Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Sẽ quyết liệt hơn với cúm gia cầm

Cập nhật: 20/2/2012 | 7:43:38 AM

Theo nhận định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, đến thời điểm này dịch cúm gia cầm đã có dấu hiệu tăng chậm lại. Tuy nhiên, việc chống dịch cần phải quyết liệt hơn.

Sẽ quyết liệt hơn với cúm gia cầm
Ảnh minh họa

 

Trước tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, việc sử dụng vaccine còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Để hướng đến mục tiêu dập dịch nhanh, hạn chế thiệt hại, sáng 18/2 Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì đã tiến hành họp khẩn. Cuộc họp đã nóng lên ngay từ đầu khi cục thú y đề cập đến chủng virus đang lưu hành và hiệu quả của vaccine Re5.

                       
Theo Cục thú y, virus 1.1 chỉ còn tồn tại ở 13 tỉnh phía Nam và vaccine vẫn cho bảo hộ tốt, tức là vac xin vẫn có tác dụng phòng ngừa virus. Nhưng ở phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thì virus đã có sự biến đổi chia làm 2 nhánh, một nhánh vaccine cho kết quả bảo hộ thấp, chỉ từ 40-50%, một nhánh không có khả năng bảo hộ. Vì thế, Cục thú y cho rằng, quyết định tạm ngừng trợ cấp vaccine tiêm đại trà từ đầu năm 2011 là đúng và dựa trên cơ cơ sở khoa học.           
 
Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng cục thú y cho biết: “Tiêm phòng là giải pháp quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện nay buộc lòng áp dụng biện pháp khác, thoát khỏi tiêm phòng để phòng chủng khác chứ không phải H5N1. Độc lực năm nay thấp là dấu hiệu có khả năng xuất hiện chủng khác trong thời gian tới”.        
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc giảm dần trợ cấp nhà nước về vaccine, thoát khỏi lệ thuộc vào vaccine là chủ trương VN cần hướng tới trong lâu dài. Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến như hiện nay, để chấm dứt dịch bệnh nhanh thì giải pháp ưu tiên sẽ là thực hiện các biện pháp đồng bộ và sử dụng vaccine.
 
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu: “Chúng ta không quay trở lại tiêm đại trà mà tìm những nơi cần thiết, đối tượng cần thiết phải sử dụng. Vấn đề còn lại là 8 tỉnh có mẫu nếu đa phần là nhánh 1B thì tiêm không có ý nghĩa, thì phải gia tăng cao nhất sự nỗ lực chống dịch không có vaccine, ngay cả 25 tỉnh chủ yếu là nhánh 1A thì cũng cần làm rõ xác suất 1A bao nhiêu phần trăm để hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp sử dụng vaccine hiệu quả”.     
 
Hiện để có đủ vaccine tiêm phòng, bao vây, dập dịch cúm gia cầm, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng chính phủ cho phép mua 50 triệu liều vaccine cúm H5N1 chủng Re5. Việc có nhanh nguồn vaccine này đang được các bên tháo gỡ. Tuy nhiên tiêm như thế nào cho hiệu quả lại là một vấn đề cần cân nhắc, nhất là đối với các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.           
 
Theo PGS Hoàng Văn Tiệu, Viện trưởng Viện chăn nuôi, hiện nay chúng ta có 3 vùng mà rõ ràng việc xác định chủng cho từng vùng là rất quan trọng. Trên cơ sở khoa học đó, việc có sử dụng hay không sử dụng, sử dụng vaccine nào cho hiệu quả mới là điều căn bản để có thể dập dịch và phòng dịch.
           
Với các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, vấn đề cần làm ngay là phải xác định được tỷ lệ virus có khả năng bảo hộ thấp với vaccine Re5 là bao nhiêu phần trăm, virus không có khả năng bảo hộ là bao nhiêu phần trăm. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, trong tuần tới Cục Thú y phải lên được bản đồ dịch tễ cho từng tỉnh. Trên cơ sở này, Cục thú y sẽ có sự gạn lọc những nơi có đủ điều kiện thì vẫn cho tiêm vaccine và có hướng dẫn cụ thể cho người dân và doanh nghiệp tiêm như thế nào cho hiệu quả.
   

Tính đến thời điểm này đã có gần 35.000 gia cầm phải tiêu hủy tại 13 tỉnh xuất hiện dịch, trong đó Bắc Ninh là tỉnh mới nhất có dịch cúm. Thái Nguyên, Hải Dương sẽ là những tỉnh được rút sớm nhất khỏi danh sách có dịch.

 

Theo nhận định của Ban chỉ đạo, đến thời điểm này dịch cúm gia cầm đã có dấu hiệu tăng chậm lại. Tuy nhiên, việc chống dịch cần phải quyết liệt hơn. Bộ yêu cầu ban chỉ đạo các cấp cần chấn chỉnh với tinh thần phòng là chính. Hiện song song với 7 đoàn công tác của Bộ thì Bộ cũng yêu cầu các địa phương thành lập các đoàn công tác chống dịch. Tháng 3 này sẽ là thời điểm các tỉnh phía Nam phát triển vịt chạy đồng, nếu không giám sát và tiêm phòng tốt thì nguy cơ dịch bệnh lan rộng là rất cao.


(Nguồn: dantri.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014