Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Vì sao gần đây liên tiếp xuất hiện các trường hợp mắc bệnh bạch hầu?

Cập nhật: 1/7/2020 | 5:47:14 PM

Thời gian gần đây, liên tiếp tại nhiều tỉnh ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu như Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum.

Vi sao gan day lien tiep xuat hien cac truong hop mac benh bach hau? hinh anh 1

Nhân viên y tế hướng dẫn trẻ em tại xã Quảng Hòa, Đắk Nông uống thuốc phòng bệnh bạch hầu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thống kê của Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, trên thế giới hàng năm vẫn ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tại Việt Nam, trong năm 2019 có 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và từ đầu năm 2020 đến nay đã ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh trên toàn quốc.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở Việt Nam do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.

Nguy cơ ở những “vùng lõm” tiêm chủng

Trên thực tế, trong những năm qua, Việt Nam ghi nhận những ổ dịch bạch hầu nhỏ rải rác tại các các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp xảy ra ở trẻ lớn tại các thôn, xã vùng sâu vùng xa.

Thời gian gần đây, liên tiếp tại nhiều tỉnh ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu như Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum.

Trước tình hình trên, nhiều người lo ngại về khả năng dịch bệnh bạch hầu liệu có lây lan trên diện rộng?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân tích, điểm đáng lưu ý là những trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong năm nay đa phần là trẻ trên 10 tuổi và người lớn. Khảo sát cho thấy, các khu vực có ca bệnh bạch hầu tỷ lệ tiêm chủng thấp, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm đủ mũi vắcxin phòng bệnh.

Lý giải về vấn đề này, phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho hay mặc dù thời gian qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95% trên toàn quốc từ nhiều năm tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng chưa đồng đều ở tất cả các địa phương.

Đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số... vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tiêm chủng, vẫn còn nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt các mũi tiêm nhắc lại như DPT mũi 4 còn bị bỏ sót.

Trong năm 2019, tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều nơi giảm do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân như: chuyển đổi vắcxin 5 trong 1, ảnh hưởng tâm lý bởi một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng hoặc do phong trào bài vắcxin ở một số thành phố lớn dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương chưa đạt độ bao phủ như mong muốn. Mặt khác, theo thời gian, miễn dịch có được từ tiêm vắcxin bạch hầu có thể giảm đi theo thời gian nên nhiều trường hợp vẫn có thể mắc bệnh bạch hầu mặc dù trẻ đã tiêm đủ 3 mũi trước 1 tuổi.

Vi sao gan day lien tiep xuat hien cac truong hop mac benh bach hau? hinh anh 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thăm hỏi gia đình có người mắc bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiêm vắcxin phòng bạch hầu cho hơn 1 triệu trẻ

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Phó giáo sư Hồng nhấn mạnh trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắcxin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vắcxin phòng bệnh.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắcxin đủ liều và đúng lịch. Vì vậy, để phòng bệnh các bậc phụ hinh cần duy trì việc tiêm vắcxin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm vắcxin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ rõ vắcxin là một công cụ hữu hiệu trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90-95% thì mới tạo được miễn dịch cộng giúp bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Ở Việt Nam, nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao trên 95% trong nhiều năm qua, nước ta đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và tiếp tục duy trì thành quả này trong 15 năm qua.

Để chủ động phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao, từ năm 2019 vắc xin uốn ván-bạch hầu (Td) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng. Năm 2020, Dự án tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắcxin Td cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh với số đối tượng dự kiến là 1.005.583 trẻ. Đây là mũi vắcxin bạch hầu thứ 5 để củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu cho trẻ ở lứa tuổi lớn hơn.

Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đủ mũi tiêm và đúng lịch./.

Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi.
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng.
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng.
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Mũi 5: Khi trẻ 4-7 tuổi.
Mũi 6: Khi trẻ từ 9-15 tuổi.

(Nguồn: vietnamplus.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014