Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chủ động ngăn ngừa sốt xuất huyết bùng phát trở lại

Cập nhật: 3/4/2018 | 7:40:58 AM

Thời tiết ấm lên cũng là lúc loài muỗi bắt đầu sinh sôi nảy nở. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bệnh sốt xuất huyết bùng phát trở lại, nhất là khi trên địa bàn tỉnh vẫn đang có vi rút Dengue (vi rút gây bệnh sốt xuất huyết) và muỗi truyền bệnh lưu hành.

Kiểm tra tình trạng bệnh sốt xuất huyết cho bệnh nhân điều trị tại Khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào tháng 8/2017
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời điểm tháng 8/2017.

Năm 2017, nhiều gia đình lao đao bởi sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết trong cả nước với hơn 60.600 người mắc, trong đó 8 trường hợp tử vong. Dẫu không nhiều như một số tỉnh, thành phố khác, nhưng trên địa bàn tỉnh năm 2017 cũng ghi nhận 640 trường hợp sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2016, tập trung phần lớn ở TP Hạ Long. Đây cũng là năm số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Trước tình hình số ca sốt xuất huyết bùng phát, ngành Y tế tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, chuẩn bị sẵn về nhân lực, vật tư cho công tác phòng, chống dịch bùng phát, như: Kiện toàn, củng cố 16 đội cơ động đáp ứng nhanh của tuyến tỉnh và huyện; chỉ đạo trung tâm y tế các địa phương phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành khoanh vùng xử lý, khống chế không để dịch lây lan. Năm 2017, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các đơn vị, địa phương đã tổ chức 21 lớp tập huấn phòng, chống sốt xuất huyết từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện cho 622 học viên. Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức 2 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh với sự ủng hộ của chính quyền các địa phương và sự tham gia của đông đảo người dân. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thực hiện giám sát véc tơ và ca bệnh sốt xuất huyết ở cả 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh; trực tiếp tham gia xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Trung tâm đã triển khai thành công xét nghiệm tìm vi rút Dengue trên muỗi sốt xuất huyết, giúp phát hiện ổ dịch sớm hơn. Nhờ đó, 100% các ổ dịch đều được khoanh vùng và xử lý môi trường.

Biểu đồ phân bố bệnh Sốt xuất huyết 5 năm (2013-2017) trên địa bàn tỉnh
Biểu đồ phân bố bệnh sốt xuất huyết 5 năm (2013-2017) trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến hết 24/3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện 22 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 14 ca cho xét nghiệm dương tính. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, để bệnh sốt xuất huyết không bùng phát mạnh như những tháng cuối năm 2018 thì không có cách nào khác là phải diệt trừ muỗi truyền bệnh. Loài muỗi Aedes aegypti (muỗi truyền sốt xuất huyết) thường đậu ở nơi tối trong nhà, chăn màn, dây phơi, trên quần áo và các đồ dùng sinh hoạt khác, chúng cũng thường sống ở các khu đô thị. Còn muỗi Aedes albopictus thích sống ở những nơi rậm rạp như ở lùm cây, bắt gặp nhiều ở vùng nông thôn. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà, như bể nước, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi Aedes có thể sinh sản quanh năm, sinh sản mạnh vào những tháng sau mùa mưa. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Với sự phát triển sâu, rộng của phong trào “Ngày chủ nhật xanh“, nhiều khu phố, thôn, xóm đã vận động người dân dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ phố, phát quang bụi rậm, khơi thông cống, rãnh để muỗi không còn nơi trú ngụ. Tuy nhiên, vệ sinh trong gia đình đúng cách để diệt trừ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hiện nay lại chưa được nhiều người dân quan tâm, như: Chưa thường xuyên thay nước ở bình cắm hoa, bể cảnh; vẫn chứa nước trong lu, chậu không đậy nắp...

Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh Internet)

Để diệt trừ muỗi Aedes truyền bệnh, các gia đình cần giữ vệ sinh nơi ở thật sạch sẽ; thu gom, hủy những vật dụng không cần thiết như chai lọ, những đồ có khả năng chứa nước thải hoặc nước mưa quanh nơi sinh sống. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt loăng quăng/bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hằng tuần. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát; thay nước bình hoa. Cần phòng, chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014