Đại dịch đã thay đổi lĩnh vực vaccine thế nào

Cập nhật: 27/4/2022 | 7:30:21 AM

Covid thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp vaccine, thúc đẩy sản xuất, tạo bàn đạp cho những cải tiến chưa từng có tiền lệ nhằm đối phó với loại virus lây lan nhanh và thay đổi khôn lường.

Đại dịch làm thay đổi công nghệ vaccine, tạo ra những "kẻ tiên phong" đầy hứa hẹn.

Loại vaccine đầu tiên trên thế giới xuất hiện năm 1796, do bác sĩ người Anh Edward Jenner phát triển nhằm ngăn ngừa bệnh đầu mùa. Vaccine sử dụng công nghệ bất hoạt (vector virus). Trong đó, Jenner nuôi cấy tác nhân gây bệnh, thường là virus trong những môi trường thích hợp, sau đó sử dụng nhiệt, hóa chất hoặc tia xạ để phá hủy vật chất di truyền, làm chết mầm bệnh. Sau khi được tiêm vào cơ thể, vaccine thúc đẩy miễn dịch mà không gây bệnh.

Công nghệ bất hoạt từng được sử dụng nhiều để điều chế vaccine bại liệt hoặc cúm, chỉ cần tiêm một lần, có tác dụng vĩnh viễn.

Gần đây, vaccine vector virus trở nên phổ biến hơn, nó được sử dụng để ngăn ngừa Ebola. Sau đó hai hãng dược lớn là AstraZeneca và Johnson & Johnson cũng mang công nghệ này vào vaccine Covid-19. Các nhà khoa học đã điều chỉnh một đoạn protein của virus khác, thêm các đặc điểm của nCoV rồi đưa vào cơ thể, từ đó sinh miễn dịch.

Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 tại Trung tâm Y tế Meritus ở Hagerstown, Mỹ. Ảnh: NY Times

Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 tại Trung tâm Y tế Meritus ở Hagerstown, Mỹ. Ảnh: NY Times

Đại dịch cũng đưa một công nghệ từ thử nghiệm vào thực tế, đó là công nghệ mRNA. Trước đây, chỉ một số công ty dược phẩm lớn có khả năng phát triển loại vaccine mới vì các chi phí liên quan rất lớn.

"Đó là thế mạnh của một số hãng. Song công nghệ mRNA khiến mọi thứ thay đổi", Loic Plantevin, chuyên gia y tế tại công ty tư vấn Bain and Company, cho biết.

Trước đại dịch, 4 công ty chiếm lĩnh 90% thị phần vaccine toàn cầu là Pfizer và Merck của Mỹ, GSK của Anh và Sanofi của Pháp. Hiện nay, chỉ Pfizer đưa được vaccine ra thị trường. Covid-19 cũng là bàn đạp của những công ty mới như BioNTech và Moderna. Nó thúc đẩy sản xuất tại các quốc gia bỏ lỡ thị trường vaccine trong thời kỳ đầu đại dịch.

WHO dự kiến thành lập trung tâm sản xuất vaccine mRNA tại 6 nước châu Phi kể từ năm 2024. Các dự án như vậy thành hiện thực nhờ vào công nghệ mRNA. Vaccine linh động và dễ điều chỉnh hơn. Trong khi đó, công nghệ truyền thống quá phức tạp và khó thay đổi, theo Plantevin.

Tiến sĩ Drew Weissman, Đại học Pennsylvania - nhà nghiên cứu tiên phong trong công nghệ mRNA và nhiều đồng nghiệp cũng đang làm việc để thiết lập các điểm sản xuất vaccine Covid-19 tại Thái Lan và châu Phi.

"Nếu có dây truyền sản xuất địa phương, khi Covid-19 qua đi, những khu vực này sẽ tạo ra được các loại vaccine họ cần. Thái Lan sản xuất vaccine sốt xuất huyết, châu Phi có vaccine sốt rét - các sản phẩm mà hãng dược lớn không quá mặn mà", ông nói.

Việc phát triển nhanh chóng công nghệ mRNA cũng thúc đẩy hy vọng về vaccine cho các bệnh truyền nhiễm khác. Moderna có dự định phát triển vaccine sốt rét, Ebola và sốt xuất huyết. Hãng còn muốn tạo ra loại vaccine phổ quát, không chỉ hiệu quả với nCoV mà còn đẩy lùi được tất cả các biến chủng của nó.

Các loại vaccine nói chung đã cứu sống từ hai đến ba triệu người mỗi năm, ngăn ngừa hơn 20 loại bệnh có thể gây tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trước Covid-19, vaccine nhắm mục tiêu bảo vệ cho từng nhóm cụ thể, chẳng hạn trẻ em, người già và người có bệnh nền. Khi ấy, thế giới sản xuất khoảng 5 tỷ liều vaccine mỗi năm. Kể từ khi nCoV xuất hiện, mọi thứ thay đổi. Chỉ trong năm 2021, 11 tỷ liều vaccine ra lò.

Vaccine Covid-19 được phát triển trong vòng một năm nhưng qua nhiều thập kỷ, nhân loại vẫn chưa có cách ngăn ngừa cho các loại bệnh điển hình khác như HIV, căn bệnh đã giết chết hàng triệu người.

Khoảng cách tiêm chủng lớn giữa các nước giàu nghèo trong thời kỳ đại dịch cũng làm lộ rõ sự bất bình đẳng về vaccine vốn tồn tại từ trước. Theo Viện INSERM của Pháp, dù đã có vaccine phòng sởi trong hơn nửa thế kỷ, năm 2018, thế giới vẫn ghi nhận 140.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em ở các nước đang phát triển.

(Nguồn: vnexpress.net)

In bản tin