Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chống dịch tay chân miệng: Trọng điểm là các nhà trẻ

Cập nhật: 2/10/2018 | 8:16:17 AM

Bệnh tay chân miệng bùng phát trên cả nước khiến hơn 53 nghìn trẻ mắc, trong đó có 6 ca tử vong. Trước tình hình bệnh diễn biến khó lường, nguy cơ tiếp tục lây lan, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương củng cố các đội cơ động chống dịch tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, cộng đồng nên chủ động phòng ngừa
Bệnh tay chân miệng đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, cộng đồng nên chủ động phòng ngừa

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện. Bệnh tay chân miệng đã khiến 6 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt trong mùa tựu trường khi học sinh tập trung vào năm học mới.

Nhằm giảm thiểu số trẻ mắc bệnh, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngày 1/10 ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã ký công văn khẩn về việc “tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng” gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài những công tác tổ chức, tăng cường truyền thông, Cục Y tế Dự phòng đề nghị ngành Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức các hoạt động truyền thông, phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học, trọng điểm là nhà trẻ, trường mẫu giáo; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch ở vị trí thuận tiện phục vụ trẻ và người chăm sóc trẻ; vệ sinh hàng ngày khu vui chơi, đồ chơi cho trẻ; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời xử lý khi xảy ra ổ dịch.

Các bệnh viện cần tổ chức tốt công tác thu dung điều trị, củng cố các đội chống dịch lưu động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch cấp cứu điều trị khi cần thiết…

Trẻ mắc bệnh không đến lớp!

Trước sự gia tăng của các ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo: Trẻ mắc bệnh thì không đến lớp cho đến khi hết loét miệng và các nốt phỏng nước để tránh lây bệnh cho trẻ khác. Thường xuyên vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi, sàn nhà và các dụng cụ sinh hoạt khác của trẻ.

Hãy luôn nhớ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ,

Với trẻ em, các phụ huynh không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Các gia đình cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

(Nguồn: dantri.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014