông Ninh Văn Chủ
Sự khác nhau cơ bản Cúm A(H1N1) đây là cúm đại dịch lây từ người sang người, bệnh này đa số là nhẹ nhưng lây lan trong công đồng rất nhanh đã có vac xin phòng bệnh.
Cúm A(H5N1) là Cúm gia cầm lây từ gia cầm bị bệnh sang người , độc lực rât mạnh, tỷ lệ tử vong rất cao. Hiện đã có vac xin phòng bệnh cho gia cầm, và VN đang hoàn thiện quy trình sản xuất vac xin này để phòng bệnh trên người.
Cúm A(H7N9) là chủng cúm hoàn toàn mới độc lực cao, phá hủy nhanh  các phủ tạng trong cơ thể, Hiện nay bệnh này chưa lây từ người sang người, chưa có vac xin, hiểu biết về cơ chế, nguồn gốc chưa thật rõ.
 Khi phát hiện các triệu chứng lâm sang giống Cúm A(H7N9) cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị.
.
Trần Hoài Nam, Đông Triều
Tôi thấy tình hình nhiễm cúm H7N9 ở Trung Quốc rất căng thẳng. Liệu bệnh này có thuốc điều trị không mà nhiều người bị chết như vậy. Nếu nhiễm bệnh có phải là không có thuốc chữa hay không?
Ông Ninh Văn Chủ
Hiện nay bệnh Cúm A(H7N9) vẫn còn nhạy cảm vơi thuốc kháng vi rút Tamiflu; vì vậy các cơ sở y tế vẫn dùng tamiflu để điều trị bênh Cúm A(H7N9).
Quảng Ninh đã cấp thuốc tamiflu cho tất cả các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Bạn có thể yên tâm khi bị bệnh đã có thuốc điều trị.


.
Kiều Văn Tráng, Đầm Hà
Tôi thấy việc kiểm dịch ở chợ được thực hiện có bài bản. Tuy nhiên các nhà hàng, khách sạn cũng có chế biến thức ăn từ thịt gà. Đặc biệt là các quán gà hiện nay rất nhiều như gà rán KFC, gà đi bộ...Vậy tại những quán hàng này có được kiểm dịch của thú y hay không. Mong ông trả lời để người tiêu dùng chúng tôi yên tâm.
Ông Đoàn Duy Ái
Hiện nay chi cục thú y mới kiểm tra tại các chợ buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Việc kiểm tra tại các nhà hàng khách sạn hiện nay chưa được tiến hành thường xuyên mà chỉ theo các đợt. Thời gian tới chúng tôi sẽ đề xuất việc kiểm tra thực phẩm, trong đó có gà tại các nhà hàng khách sạn.
.
Hoàng Ngân Hà, Hạ Long
Cúm AH7N9 có nguồn gốc từ đâu, hiện nay đã xác định được vật truyền loại virus cúm này chưa ạ. Liệu nguy cơ lây lan từ Trung Quốc sang nước ta có cao hay không? Nếu đi công tác ở Trung Quốc liệu có bị nhiễm bệnh hay không thưa bác sỹ?
Ông Ninh Văn Chủ
Nguồn gốc của bệnh Cúm A(H7N9) được Tổ chức Y tế Thế giới thông báo là chủng cúm mới có sự kết hợp giữa cúm gia cầm, thủy cẩm và chim di cư Âu Á.
Rất có thể Dịch này lây từ trung Quốc sang Việt Nam thông qua gia cầm, chim di cư, chim nhập lậu.
Việc đi du lịch TQ hiện nay chưa bị hạn chế vì vậy vậy bạn yên tâm. Khi đi Trung Quốc đến các vùng đang có dịch hiện nay : Thượng Hải, Triết Giang, Giang Tô, Hà Nam, An huy, và Bắc Kinh cần sử dụng các biện pháp phòng vệ như khẩu trang, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống…


.
Chiến Thắng, Hạ Long
Hiện diễn biến những ca cúm H5N1 trên địa bàn tỉnh ra sao thưa ông? ba ca nhiễm cúm còn lại đã khỏi chưa ạ?
Ông Ninh Văn Chủ
Hiện nay tại Quảng Ninh mới chỉ có các ổ dịch cúm A H5N1 trên gia cầm, chưa có ca bệnh trên người. Từ năm 2009 đến nay Quảng Ninh mới chỉ có 1 ca duy nhất tại Hải Hà.

.
Hồ Thu Hà, Móng Cái
Thưa bác sỹ có phải cúm H7N9 lây lan do chim di cư hay không? Vậy có phải là dịch cúm này sẽ xuất hiện ở nước ta bất cứ lúc nào không?
Ông Ninh Văn Chủ
Hiện nay hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm Cúm A(H7N9) từ chim di cư vì tại TQ đã phát hiện trên chim câu, chim cúm cút có chủng của Cúm A(H7N9).
Lây nhiễm Cúm A(H7N9) tại nước ta là có thể và bất kỳ lúc nào nếu chim dư cư bay vào nước ta. 

.
Linh Thụ Di, Hoành Bồ
Chúng tôi ngày nào xem ti vi cũng thấy bắt được rất nhiều gia cầm, gà, vịt nhập lậu. Vậy phải chăng công tác kiểm tra, bắt giữ còn rất nhiều lỏng lẻo.
Ông Đoàn Duy Ái
Hiện nay tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, bắt giữ và xử lý việc nhập lậu gia cầm từ biên giới. Tuy nhiên công việc trên rất khó khăn, phức tạp bởi lẽ các đầu nậu đã tìm đủ mọi cách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm sát của các ngành chức năng như: xé lẻ hàng, đi đường mòn lối tắt, không qua các trạm kiểm sát, sau đó tập kết hàng lên xe để vận chuyển. Chúng tôi cho rằng cần phải có chế tài đủ mạnh như tịch thu xe, giam phương tiện lâu ngày, thậm chí xử một số vụ điển hình để răn đe việc buôn bán vận chuyển gia cầm lậu.
.
Nguyễn Thu Hoài, Hạ Long
Tôi có biết là Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị cúm AH7N9. Vậy bác sỹ có thể nói qua một chút về phác đồ này không, để chúng tôi yên tâm. Ở Việt Nam có chắc chắn chữa được bệnh này không vì tiên tiến như ở Trung Quốc mà cũng có rất nhiều người chết.
Ông Ninh Văn Chủ
Bộ Y tế đã ban hành quyết định Quy trình chẩn đoán điều trị bệnh cúm A( H7N9); Việt Nam hoàn có thể chủ động điều trị bệnh này. Trong các vụ dịch trước như cúm A(H5N1), dịch SASR...đã điều trị thành công nhiều ca bệnh, tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên Thế giới.
Thuốc kháng virut Tamiflu vẫn còn có tác dụng rất tốt với cúm A (H7N9) vì vậy các cơ sở điều trị vẫn có thuốc để điều trị các bệnh này. Bạn có thể yên tâm, tin tưởng ở các cơ sở điều trị tại Việt Nam.

.
Đào Minh Lộc, Uông Bí
Bộ Y tế đã đưa ra kịch bản ứng phó với dịch cúm H7N9. Vậy Quảng Ninh đã triển khai kịch bản này chưa?
Ông Ninh Văn Chủ
Bộ Y tế đã đưa ra 4 kịch bản xẩy ra với dịch Cúm A(H7N9) tại Việt Nam
Hiện tại Quảng Ninh đang triển khai kịch bản số 1, phòng lây nhiễm Cúm A(H7N9) qua biên giới và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nếu dịch xẩy ra tại Quảng Ninh 

(Nguồn: qtv.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014