Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bộ Y tế đặt mục tiêu triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến toàn quốc từ 1/7

Cập nhật: 12/4/2021 | 9:01:43 AM

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến mang đến nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế, bệnh viện, là việc cần phải làm ngay.

Theo thông tin từ Hội nghị chuẩn bị triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến tổ chức ngày 9/4, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị phát triển hệ thống phần mềm đặt lịch.

Trước đó, Bộ Y tế đã đưa ra "mục tiêu tham vọng": từ ngày 1/7/2021 phải đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến trên toàn quốc.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện quản lý được toàn bộ thông tin của người dân đi khám, điều trị trên toàn quốc thông qua sổ bảo hiểm y tế (BHYT) và mã số BHXH. Mỗi người dân có thể tải sổ sức khỏe điện tử về điện thoại của mình để theo dõi thông tin sức khỏe.

Tuy nhiên, những thông tin trên hồ sơ sức khỏe này hiện chưa khai thác, liên thông được. Vì thế, hồ sơ sức khỏe điện tử phải gắn với 42 mẫu bệnh án điều trị ở nhiều chuyên khoa.

Theo Bộ Y tế, hệ thống hồ sơ sức khỏe và hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến cần kết nối với các dịch vụ y tế khác (nội trú, tiêm chủng mở rộng…). Tới đây, việc quản lý người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng phải kết nối và được "điện tử hóa", đồng thời liên thông với hồ sơ sức khỏe của người dân nhằm quản lý sức khỏe suốt đời.

“Việc đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến mang đến nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế, bệnh viện, cần phải làm ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại Hội nghị.

Yêu cầu đầu tiên Bộ trưởng đặt ra với hệ thống này là người dân chỉ cần nhập số sổ BHYT vào hệ thống đặt lịch. Lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số BHYT đó nhằm đảm bảo khi đến cơ sở này, bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ sẽ có mặt tại cơ sở đó, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào…

Yêu cầu thứ hai là chỉ có 1 cổng cho toàn bộ người dân (hệ thống toàn tuyến), giải quyết tình trạng tồn đọng là hệ thống bệnh viện nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó.

Khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện sẽ có tất cả hồ sơ sức khỏe bệnh nhân, bao gồm lịch sử khám chữa bệnh, kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc đã có trước đó.

Qua phần mềm này, bác sĩ có thể biết lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế từng khám, điều trị.

Bộ Y tế đặt mục tiêu triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến toàn quốc từ 1/7
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị chuẩn bị triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến ngày 9/4

Mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khỏe này là "một bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến này, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khỏe người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị, những nội dung cần lưu ý, chống chỉ định,… trong đơn thuốc.

Bộ trưởng lưu ý, với những cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng. Hệ thống này được cung cấp miễn phí, tất cả dữ liệu do Bộ Y tế quản ý.

"Bộ Y tế đã thống nhất với BHXH, từ 1/7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống này để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT", Bộ trưởng nói.

Điều này có nghĩa, nếu các cơ sở khám, chữa bệnh không triển khai thực hiện hệ thống mới này sẽ không được thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú.

Khi dữ liệu được đồng bộ và quản lý tập trung, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và big data (dữ liệu lớn) sẽ trở nên thuận lợi hơn, đáp ứng được tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, tiến tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, thực tế, đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng không phải vấn đề mới. Một số đơn vị, địa phương đã phát triển hệ thống này. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn đang "làm manh mún".

Theo ông Khuê, hệ thống này chưa triển khai được trên toàn quốc do phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, hiện nay mỗi đơn vị lại có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, hồ sơ không được chia sẻ giữa các đơn vị, bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong mỗi cơ sở y tế. Vì thế, nền tảng không được sử dụng chung.

Tỷ lệ cơ sở y tế triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến rất thấp. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - nơi nổi tiếng với hệ thống khám chữa bệnh/hội chẩn trực tuyến từ xa, tỷ lệ người dân đặt lịch cũng rất thấp. Bệnh nhân vẫn chọn giải pháp trực tiếp đến viện xếp hàng từ 4-5h sáng.

Hơn nữa, các bệnh viện khi triển khai thực hiện lại không gắn kết bất cứ chương trình điều trị nào từ ngoại trú hay các hoạt động khác.

Bổ sung về những tiện ích hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gợi ý hệ thống cần tích hợp chức năng khai báo y tế phòng dịch Covid-19 trực tuyến với người đến các cơ sở khám chữa bệnh, tránh phiền nhiễu, xếp hàng, mất thời gian và gây ùn ứ.

"Bộ Y tế sẽ lựa chọn một số địa phương, cơ sở khám chữa bệnh để thí điểm trước hệ thống này, sau đó sẽ đánh giá cụ thể trước khi nhân rộng triển khai toàn quốc" – Bộ trưởng cho hay.

(Nguồn: vietnamnet.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014