Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chủ động ngăn ngừa dịch bệnh tiêu chảy cấp mùa mưa lũ

Cập nhật: 28/6/2018 | 8:44:52 AM

Hàng năm, vào tháng 6, tháng 7 thường xảy ra những đợt mưa lũ kéo dài ở các tỉnh miền Bắc. Các trận mưa lớn gây lũ lụt, nước tràn ngập, cuốn trôi tất cả mọi thứ ô uế như: chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, chuồng gia súc; xác động vật, côn trùng bị chết...làm nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều dịch bệnh có thể xảy ra, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp.

Tiêu chảy là tình trạng bệnh lý khi có số lần đi tiêu trên 3 lần, phân  lỏng toàn nước, có màu vàng, nâu hoặc trắng đục. Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân chính dẫn tới tiêu chảy cấp trong mùa mưa lũ là do: Vệ sinh kém, thực phẩm bị ô nhiễm, hoặc tại những nơi xảy ra mưa lũ nguồn nước dễ bị nhiễm vi khuẩn tả, vi khuẩn Salmonella, Shigella, lỵ Amip, vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác.

Sơ đồ lây truyền bệnh tiêu chảy cấp
Về triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp, BS.CKI Phạm Tiến Dũng, Trưởng khoa Truyền thông GDSK, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: “Bệnh tiêu chảy cấp có triệu chứng điển hình như đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả phân toàn nước đục như nước vo gạo); nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, có thể bị chuột rút. Biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: Với bệnh nhẹ, người bệnh khát nước, môi khô, da khô, nhăn nheo. Nếu nặng hơn, biểu hiện mặt hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiểu tiện ít hoặc không có nước tiểu, chân tay lạnh…nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong”.

Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp cần theo dõi, chăm sóc tốt cho người bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu mất nước nặng, nhanh chóng chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Đối với việc chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy cấp tại nhà, BS.CKI Phạm Tiến Dũng chia sẻ: “Trước tiên phải bù nước và điện giải để tránh các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra. Thường dùng Oresol (1 gói chứa 20gam glucose khan, 3,5 gam natriclorit; 2,9 gam natricitrat và 1,5 gam kaliclorit), 1 gói pha trong 1 lít nước sôi để nguội, uống liên tục trong ngày, tùy theo mức độ mất nước có thể sử dụng 2 – 3 gói trong ngày. Có thể thay thế Oresol bằng viên Hydrit, mỗi lần uống 1 viên pha vào 200ml nước. Cần chú ý pha thuốc đúng tỷ lệ. Dùng thuốc làm giảm nhu động ruột như: Loperamid viên 2mg, Diphenoxynat viên 2,5mg. Ngoài ra, cần tăng kháng tiết cho ruột non bằng cách dùng thuốc có tác dụng ức chế men encephalinase (là men phụ trách thoái hóa encephalin nội sinh ở não và ruột) làm ức chế tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm dịch tiết cơ bản khác. Và các thuốc dẫn xuất từ nấm men và vi khuẩn như: Antibiophilus, byosybtin…”

Để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống, không dùng tay bốc thức ăn. Việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm hoặc sau khi đi vệ sinh là rất cần thiết. Đây là một biện pháp để cắt đứt vòng xoắn chân, tay, miệng.

Lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là rất quan trọng. Đối với thực phẩm sống càng tươi mới, càng nguyên vẹn càng tốt; rau quả còn nguyên lành, không dập nát, thâm nhũn ở núm cuống. Trái cây chỉ lựa chọn loại vỏ ngoài còn nguyên vẹn, không dập nát. Đối với thực phẩm bao gói sẵn nên mua ở những cửa hàng uy tín, có điều kiện bảo quản thực phẩm tốt; nhãn thực phẩm phải có đủ các thông tin như: Tên thực phẩm, tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, thành phần cấu tạo, định lượng thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng và xuất xứ của hàng hóa. Đối với đồ hộp ngoài nội dung ghi nhãn cần lựa chọn đồ hộp không bị phồng, rỉ sét, móp méo, rỉ nước. Đối với thực phẩm đông lạnh, không mua các thực phẩm đông lạnh khi không thấy lạnh hoặc không còn cứng.

Trong quá trình chế biến thực phẩm cần phải có đồ chuyên dụng, có dao thớt riêng cho thức ăn sống và thức ăn chín để tránh nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm đã được chế biến.

Thường xuyên vệ sinh nhà bếp và vật dụng làm bếp, sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thực phẩm và nấu ăn.

Thực phẩm đã được chế biến nên ăn ngay, nếu phải để lâu cần bảo quản lạnh để hạn chế sự phát triển nhân lên của vi khuẩn; thức ăn phải đậy kín tránh để côn trùng và động vật gặm nhấm xâm hại.

Khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế trong công tác phòng chống tiêu chảy cấp tại cộng đồng:

1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu;  Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B...vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn; Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ; Hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.

2. An toàn vệ sinh thực phẩm: Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi;  Không ăn rau sống, không uống nước chưa được đun sôi; Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ; Tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất Cloramin B; Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng.

4. Khi có người bị tiêu chảy cấp: Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.



(Nguồn: Ngọc Phượng)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014